Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Tuyết Mai – Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé khỏi các biến chứng bệnh tiểu đường. Vậy thời điểm lý tưởng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là khi nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Contents
1. Tiểu đường thai kỳ là gì, nguyên nhân do đâu?
Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ, bệnh được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không xác định đã bị tiểu đường type 1 và type 2 trước đó.
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu được phát hiện tăng glucose huyết thì chẩn đoán là đái tháo đường chưa được chẩn đoán hoặc chưa được phát hiện và dùng tiêu chí chẩn đoán của người không có thai.
Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ có thể là do hormone nhau thai sản suất nhằm giúp thai nhi phát triển, tuy nhiên, các hormone này cũng có thể ngăn chặn insulin thực hiện chức năng của nó. Khi cơ thể mẹ bầu không thể tạo ra đủ insulin, đường trong máu vẫn ở yên tại chỗ, lượng đường này không được chuyển hóa thành năng lượng tế bào, trở thành dư thừa và kháng insulin.
Nếu không kịp thời phát hiện và được điều trị tiểu đường thai kỳ, bệnh sẽ gây ra những biến chứng, hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
2. Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?
Tiểu đường thai kỳ khiến mẹ bầu có thể tăng cân quá mức và gây ra các nguy cơ nguy hiểm sau:
Bị đa ối, khiến tử cung to nhanh, gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp ở mẹ.
Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
Tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật.
Gây ra tình trạng chuyển dạ kéo dài, sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn, băng huyết sau sinh.
Gây tỷ lệ mổ cao hơn, rối loạn đường trong máu dễ dẫn đến hôn mê sâu.
Đối với thai nhi có mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như:
Tăng tỷ lệ dị tật thai nhi.
Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng.
Tỷ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2-5 lần, thậm chí là bị chết lưu do ngột đường huyết tăng quá cao…
3. Thời điểm lý tưởng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Để tránh được những hậu quả nguy hiểm mà tiểu đường thai kỳ gây ra, việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là điều hết sức cần thiết để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé trong thời kỳ mang thai.
Thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ lần đầu ở giai đoạn tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với phụ nữ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Phụ nữ có thai kỳ sau sinh từ 4 đến 12 tuần, cần xét nghiệm để chẩn đoán đái tháo đường thật sự bền vững. Các bác sĩ sẽ dùng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống và các tiêu chuẩn chẩn đoán không mang thai phù hợp trên lâm sàng.
Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện xét nghiệm để phát hiện sự phát triển đái tháo đường hay tiền đái tháo đường ít nhất 3 năm một lần. Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, sau đó được phát hiện có tiền đái tháo đường cần được điều trị và có lối sống tích cực để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
4. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ gồm những gì?
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có thể thực hiện một trong hai phương pháp sau:
Phương pháp 1 bước (one-step strategy):
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: uống 75g (75-g OGTT): đo nồng độ glucose huyết tương lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau uống đường, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:
Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
Ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
Ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Phương pháp 2 bước (two-step strategy):
Bước 1:
Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g hoặc uống glucose 50 gam (glucose loading test: GLT): Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
Bước 2:
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g (100-g OGTT): Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, uống 100 gam glucose pha trong 250-300 ml nước, đo glucose huyết lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose.
5. Mẹ bầu cần làm gì hạn chế nguy cơ tiểu đường thai kỳ?
Để phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ hiệu quả, mẹ bầu cần thay đổi lối sống luôn tích cực, tập thể dục và vận động thường xuyên.
Đặc biệt, một chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng để hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu nên bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế thực phẩm béo, tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, protein nạc…trong thực đơn ăn uống.
Xem thêm:
5 xét nghiệm mẹ không thể qua qua khi mang thai
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT
Xét nghiệm NIPT khi nào được bảo hiểm khi nào không?
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare