Thai nhi 16 tuần tuổi

Khi thai nhi 16 tuần tuổi, một trong những thời điểm thú vị nhất của giai đoạn đang rất gần: đó là thời khắc bạn cảm nhận được sự có mặt của bé yêu qua những cử động đầu tiên. Thông thường hầu hết các bà mẹ đều cảm nhận được những cử động đáng yêu này khi thai 16 tuần. Nếu đây không phải là bé đầu lòng, bạn sẽ cảm nhận được chuyện này sớm hơn nữa. Vậy thai nhi 16 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Cho đến lúc này, nước ối vẫn hoạt động như một lớp đệm nâng đỡ mọi hoạt động cuả bé. Dây thần kinh nối với thành tử cung còn quá nhỏ và chưa thể trực tiếp liên lạc với bé. Thai nhi 16 tuần tuổi của bạn đủ lớn để kích thích các mạch dẫn truyền dây thần kinh, não bạn bắt đầu ghi nhận những cử động nhẹ nhàng cuả bé.

Tham khảo: Dấu hiệu thai nhi phát triển tốt 3 tháng giữa

Contents

Những cảm nhận đầu tiên về thai nhi 16 tuần tuổi

Thật khó diễn đạt chính xác cảm giác lần đầu tiên bạn cảm nhận được những di chuyển của bé yêu trong bụng mình khi bầu 4 tháng hay lúc mang thai 16 tuần. Nhiều bà bầu cho hay những cử động đầu tiên này giống như một chiếc bong bóng nhỏ đang hân hoan nhảy múa. Những cử động của bé khi mang thai 4 tháng sẽ dễ nhận biết hơn khi bạn nằm hoặc ngồi. Chắc hẳn bạn sẽ mỉm cười khi biết rằng những cử động chòi đạp nhẹ trong bụng là cách bé thông báo cho mẹ biết bé đang khoẻ mạnh.

Lưu ý rằng sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Mỗi bà bầu sẽ có cảm nhận riêng về sự phát triển của con mình. Những ngày đầu, bạn thường không chắc chắn về những chuyển động của bé và dễ cho rằng mình đang tưởng tượng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và bạn sẽ sớm nhận ra những chuyển động đáng yêu này sớm thôi.

Sự thay đổi của mẹ khi thai nhi 16 tuần tuổi

  • Vào tuần thai thứ 16, bạn nhận thấy đỉnh của tử cung lúc này đã gần tiếp cận với rốn. Sờ vào bụng bạn sẽ chạm được vào đỉnh tử cung. Khi khám thai, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung để kiểm tra và so sánh sự phát triển của bé với những lần khám thai trước đó.
  • Mang thai tháng thứ 4, tử cung của bạn có kích thước bằng một quả dưa lưới nhỏ, vì vậy bụng dưới sẽ nặng hơn và chèn lên khung chậu.
  • Nếu bạn tăng lên vài cân, các vết rạn da ở vùng bụng, háng và vú bắt đầu xuất hiện. Da bạn sẽ khô hơn vì vậy bạn nên dùng sữa dưỡng thể để dưỡng cho da mềm mại hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ trước khi tốn tiền cho các loại kem chống rạn quảng cáo rộng rãi trên thị trường. Hầu hết phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng này và không có cách nào thật sự hiệu quả để ngăn chặn nó diễn ra. 
  • Mang thai tháng thứ 4 cũng là thời điểm mà hầu hết các thai phụ đều bắt đầu ngáy nhiều đến mức kinh khủng. Nguyên nhân là do mũi bị nghẹt. Để ngủ tốt hơn, bạn không nên cố nằm ngửa hay nằm sấp. Nằm ngủ nghiêng 1 bên và đặt một cái gối dưới chân sẽ giúp bạn dễ chịu và cũng giúp cho máu đến thai nhi được dễ dàng, tình trạng ngủ ngáy sẽ giảm bớt. Nếu mũi bạn bị khô, thuốc xịt thông mũi với công dụng hóa lỏng các chất nhầy, đồng thời giúp làm ẩm và thông mũi sẽ hữu ích cho bạn. 
  • Thai nhi 16 tuần tuổi của bạn phát triển rất nhanh, bạn có thể dễ bị đói bụng. Bạn nên chuẩn bị một số thức ăn nhẹ tốt cho sức khoẻ trong tủ lạnh và ngăn chứa thực phẩm để có thể dùng khi cần. Tìm mua những thực phẩm có hàm lượng đường thấp để thỏa mãn cơn đói bụng của bạn mà vẫn không làm bạn tăng cân quá nhiều. (Tham khảo: Chi tiết chế độ dinh dưỡng theo từng tuần thai kỳ giúp nuôi thai khỏe mạnh, thông minh)
  • Tim bạn phải làm việc tích cực hơn gấp 50% bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể. Hầu hết các mẹ đều trải qua cảm giác này. Nếu tim bạn đập thình thịch sau khi tập thể dục hoặc leo lên cầu thang thì bạn nhớ giảm tốc độ, vận động chậm và nhẹ nhàng để cho cơ thể bắt nhịp từ từ, tránh trường hợp dừng đột ngột. Triệu chứng này có thể kéo dài suốt thai kỳ, tuy nhiên bạn đừng lo lắng nhé vì trái tim bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường sau khi sinh bé. Nếu bạn hút thuốc lá thì thời điểm này chính là lúc đấu tranh tư tưởng để bỏ nó. Vì con và vì chính bạn nữa, hãy thay thế thuốc lá bằng các món khác bổ dưỡng hơn như sữa chua không béo, hỗn hợp nước trái cây tươi.

Những thay đổi về cảm xúc của mẹ khi thai nhi 16 tuần tuổi

  • Nếu có chút bất an về quá trình mang thai trước đây thì có lẽ bạn sẽ thấy dễ chịu hơn vào giai đoạn thai nhi tuần 16. Bạn sẽ cảm nhận rõ những cử động của con bạn. Nhiều thai phụ cho rằng họ cảm nhận được sợi dây liên kết vô hình giữa họ và con, một mối liên hệ đặc biệt chưa từng có trước đó khi mang thai tháng thứ 4. Vì vậy, họ muốn giữ bí mật về những cử động của con cho riêng mình. Điều này cũng dễ hiểu. Tuy vậy, bạn nên chia sẻ những thông tin thú vị đó với ông xã để cả hai cùng cảm nhận được niềm vui sắp được làm cha mẹ.
  • Khi thai 16 tuần, bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch chuẩn bị cho ngày sinh bé. Bụng của bạn ngày càng to và nặng hơn vì bé đang di chuyển xuống dưới. Hãy cùng người thân bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho việc bé chào đời.
  • Tử cung của bạn trở nên chật chội vì nó chứa cả bé, nước ối, bánh nhau, màng nhầy và dây rốn, chưa kể đến không gian cho bé cử động khi bé cuộn tròn, búng, lật, uốn lưng, co, duỗi chân tay. Nhưng bạn đừng lo, thật may, tử cung của chúng ta được thiết kế đặc biệt để có thể co giãn và lớn lên nhiều lần so với kích thước và hình dạng gốc sao cho phù hợp với bé.
  • Bé bắt đầu biết mút ngón tay. Siêu âm ở tuần thứ 16 cho thấy nhiều bé đã biết cho tay vào miệng ngậm và rất thích thú với hành động này. Một số bé sinh ra với những vết phồng da trên các ngón tay.
  • Cơ thể bé tăng trưởng rất đáng kể. Bộ xương dần chuyển từ sụn dẻo thành xương cứng, điều này có nghĩa là con bạn đang phát triển tốt. Đó là lý do bạn cần bổ sung canxi và có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp bạn và thai nhi khoẻ manh. Dù không có thói quen uống sữa, bạn cũng nên dùng thêm một số thực phẩm giàu canxi như các loại đậu, đậu nành, đậu hũ, nước cam, phômai, sữa chua, bánh trứng, kem, xương cá mòi, cá ngừ và hạnh nhân. Những loại rau lá xanh đậm chứa nhiều canxi, giúp tạo cơ, xương và tạo máu cũng rất có ích, bạn nên dùng hàng ngày.

Sự phát triển của thai nhi 16 tuần tuổi

Sự phát triển của thai nhi tuần 16 của thai kỳ (tương đương 14 tuần sau thụ tinh) đặc trưng bởi sự phát triển của các cơ ở khu vực lưng và xương sống, khiến đầu và cổ của thai nhi có thể ngẩng thẳng hơn nữa. Mắt của thai nhi có thể chuyển động từ từ, tai cũng bắt đầu những bước hoàn thiện cuối cùng, các xương nhỏ trong tai dần hoạt động giúp thai nhi có thể cảm nhận âm thanh từ bên ngoài.

Tứ chi của thai nhi có khả năng chuyển động cùng nhau và có thể nhìn thấy trong quá trình siêu âm. Tuy nhiên những vận động này còn quá nhỏ nên thai phụ sẽ khó cảm nhận được (thai phụ chưa thấy dấu hiệu thai máy xuất hiện).

Thai nhi 16 tuần tuổi nặng bao nhiêu gam dài bao nhiêu cm? Thai nhi ở tuần thứ 16 nặng khoảng 100g (3,5 ounce) và dài khoảng 11,5cm (4,5 inch).

Mẹ nên làm gì khi thai nhi 16 tuần tuổi?

  • Hầu hết các bà mẹ mang thai đều nên siêu âm từ tuần thứ 16. Hãy hẹn với bác sĩ một ngày mà chồng bạn có thể đi cùng bạn. Và đừng quên lưu lại những hình ảnh đầu tiên của thai nhi để khi lớn lên, bé càng cảm nhận thêm tình yêu của mẹ và bố dành cho bé từ những ngày còn trong bụng mẹ.
  • Thời kỳ này, bạn có thể sẽ mắc chứng đãng trí, hay quên. Vì vậy, hãy ghi chú vào giấy những thắc mắc bạn muốn hỏi bác sĩ và việc cần làm là mang theo nó khi đi khám. 
  • Bia, rượu và các chất có cồn không tốt cho phụ nữ mang thai và cách an toàn nhất là bạn hãy kiêng tất cả những thứ độc hại này. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước hoa quả, nước khoáng và soda, hoặc nước đun sôi để nguội với một ít chanh. (Tham khảo: DỰ PHÒNG DỊ TẬT BẨM SINH TRƯỚC VÀ TRONG KHI MANG THAI)

Những xét nghiệm cần thiết cho thai nhi 16 tuần tuổi

Nếu 3 tháng đầu chưa sàng lọc double test thì khi mang thai tuần 16, mẹ nên làm xét nghiệm sàng lọc triple test. Triple test giúp ước đoán khả năng mắc các rối loạn di truyền của thai nhi thông qua xét nghiệm nồng độ một chất trong máu. Mặc dù mẹ có thể làm xét nghiệm này từ tuần 14 đến 22 của thai kỳ nhưng kết quả chính xác nhất nằm từ tuần 16 đến 18.

Do 3 tháng giữa là giai đoạn mà thai nhi phát triển nên mẹ sẽ cần siêu âm 4D để tầm soát dị tật thai nhi toàn diện. Bên cạnh đó, việc tầm soát tiểu đường thai kỳ cũng cần thiết vì đây là bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.

Mẹ cần theo dõi và kiểm soát cân nặng của bản thân cũng như cần tìm hiểu các dấu hiệu doạ sinh sớm để điều trị giữ thai kịp thời. 

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*