Quy trình vỗ rung long đờm cho trẻ chuẩn y khoa

quy-trinh-vo-rung-long-dom-cho-tre-chuan-y-khoa-Bluecare

Đờm đặc ứ đọng trong cổ họng và phổi gây cản trở đường thở, hệ hô hấp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không được tống sạch sớm thì hậu quả là gây viêm nhiễm, khiến trẻ khó thở, thở khò khè, bỏ ăn, nôn ói, kèm theo biểu hiện ho và sốt. Vỗ long đờm là liệu pháp mới để điều trị tình trạng ho có đờm. Ba mẹ hãy cùng Bluecare đi tìm hiểu xem quy trình vỗ rung long đờm cho trẻ được thực hiện như thế nào nhé!

Contents

Phương pháp vỗ rung long đờm là gì?

Vỗ rung long đờm cho trẻ là phương pháp vật lý trị liệu được kỹ thuật viên thực hiện bằng tay/dụng cụ hoặc kết hợp cả hai để giúp thúc đẩy hiệu quả của hô hấp. Từ đó, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp. Đồng thời đào thải và bài trừ các chất tiết, đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.

Phương pháp vỗ rung long đờm dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí theo nhịp thở của trẻ. Từ đó làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở cho bé. 

Vai trò của vỗ rung long đờm trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý về hô hấp ở trẻ sơ sinh

Phương pháp này được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý làm tắc nghẽn đường hô hấp như: 

  • Viêm tiểu phế quản
  • Viêm nghẹt mũi
  • Các bệnh về đường hô hấp gây ứ đọng đờm nhớt, làm tắc nghẽn đường thở
  • Các bệnh mãn tính gây ứ đọng đờm nhớt như bại não, bệnh thần kinh – cơ, một số bệnh hô hấp mãn tính,… 
  • Xẹp phổi do ứ đọng đàm nhớt 
  • Sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực. 

Vỗ, rung lồng ngực có tính chất cơ học làm lỏng dịch tiết, long đờm. Sau đó dẫn ra các phế quản rộng hơn để thoát ra ngoài nhờ phản xạ ho và khạc, hoặc dùng máy hút nếu người bệnh không tự ho được.

Phương pháp vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh giúp đường thở của bé được thông thoáng để hô hấp dễ dàng hơn, giảm khò khè và giảm nôn ói. Bên cạnh đó, khả năng hỗ trợ giải phóng những đờm nhớt ứ đọng trong khí quản, phế quản của phương pháp này sẽ giúp bé dễ chịu hơn và bú mẹ, ăn uống tốt hơn.

Khi nào cần áp dụng vỗ đờm cho trẻ sơ sinh?

Ba mẹ cần lưu ý rằng vật lý trị liệu hô hấp chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ điều trị và điều dưỡng nhé. Phải qua thăm khám của bác sĩ để chẩn đoán bệnh và có chỉ định vật lý trị liệu hô hấp thì mới được tiến hành vỗ rung. 

Kỹ thuật vỗ rung lồng ngực | Vinmec

Kỹ thuật viên trước khi thực hiện thủ thuật sẽ xác định tình trạng tắc nghẽn đờm nhớt do ứ đọng và đánh giá tình trạng chung của bé để có quyết định và chọn lựa kỹ thuật điều trị. Điều dưỡng sẽ phối hợp hút đờm nhớt với kỹ thuật viên trong quá trình này.

Khi nào không nên vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh?

Khi trẻ đang trong những trường hợp này thì ba mẹ tuyệt đối không được vỗ rung long đờm cho trẻ nhé:

  • Khi trẻ sốt cao ≥ 39 độ, nên hạ sốt tích cực trước để tránh nguy cơ co giật.
  • Khi ho ra máu, tràn khí màng phổi chưa dẫn lưu, lao phổi tiến triển. Nếu thực hiện vỗ long đờm sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh. Chẳng hạn như chảy máu phổi nhiều hơn, tràn khí nhiều hơn gây suy hô hấp nặng cho trẻ.
  • Trẻ ở giai đoạn đầu phù não, xuất huyết não, có dị dạng mạch máu não vì tăng nguy cơ tổn thương não.
  • Trẻ bị thiếu máu, rối loạn đông cầm máu, bệnh tim,…

Quy trình vỗ rung long đờm cho bé chuẩn y khoa

1. Chỉ định, chống chỉ định

Chỉ định

  • Viêm phế quản phổi.
  • Viêm phế quản.
  • Viêm tiểu phế quản.
  • Hen phế quản.
  • Giãn phế quản.

 Chống chỉ định

  • Chấn thương lồng ngực.
  • Trẻ mắc bệnh tim mạch.
  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi.
  • Ung thư phổi.
  • Dị tật đường thở.
  • Ngay sau khi trẻ ăn no.

2. Nguyên tắc vỗ, rung

  • Nguyên tắc của vỗ: Dùng tay vỗ nhẹ vào ngực nhằm tạo nên các sóng xung lực tác động qua thành ngực truyền vào phổi. Từ đó, làm các cục đờm ứ đọng dính vào phế quản bị bong ra rồi đờm được dẫn lưu vào phế quản lớn và ho tống ra ngoài.
  • Nguyên tắc của rung: Động tác rung lồng ngực bổ sung cho kỹ thuật vỗ, tạo lực thúc đẩy đờm dễ thoát ra ngoài.
  • Ngừng ngay vỗ, rung nếu các dấu hiệu hô hấp xấu đi.
  • Cách xa bữa ăn (khoảng 1h30).
  • Đảm bảo công tác vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau quá trình thực hiện vỗ rung.

3. Quy trình thực hiện vỗ rung

Để vỗ rung long đờm đúng cách cho trẻ sơ sinh khi bị ho hoặc những bệnh hô hấp khác, cần thực hiện theo các bước:

Bước 1: Xác định tư thế vỗ rung long đờm:

Có 4 tư thế đặt trẻ để có thể thực hiện vỗ rung long đờm. Các tư thế này khiến dẫn lưu đờm tốt hơn, không bị sặc trong đường thở: 

  • Tư thế nằm nghiêng một bên 
  • Tư thế ngồi cúi đầu về phía trước 
  • Tư thế úp người bé lên lòng bàn tay (áp dụng với bé dưới 2 tháng tuổi) hoặc
  • Tư thế mẹ bế vác trẻ trên vai. 

Bước 2: Xác định vị trí vỗ: 

Vỗ từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.

Bước 3: Kỹ thuật vỗ rung long đờm

– Tư thế tay: Tay khum lại tạo thành một khoảng trống không khí thì khi vỗ trẻ sẽ không đau. Không để bàn tay thẳng vỗ vì sẽ khiến trẻ đau.

– Dùng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng “bộp, bộp”, cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, vỗ từ dưới lên trên. Làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái, thích thú. Lưu ý không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho trẻ vì sẽ làm trẻ đau.

– Mỗi lần vỗ rung làm 10-15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm. Ba mẹ cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ. Màu sắc đờm có thể cho biết dấu hiệu con đang có nguy cơ mắc bệnh gì.

Sau động tác này, trẻ có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm. Vì vậy ba mẹ cần đặc biệt lưu ý, chỉ thực hiện kỹ thuật này lúc trẻ đói. Tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì.

Cách vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh tuỳ theo bệnh

Nguyên tắc của phương pháp vỗ rung long đờm là thông đờm và thông khí. Thông đờm là làm sạch đàm nhớt cho đường thở của bé thông thoáng, dễ chịu.  Thông khí là tăng cường khả năng hô hấp, giúp hít vào thở ra hiệu quả. Sau đây là cách vỗ rung cho một số thể bệnh thường gặp: 

1. Phương pháp vỗ long đờm cho trẻ bị viêm hô hấp trên

Với trường hợp này, đờm nhớt tắc nghẽn ở vùng mũi họng là chính. Do đó chỉ cần thực hiện 2 bước như sau:

  • Kỹ thuật thông mũi họng với nước muối sinh lý.
  • Sau đó kích thích ho, khạc đờm để tống hết đàm nhớt ra ngoài.

2. Phương pháp vỗ long đờm cho bé bị viêm hô hấp dưới

Viêm đường hô hấp dưới gây ra các bệnh về đường hô hấp bao gồm: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Lúc này, đờm nhớt sẽ tắc nghẽn sâu trong phế quản phổi. Do đó, cần có kỹ thuật chuyên sâu hơn mới tống sạch đờm nhớt ra ngoài. Kỹ thuật viên sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bao gồm:

  • Thông mũi họng như trên
  • Kỹ thuật giảm thể tích tốc độ chậm
  • Kỹ thuật tăng luồng khí thở ra (trường hợp trẻ viêm tiểu phế quản có ứ khí không thực hiện kỹ thuật này)
  • Kích thích ho, khạc đờm hoặc hút đàm bằng máy hút đờm với sự trợ giúp của điều dưỡng viên.
  • Chú ý cần dự phòng oxy, máy hút đàm nhớt để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân trong lúc làm vật lý trị liệu hô hấp.

3. Phương pháp vỗ long đờm cho trẻ bị xẹp phổi

Bệnh nhi bị xẹp phổi cần kỹ thuật phức tạp hơn để làm bung nở phổi bị xẹp ra. Kỹ thuật viên sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bao gồm các bước:

  • Thông mũi họng
  • Tư thế thông đờm đặc từ 5-10 phút trước khi thực hiện các kỹ thuật tiếp theo
  • Kỹ thuật giảm thể tích
  • Kỹ thuật tăng luồng khí thở ra
  • Kích thích ho, khạc đờm hoặc hút đàm
  • Chọn lựa cách tập thở tùy theo tình trạng bệnh nhân có hợp tác hay không
  • Tư thế thông khí duy trì 5-10 phút khi kết thúc buổi tập
  • Chú ý theo dõi sát trẻ để kỹ thuật này không làm xấu đi tình trạng bệnh nhân đang bị xẹp phổi.

Ba mẹ có thể tự thực hiện vỗ rung long đờm tại nhà cho trẻ hay không?

Để đảm sức khỏe cho bé tốt nhất, nếu không hiểu rõ về phương pháp ba mẹ tuyệt đối không nên tự thực hiện kỹ thuật vỗ rung long đờm tại nhà. Phương pháp này chỉ nên tiến hành dưới sự chỉ định của bác sĩ và do các kỹ thuật viên chuyên môn sâu.

Ba mẹ có thể làm một số việc tại nhà sau đây để giúp bé mau khỏi bệnh:

  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý cho bé 4-5 lần/ngày. Đặc biệt là trước khi ăn hoặc ngủ để bé ăn ngon và ngủ ngoan hơn. Trước khi nhỏ mũi cho trẻ, ba mẹ phải rửa tay sạch sẽ nhé.
  • Hỉ mũi hay lau mũi cho con ba mẹ chỉ nên sử dụng khăn giấy sạch dùng 1 lần. Tránh dùng đi dùng lại nhiều lần vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm nặng hơn.
  • Có thể cho trẻ uống nhiều nước trong ngày để đờm loãng ra.
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu và không biếng ăn.
  • Khi ngủ thì kê gối cao hơn thông thường và nên cho bé nằm nghiêng nhé.
  • Khi bị viêm hô hấp, trẻ thường ho hoặc ói, đây là phản xạ tự nhiên để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở. Khi đó, ba mẹ nên hỗ trợ trẻ xuất đờm bằng cách vỗ lưng trẻ.
  • Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc ức chế cơn ho mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể khiến đờm đặc quánh lại, độ dính cao và khó tống xuất ra ngoài.

Những lưu ý gì khi thực hiện vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh

  • Các kỹ thuật vỗ rung long đờm chỉ áp dụng khi trẻ ho có đờm, không áp dụng với những trẻ ho khan.
  • Thời điểm vỗ rung long đờm cho trẻ tốt nhất là buổi sáng sớm khi trẻ ngủ dậy. Sau một đêm dài ngủ lượng đờm ứ đọng sẽ nhiều hơn và tránh việc làm trẻ bị nôn trớ thức ăn.
  • Trước và sau khi vỗ rung, cần hút sạch đờm dãi khỏi mũi họng trẻ.
  • Trong quá trình vỗ rung long đờm cho bé, cần phải tháo bỏ trang sức như nhẫn, đồng hồ đeo tay.
  • Không nên vỗ trực tiếp lên người nếu trẻ cởi trần mà nên phủ một tấm khăn mỏng lên người bé.

Vỗ rung long đờm cho trẻ là một phương pháp vật lý trị liệu giúp làm long đờm, giảm ho cho các bé mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Tuy nhiên, thể trạng của trẻ sơ sinh còn non nớt nên bố mẹ cần phải nắm rõ cách thực hiện.  Tuyệt đối không được tự ý vỗ mà không tuân theo nguyên tắc. Nếu thấy bé có dấu hiệu bất thường và không thuyên giảm. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị ba mẹ nhé! 

Nếu khu vực bạn sinh sống chưa có dịch vụ vỗ rung long đờm thì bạn có thể tìm mua Cốt gừng tươi kết hợp muối hồng Himalaya và tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp để tắm cho bé sẽ giúp long đờm cho bé rất hiệu quả.

>>>Xem thêm:

Ba mẹ có nên thực hiện vỗ rung long đờm tại nhà cho trẻ?

Review dịch vụ vỗ rung long đờm tại nhà

Hướng dẫn vỗ rung long đờm cho trẻ

Lưu ý khi vỗ long đờm để đảm bảo an toàn cho bé

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*