Sử dụng nước lá để tắm cho trẻ sơ sinh là phương pháp làm mát da, trị các vấn đề trên da như rôm sảy, cứt trâu, viêm da… Mặc dù dùng lá làm nước tắm cho trẻ khá an toàn tuy nhiên mỗi loại lá sẽ có những công dụng khác nhau, chỉ có chọn đúng loại nước lá tắm thì mới phát huy được hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là các loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh kèm theo công dụng cụ thể mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo.
Contents
Các loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh
Có rất nhiều gia đình áp dụng kinh nghiệm dân gian là dùng lá cây đun làm nước tắm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tắm lá cũng tốt cho trẻ bởi các loại lá cây để tắm được chia làm nhiều loại khác nhau, việc dùng không đúng loại sẽ mang lại những hiểm họa không ngờ. Các loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh phổ biến hiện nay bao gồm:
1. Lá sài đất
Sài đất hay húng trám là loại cây có vị ngọt chua, tính mát, tác dụng tiêm viêm, tiêm đờm, thanh nhiệt giải độc, mát gan, mát máu, chữa viêm cơ địa, cảm mạo… Sài đất có thể dùng toàn thân, ở dạng tươi hoặc sấy khô đều được. Trong dân gian, sài đất thường được dùng để chữa mụn nhọt, lở loét ngoài da và đặc biệt loại cây này còn được dùng để tắm cho bé sơ sinh. Công dụng của sài đất là chuyên trị rôm sảy mụn nhọt cho bé.
Cách thực hiện:
- Lấy 200g lá sài đất, ngâm trong nước muối loãng, rửa sạch vài lần
- Vò nát lát, đun sài đất với 2 lít nước sôi, tắt bếp chắt lấy nước, bỏ bã
- Pha nước lá sài đất với nước mát đến 38 độ thì tắm cho bé
- Chỉ nên thực hiện 3 lần/tuần, pha thật loãng để tránh gây phản tác dụng.
2. Mướp đắng
Mướp đắng hay khổ qua là loại quả quen thuộc thường xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày và cũng là một vị thuốc quý trong đông y. Khổ qua vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, hạ nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, có thành phần kháng sinh tự nhiên giúp sát khuẩn, làm sạch da. Tắm mướp đắng cho bé có thể giúp bổ sung độ ẩm cho da, ngăn ngừa viêm nhiễm, hỗ trợ điều trị rôm sảy, mụn nhọt.
Cách thực hiện:
- Lấy ½ quả mướp đắng rửa sạch, xắt miếng nhỏ pha với nước cho bé tắm
- Trước khi tắm cho bé, nên thoa thử lên da tay hoặc da chân của bé, chờ trong 1 – 2 giờ thì tắm tiếp
- Dùng mướp đắng đã chuẩn bị tắm cho bé, chỉ nên tắm 2 – 3 lần/tuần.
Lưu ý: Mặc dù tắm mướp đắng mát cho da bé, tuy nhiên cần chọn loại quả mà bạn biết rõ nguồn gốc vì loại quả này thường được phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
3. Lá bồ công anh
Bồ công anh không chỉ có tác dụng chữa tắc tia sữa, điều trị ăn kém, mụn nhọt mà còn được sử dụng để tắm cho bé. Loại lá này có tính mát, trong thành phần có chứa kháng sinh tự nhiên có tác dụng làm mát da, thanh nhiệt, giải độc. Cũng như hai loại trên, lá bồ công anh cũng nằm trong nhóm các loại lá tắm có công dụng trị rôm sảy, mụn nhọt cho trẻ sơ sinh.
Cách thực hiện:
- Lấy 200g lá bồ công anh, chọn loại có màu xanh tự nhiên, không quá non cũng không nên quá già
- Đem lá đã chuẩn bị rửa sạch, ngâm kĩ với nước muối, để ráo nước
- Đun sôi lá bồ công anh với nước, bỏ phần bã, chắt lấy nước pha với nước mát rồi tắm cho bé.
4. Lá rau má
Một trong những loại lá tắm có công dụng chữa rôm sảy, mụn nhọt cho bé mà mẹ không thể bỏ qua chính là lá rau má. Lá rau má không chỉ giúp tăng trí nhớ, cải thiện vi tuần hoàn, thanh nhiệt giải độc, sát trùng mà còn có khả năng dưỡng ẩm, giúp vết thương mau lên da non, làm mềm và trắng da. Do đó, lá rau má thường được dân gian sử dụng để chữa rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ sơ sinh.
Cách thực hiện:
- Lấy một ít rau má, chọn loại không quá non cũng không quá già
- Rửa sạch, ngâm với nước muối, rửa lại rồi đem phơi nắng hoặc để lên cao cho ráo nước
- Lấy lá đã chuẩn bị đun sôi, chắt lấy phần nước, bỏ bã pha với nước mát để tắm cho bé
- Tắm lại bằng nước ấm để tránh các vụn lá còn sót gây ngứa cho bé.
5. Lá dâu tằm
Dâu tằm hay tang diệp thường được sử dụng làm thức ăn cho tằm. Đây còn là vị thuốc nhiều công dụng trong y học cổ truyền. Theo Đông y, lá dâu tằm vị ngọt đắng, có tác dụng tản nhiệt, làm sạch gan, lọc máu, thanh lọc phổi, trừ phòng, chữa nhức đầu, chóng mặt, mắt đỏ… Theo kinh nghiệm dân gian, lá dâu tằm có công dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị rôm sảy ở bé.
Cách thực hiện:
- Lấy 500g lá dâu tằm rửa sạch, ngâm với nước muối loãng, rửa lại, cho vào túi vải nấu với 5 lít nước
- Để nước còn hơi ấm thì lọc phần nước bỏ bã rồi tắm cho bé
- Sử dụng liên tục 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả.
6. Lá tía tô
Lá tía tô không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị sốt, ho, cảm lạnh, xông hơi làm đẹp da mà còn được dùng để làm nước tắm trị rôm sảy cho bé. Có thể thấy, đây là loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh an toàn được rất nhiều mẹ ưa chuộng. Theo y học cổ truyền, lá tía tô có hương vị của cam thảo, quế, hồi hương, bạc hà, có tác dụng giải sốt, giải cảm, giải nhiệt, làm mát da, cho ra mồ hôi tốt.
Cách thực hiện:
- Lấy lá tía tô tươi ngâm với nước muối, rửa lại với nước, để ráo
- Cho vào máy xay cùng 100ml lọc lấy nước bỏ bã
- Pha nước lá tía tô với nước ấm, thấy đủ 38 độ thì tắm cho bé
- Tắm lại bằng nước ấm, lau khô người cho trẻ và mặc quần áo thoáng mát.
Lưu ý: Không tắm lá tía tô khi da bé bị trầy xước, ghẻ lở, viêm da.
7. Lá khế
Loại lá khế được sử dụng lá khế chua, loại lá này vị chua hơi chát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc do chứa nhiều dưỡng chất như chất chống oxy hóa, sắt, kẽm, magie, vitamin C… Ngoài có thể hỗ trợ điều trị rôm sảy lá khế thường được dùng để tắm cho bé khi bé gặp các vấn đề như dị ứng, mẩn ngứa, lở sơn, viêm da cơ địa.
Cách thực hiện:
- Lấy một nắm lá khế chua còn tươi xanh, ngâm rửa với nước muối
- Đem vò đều tay, cho vào nồi đun sôi với 2 lít nước
- Lọc bỏ phần bã, giữ lại nước, pha với nước mát, thấy còn 38 độ thì tắm cho bé
- Thực hiện 2 – 3 lần/tuần sẽ thấy tình trạng da bé được cải thiện.
8. Lá kinh giới
Lá kinh giới vị cay, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, khu phong, làm ấm máu, tiêu độc, làm sạch da, kháng khuẩn. Thường được dùng để trị mụn nhọt, mẩn ngứa, rôm sảy và đặc biệt, loại lá này được dùng chủ yếu khi bé bị hăm, ngứa, dị ứng, viêm da cơ địa do có khả năng sát trùng, giúp lỗ chân lông khô thoáng.
Cách thực hiện:
- Lấy một nắm lá kinh giới tươi, rửa sạch, cho vào máy xay nhuyễn, vắt lấy nước bỏ bã rồi pha với nước sạch để tắm cho bé.
- Ngoài ra, mẹ có thể rửa sạch lá kinh giới, phơi khô cho vào bao để dùng dần. Mỗi lần lấy 1 nắm lá khô cho vào nồi đun sôi với nước, chắt lấy nước, bỏ bã pha với nước mát tắm cho bé.
9. Lá chè xanh – loại nước lá tắm trị mẩn ngứa, dị ứng
Lá chè xanh là một trong những loại lá tắm cho trẻ cực kỳ thông dụng do dễ kiếm, cách làm đơn giản lại mang đến hiệu quả tốt. Trong lá chè xanh có chứa chất EGCG và catechin có khả năng kháng khuẩn, diệt khuẩn, hỗ trợ điều trị tốt các bệnh lý về da cho bé. Lá chè xanh còn có tác dụng giảm ngứa, hỗ trợ trị mẩn ngứa, chống dị ứng và không gây kích ứng da.
Cách thực hiện:
- Lấy lá chè xanh tươi ngâm với muối, rửa lại bằng nước, để ráo
- Vò nát, cho vào nồi đun sôi, để nguội bớt thì chắt lấy phần nước, bỏ bã
- Pha với nước mát sao cho nhiệt độ nằm trong khoảng 35 – 38 thì tắm cho bé
- Tắm lại bằng nước ấm, lau khô người và mặc quần áo thoáng mát cho bé.
Lưu ý: Khi tắm lá chè xanh, mẹ nên pha loãng, không nên tắm trong thời gian dài vì chất gây chát trong lá chè gây nhuộm da khiến da con bị đen. Tuy nhiên, chỉ cần ngừng tắm loại lá này thì da con sẽ dần trắng trở lại.
10. Nước lá tắm từ cỏ mần trầu
Mần trầu còn có tên gọi khác là ngưu tâm thảo, thanh tâm thảo… có vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm ra mồ hôi, mát gan, lợi tiểu, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa ghẻ lở. Đặc biệt, loại cỏ này thường được dùng kết hợp với sài đất, lá sả hoặc hương nhu để làm mát da, trị rôm sảy, viêm da, vàng da ở trẻ sơ sinh.
Cách thực hiện:
- Hái cỏ mần trầu, chọn ngọn cỏ tươi, không quá non cũng không quá già, ngâm rửa sạch sẽ
- Lấy 70g cỏ mần trầu, đun sôi với 2 lít nước, khi các dưỡng chất ra nước thì vớt bỏ hết cỏ lấy phần nước
- Pha với nước mát, chú ý nhiệt độ tắm phù hợp với bé là 35 – 38 độ C, tắm lại với nước ấm.
11. Lá trầu không
Lá trầu không vị cay, tính ấm, có mùi thơm đặc trưng, tác dụng chính là sát trùng, kháng khuẩn, diệt khuẩn, tiêu viêm, khu phong… Sử dụng lá trầu không để tắm cho bé có thể hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa, dị ứng, hăm, chữa chốc lở, mẩn ngứa, làm săn se mụn, trị mụn mủ…
Cách thực hiện:
- Lấy 10 lá trầu không rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng, rửa lại với nước, để ráo
- Thái mỏng, đun sôi với nước, để sôi một lúc cho nước trầu tiết ra thì pha với nước mát để tắm cho bé.
Lưu ý: Lá trầu không có tính sát khuẩn mạnh, mẹ nên pha loãng và bôi vào tay hoặc chân trẻ trước để thử xem bé có dị ứng hay không. Ngoài ra, loại lá này dễ gây đen da, không nên lạm dụng, sau một thời gian ngưng sử dụng thì da bé sẽ trắng trở lại.
12. Lá cây chó đẻ
Cây chó đẻ hay diệp hạ châu, diệp hòe thái có vị ngọt đắng, tính mát có tác dụng sát trùng, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị tốt các bệnh liên quan đến gan như viêm gan, men gan cao… Loại cây này thường được sử dụng để điều trị mẩn ngứa, rôm sảy cho bé.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 nắm lá chó đẻ tươi rửa sạch, để ráo nước
- Vò nát, bỏ vào nồi đun sôi, chắt lấy nước, bỏ bã
- Pha nước lá chó đẻ với nước mát để tắm cho bé.
13. Nước lá tắm từ cây cỏ mực
Cỏ mực vị chua ngọt, tính hàn có tác dụng trị nổi mề đay, sốt cao, ho, viêm họng, có thể áp dụng cho trẻ nhỏ và người có cơ địa mẫn cảm. Cỏ mực thường được dùng để tắm cho trẻ khi lông tơ hay lông men của bé mọc quá nhiều sau vài tháng mà vẫn chưa rụng hết khiến bé ngứa ngáy, khó chịu.
Cách thực hiện:
- Lấy nắm cỏ mực tươi giã nát, chắt lấy nước bỏ phần bã
- Pha với nước ấm, lấy khăn sạch chấm nước này lên người bé
- Khi mẹ chấm nên lăn tròn tròn khăn theo kiểu vê những sợi lông lại.
Lưu ý: Chỉ tắm với trường hợp lông măng của trẻ quá nhiều, tuyệt đối không được cạo hoặc nhổ để tránh khiến bé bị viêm da.
Những lưu ý khi dùng các loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh
Các loại nước lá tắm cho trẻ sơ sinh mặc dù khá an toàn, lành tính, dễ sử dụng tuy nhiên khi tắm cho bé, để tránh những tác dụng không mong muốn, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Việc tắm cho trẻ bằng lá tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do các loại lá hiện nay dễ bị nhiễm bẩn bởi môi trường, thuốc trừ sâu.
- Tuyệt đối không tắm lá cho trẻ khi da có những vết trầy xước, sưng viêm để tránh nhiễm khuẩn.
- Xác định rõ nguồn gốc của loại lá tắm muốn sử dụng để đề phòng có bị phun thuốc trừ sâu hay không
- Hằng năm, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca nhiễm khuẩn da cao ở trẻ sơ sinh do gia đình áp dụng phương pháp tắm lá cho bé. Do đó, tốt nhất là các bậc cha mẹ nên thận trọng, không nên lạm dụng việc tắm lá.
- Sau khi tắm xong, nên tắm lại bằng nước ấm, lau khô người và cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, mềm mại. Tránh ủ kín, đắp quá nhiều cho trẻ sơ sinh khi bị rôm sảy, mẩn ngứa.
- Tuyệt đối không tắm lá bạch hoa trà thiết thảo, lá trúc đào vì dễ gây viêm da, nhiễm trùng nặng.
- Mẹ nên chọn các thực phẩm mát sữa tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ cay nóng để tránh làm bé bị khí huyết nóng dẫn đến rôm sảy.
- Khi tắm, cần nhẹ nhàng, tránh chà xát để không gây tổn thương da cho trẻ.
Xem thêm:
Hướng dẫn mẹ 9 bước tắm trẻ sơ sinh an toàn
Hướng dẫn mẹ tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn
11 sai lầm phổ biến mẹ cần tránh khi tắm cho trẻ sơ sinh
10 nguyên tắc cần nhơ khi tắm cho trẻ sơ sinh
Tắm cho trẻ sơ sinh trong mùa đông: Lưu ý cần nhớ
Nên tắm cho trẻ sơ sinh vào giờ nào?
Cách tắm bé sơ sinh bị cảm bằng nước gừng hiệu quả
8 Lý do tại sao không nên tắm cho trẻ ngay khi mới sinh?
Tắm cho Trẻ sơ sinh bằng gì là an toàn nhất?
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
Be the first to comment