Đờm nhớt vướng víu trong cổ họng không tống được ra ngoài khiến trẻ khó thở, thở khò khè. Dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là các bé sơ sinh chưa biết khạc đờm. Việc sử dụng thuốc long đờm cho bé là giải pháp được nhiều ba mẹ lựa chọn giúp bé loại bỏ cảm giác khó chịu ở họng và bảo vệ tốt nhất sức khỏe của con.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà các ba mẹ rất hay mắc phải chính là cho con sử dụng thuốc long đờm một cách bừa bãi, không tìm hiểu kỹ càng dẫn đến tác dụng ngược không mong muốn. Để trang bị kiến thức chăm con tốt nhất, ba mẹ hãy cùng Bluecare đi tìm hiểu cách sử dụng thuốc long đờm cho bé an toàn và hiệu quả trong bài viết này nhé!
Contents
1. Bản chất của đờm và ho có đờm
Đờm là một loại dịch nhầy tiết ra ở đường hô hấp, từ hốc mũi cho đến phế nang rồi được đẩy ra ngoài thông qua đường miệng. Thành phần của đờm bao gồm chất nhầy, bạch cầu mủ, hồng cầu, các chất độc tấn công đường hô hấp,…
Ho có đờm là tình trạng ho đi kèm với các dịch được tiết ra từ đường hô hấp (đờm). Đây là hiện tượng phổ biến và thường gặp ở trẻ em.
2. Những điều cần biết về thuốc long đờm cho bé
Nguyên nhân khiến trẻ có đờm
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đờm rãi và ho đờm. Nhưng chủ yếu là do các vấn đề về đường hô hấp. Hầu hết tình trạng đờm không gây nguy hiểm cho sức khỏe ngoại trừ xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Sau đây là một số nguyên nhân gây ra đờm ở trẻ:
- Dị ứng: Khi trẻ bị dị ứng với các tác nhân như ô nhiễm môi trường, khói, bụi, phấn hoa, hóa chất, lông động vật,… Có thể khiến các màng nhầy bài tiết nhiều chất nhầy gọi là dịch đờm.
- Nhiễm trùng: Viêm xoang hay nhiễm trùng xoang dễ làm tăng tiết dịch nhầy. Tuy nhiên, ở trường hợp này thì đây lại là một cơ chế kháng viêm để chống lại vi khuẩn xâm nhập. Nhưng khi đờm quá nhiều và đổi màu xanh hoặc vàng thì lại là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Virus: Khi các loại virus sởi, thủy đậu, ho gà,… xâm nhập vào cơ thể cũng có thể gây ra tình trạng đờm nhầy trong cổ họng của bé.
- Viêm phổi: Viêm phổi có thể tiết đờm gây ứ đọng tại phổi khiến trẻ khó thở.
- Viêm phế quản cấp tính: Trẻ nhiễm virus và mắc viêm phế quản cấp sẽ dẫn đến hiện tượng tích tụ chất nhầy và khó thở.
Thuốc long đờm là gì?
Thuốc long đờm hay còn gọi là thuốc tiêu chất nhầy, thuốc loãng đờm. Đây là loại thuốc làm tiêu chất nhầy trong khí quản, phế quản giúp tống chất nhầy ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn. Tác dụng của thuốc long đờm là làm long dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản – phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ đặc quánh của đờm nhầy trong phế quản. Nhờ đó, các chất đờm nhầy có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc bằng hành động khạc đờm.
Cơ chế hoạt động và tác dụng của thuốc long đờm cho bé
Thuốc long đờm giúp làm loãng và tống xuất đờm ra khỏi đường thở. Từ đó hỗ trợ điều trị ho có đờm và các bệnh lý về hô hấp như viêm phế quản. Có 2 cơ chế hoạt động của thuốc long đờm đó là:
Kích thích bộ phận tiếp nhận receptor:
Bộ phận này có tác dụng làm tăng đào thải dịch lỏng trong đường hô hấp. Việc dùng thuốc sẽ kích thích các thụ thể có tại niêm mạc dạ dày. Từ đó làm giảm nhầy đồng thời khiến acid tấn công niêm mạc dạ dày tạo viêm loét.
Cơ chế này không tốt cho những người bị bệnh dạ dày – tá tràng. Mặt khác, thuốc sử dụng cơ chế này thường có thêm natri iot hoặc kali iot trong thành phần để làm tăng nguy cơ tích lũy iot nên dễ gây bướu giáp.
Kích thích các tế bào chính xuất tiết:
Thành phần của các loại thuốc long đờm cho trẻ thường là tinh dầu bay hơi có khả năng sát khuẩn. Thuốc long đờm có thể tống xuất đờm ra khỏi cơ thể là nhờ khả năng làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, giảm độ nhớt và độ đặc của đờm nhầy ở phế quản. Kế tiếp đó, nhờ có phản xạ ho của trẻ mà đờm được đẩy ra ngoài một cách dễ dàng.
Bên cạnh tác dụng hỗ trợ tống xuất đờm, thuốc long đờm có thể gây nên nhiều bất lợi như:
- Làm lỏng chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày nên dễ gây loét dạ dày.
- Làm khởi phát các cơn co thắt phế quản.
- Một số tác dụng phụ khác như: chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, tăng men gan, buồn nôn và nôn, viêm miệng, ù tai, buồn ngủ, phát ban trên da,…
Vì vậy, ba mẹ phải hết sức cẩn thận và có sự tìm hiểu kỹ càng khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ.
3. Phân biệt thuốc long đờm và thuốc tiêu đờm cho trẻ
Nhiều ba mẹ hiện đang nhầm lẫn giữa thuốc long đờm và thuốc tiêu đờm cho trẻ. Cho rằng chúng có tác dụng như nhau. Điều này dẫn đến hiện tượng cho trẻ sử dụng thuốc không đúng với tình trạng bệnh của con.
Thực tế, cả 2 loại thuốc này đều hướng đến mục đích trị đờm ở trẻ. Tuy nhiên, cách thức mà chúng tác động để loại bỏ đờm lại hoàn toàn khác nhau. Sau đây, Bluecare sẽ làm rõ cho ba mẹ nhé:
Thuốc long đờm | Thuốc tiêu đờm |
Có tác dụng làm tăng tiết dịch nhầy ở đường hô hấp để đờm nhầy bị loãng ra. Và nhờ phản xạ ho mà trẻ dễ dàng tống đờm ra ngoài. | Tác động trực tiếp lên đờm để bẻ gãy các cấu trúc hóa học liên kết có trong đờm. Từ đó thay đổi cấu trúc đờm mà không làm tăng thể tích cũng như khối lượng của đờm. Khi cấu trúc bị phá vỡ, độ nhầy và đặc của đờm sẽ giảm nên chúng dễ bị tống ra ngoài khi trẻ ho hoặc khạc đờm. |
Như vậy, thuốc long đờm không làm biến mất đờm mà chỉ làm loãng nó thôi. Còn thuốc tiêu đờm cho trẻ lại có khả năng làm thay đổi bản chất của đờm để nó dễ bị khạc ra ngoài hơn.
4. Khi nào nên dùng thuốc long đờm cho bé?
Nếu trẻ ho có đờm, thường sẽ được kê thêm thuốc ho long đờm. Tùy vào triệu chứng, độ tuổi, độ đặc/loãng của đờm mà có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Chứ không hề có chỉ định chung cho mọi trường hợp trẻ có đờm trong cổ họng.
Nếu chỉ ho húng hắng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ba mẹ không nên dùng thuốc giảm ho cho bé. Vì ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống các dị vật (đờm dãi) để đường thở thông thoáng. Nếu ho nhiều làm trẻ mệt hay làm trầm trọng thêm tình trạng viêm họng,… thì mới cần phải dùng thuốc.
5. Chọn thuốc long đờm cho trẻ như thế nào?
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, hệ hô hấp cùng nhiều cơ quan khác chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Ba mẹ nên ưu tiên lựa chọn các loại thuốc ho long đờm cho bé có nguồn gốc thiên nhiên như: các loại siro ho, bổ phế, thuốc ho thảo dược hay các bài thuốc dân gian,…
Chú ý, khi cho bé uống các loại siro thuốc thì nên pha loãng với nước ấm. Việc này vừa giúp con dễ uống lại vừa có tác dụng chữa bệnh cao hơn.
Ngoài các thuốc có nguồn gốc thảo dược thì một số thuốc long đờm giảm ho có nguồn gốc hóa dược cũng hay được sử dụng như bromhexine hydrochloride và acetyl cystein.
Bromhexin là một chất dẫn xuất tổng hợp từ hoạt chất có nguồn gốc chiết xuất từ dược liệu vasicine. Thường được dùng điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp đi kèm với ho có đờm. Bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng sự đáp ứng tốt với kháng sinh trị nhiễm khuẩn.
Còn Acetylcystein có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm hay giúp long đờm. Acetylcystein và Bromhexin là thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ. Vì vậy, khi cần sử dụng các loại thuốc long đờm có chứa các hoạt chất này cho trẻ nhỏ thì phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ ba mẹ nhé.
6. Cách cho bé uống thuốc long đờm
Chuẩn bị:
Liều lượng thuốc long đờm cho trẻ có thể được tính theo cân nặng của bé. Do đó ba mẹ cần nắm rõ cân nặng của các con.
Về thời gian và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cho trẻ cũng rất quan trọng. Có thuốc được chỉ định khi đói bụng, có thuốc được chỉ định sau khi ăn. Với trẻ cần sử dụng thuốc vào thời điểm khác nhau trong ngày. Ba mẹ cần ghi nhớ thời điểm bác sĩ chỉ định trên đơn thuốc để sử dụng cho đúng.
Dụng cụ đong thuốc cho trẻ cũng cần được lưu ý. Vì nó có ảnh hưởng đến liều lượng thuốc dùng cho trẻ.
Cách cho trẻ uống thuốc:
- Đối với trẻ sơ sinh: Cho trẻ uống thuốc dạng lỏng, để trẻ ở vị trí giống như khi trẻ bú mẹ. Từ từ cho thuốc vào một bên má của trẻ. Không nên cho thuốc vào ngay cuống họng của trẻ để tránh bị ho, sặc, nghẹt thở,… Sau đó dùng tay ấn nhẹ bên má để thuốc được trẻ nuốt vào. Hoặc dùng núm vú cao su để cho trẻ uống thuốc. Chú ý không bóp mũi, đè trẻ uống vì dễ làm trẻ bị sặc và nôn trớ thuốc.
- Đối với trẻ lớn hơn: Có thể dùng thuốc dạng viên nén, viên nang. Ba mẹ có thể nghiền nhỏ hoặc tháo nang để pha thuốc cho trẻ uống nếu thấy trẻ uống thuốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên cần hỏi lại bác sĩ xem loại thuốc nào có thể nghiền/tháo nang thuốc. Vì không phải loại thuốc nào cũng có thể làm như vậy. Các thuốc này sau khi pha cần được cho trẻ dùng ngay không để lâu. Tránh làm phân huỷ/biến đổi hoạt chất thuốc ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Lưu ý khi cho trẻ uống thuốc long đờm:
- Với thuốc long đờm cho bé có vị đắng, ba mẹ nên cho con ngậm một ít nước đá nhỏ. Nhiệt độ lạnh sẽ giúp trẻ không còn cảm nhận được vị đắng. Không tự ý thêm sữa, nước trái cây hoặc thuốc khác vào dạng thuốc lỏng đã pha để tránh tương tác bất lợi.
- Không nên “đánh lừa” trẻ bằng cách nói thuốc là kẹo, bánh, chè,… Để tránh cho trẻ thấy thuốc nghĩ là kẹo, chè,… và tự ý uống gây ngộ độc.
- Nếu quên cho trẻ dùng thuốc, hãy cho bé dùng thuốc ngay sau khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra gần với thời điểm dùng liều kế tiếp. Thì bỏ qua liều đã quên và chờ đến thời điểm dùng liều kế tiếp để dùng thuốc cho trẻ (Không dùng gấp đôi liều thuốc).
- Thời gian dùng thuốc dài hay ngắn phụ thuộc vào bệnh. Không tự ý ngừng thuốc khi thấy trẻ khoẻ mạnh trở lại. Cũng như không tự ý tăng liều hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc khi thấy trẻ còn yếu.
- Cần kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng cho trẻ. Đặc biệt là các thuốc được dự trữ tại nhà.
- Không cho trẻ uống thuốc khi trẻ đang khóc, cười hay đang co giật.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Không sử dụng thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác uống.
7. Thận trọng khi dùng thuốc long đờm cho trẻ
Sử dụng thuốc long đờm khi trẻ ho có đờm giúp làm đờm lỏng hơn, dễ dàng thoát từ phế quản ra ngoài. Để tránh các tác dụng phụ bất lợi, khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ, phụ huynh cần chú ý tới những vấn đề sau:
- Không dùng cho bệnh nhi bị viêm loét dạ dày. Vì tác dụng phụ của thuốc là gây hủy hoại hàng rào niêm mạc dạ dày.
- Không dùng hoặc thận trọng khi dùng cho người bệnh hen. Vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở những người có cơ địa mẫn cảm. Nếu có co thắt phế quản, phải ngừng thuốc và khí dung salbutamol hoặc ipratropium.
- Không dùng thuốc cho trẻ bị suy nhược, quá yếu hoặc không biết khạc đờm. Vì sẽ càng tăng ứ đờm trong đường hô hấp khiến bệnh nặng thêm.
- Nếu có nhiều đờm loãng ở phế quản mà bệnh nhi giảm khả năng ho, phải tiến hành hút ra.
- Không dùng thuốc đồng thời với các thuốc chống ho hoặc thuốc làm giảm khả năng bài tiết dịch phế quản.
- Thời gian điều trị bằng thuốc không được kéo dài quá 8 – 10 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Tốt nhất bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc long đờm trong điều trị nội trú tại các cơ sở y tế có điều kiện hỗ trợ như hút đờm, vỗ rung (khi cần thiết) để đờm thoát ra ngoài dễ dàng.
Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dẫn đến ho có đờm. Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chỉ định sử dụng loại thuốc điều trị phù hợp.
8. Một số lời khuyên khi dùng thuốc trị ho cho trẻ
Thuốc long đờm không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Bởi khả năng ho và tự kiểm soát việc tống xuất đờm nhớt của trẻ ở độ tuổi này là chưa tốt. Việc làm tiêu nhầy, long đờm, nhưng phản xạ ho khạc không tốt vô tình làm nặng thêm tình trạng của trẻ.
Chỉ sử dụng thuốc giảm ho nếu bé ho khan hoặc ho do thời tiết khó chịu. Trường hợp trẻ ho có đờm thì nên dùng siro ho để làm long đờm, loãng đờm. Không dùng thuốc giảm ho khi trẻ ho có đờm. Vì thuốc trị ho chỉ làm giảm ho không có tác dụng với ho có đờm. Ngược lại còn khiến đờm đặc hơn khó khạc nhổ ra ngoài.
Không được tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Không sử dụng thuốc ho cũ hoặc đã quá hạn sử dụng. Do điều kiện khí hậu ở Việt Nam, các sản phẩm đã mở nắp khi không sử dụng trong thời gian dài có thể bị nhiễm khuẩn.
Nếu trẻ chỉ ho đơn thuần không kèm theo sốt, khó thở mà vẫn ăn uống bình thường. Ba mẹ có thể chọn các loại siro thảo dược an toàn.
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng kèm theo ho như: Sốt, mệt mỏi, ngủ li bì, chán ăn, khó thở, ho từng cơn kéo dài nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.
9. Phương pháp chăm sóc khi trẻ bị ho có đờm
Rửa mũi cho trẻ hàng ngày: Đờm nhầy vướng víu trong cổ họng sẽ cản trở khả năng hô hấp của bé. Mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ để làm loãng đờm, dễ tống đờm ra ngoài.
Cho trẻ uống nhiều nước: Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể giảm ho bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn. Đối với trẻ lớn nên cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả, sữa để loãng đờm, giảm đờm, tăng đề kháng.
Gối cao đầu cho trẻ khi ngủ: Hạn chế dịch đờm từ mũi chảy xuống họng, ứ đọng ở cổ họng gây ngứa, ho.
Cho bé ăn thức ăn mềm: Việc cho bé ăn thức ăn loãng, dễ tiêu hoá để không gây kích ứng cho cổ họng đang sưng và đau rát vì ho và khạc nhổ đờm. Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất từ các loại trái cây tươi để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp nói chung và hiện tượng đờm nhớt hay ho ho có đờm nói riêng. Để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé thì việc chăm sóc con cái đúng cách là vô cùng quan trọng. Hy vọng những chia sẻ về cách dùng thuốc long đờm cho bé trên đây của Bluecare có thể trang bị thêm kiến thức chăm con trên hành trình nuôi con khôn lớn của ba mẹ nhé!
>>Xem thêm:
Thuốc long đờm – Cơ chế hoạt động và lưu ý khi sử dụng
Siro ho long đờm cho trẻ sơ sinh loại nào tốt?
Lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ sơ sinh
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
Be the first to comment