Các bệnh tai mũi họng ở trẻ luôn là mối bận tâm của nhiều phụ huynh, nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bé sau này. Để hiểu biết hơn về tình trạng trẻ khò khè sổ mũi này các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ trả lời một số thắc mắc của phụ huynh về bệnh lý Tai mũi họng Nhi, các mẹ cùng tham khảo nhé.
Câu hỏi 1
Người hỏi: Vu Minh Thu
Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức
Contents
Câu hỏi
Thân gửi các bác sĩ! Kính mong nhận được sự tư vấn nhiệt tình của các bác sĩ. Trước khi sinh cháu thứ 2 tôi chưa hề biết đến bệnh mềm sụn thanh quản của trẻ. Khi tôi sinh cháu vài ngày, thấy cháu thở khò khè và có tiếng rít, bác sĩ ở viện Sản thì cho là bình thường, song về nhà được một tuần thì tiếng rít càng rõ hơn. Đi khám nhiều nơi và luôn được chuẩn đoán là viêm tắc mũi, uống kháng sinh gần một tháng mà bệnh chẳng khỏi. Cũng may cho cháu là gặp được một bác sĩ giỏi ở viện Nhi khi đến phòng khám tư của chị. Chị đã chẩn đoán cháu bị mềm sụn thanh quản. Chị kê đơn cho cháu uống Canxi đến 6 tháng.
Hiện tại, con tôi được gần 7 tháng, cháu mới được 7 kg, tiếng rít đỡ hơn trước, ăn được nhiều hơn trước. Nhưng tôi rất băn khoăn lo cháu bị còi xương, tham khảo một số bác sỹ thì bác bảo dừng không uống Canxi nữa. Vậy xin các BS tư vấn giúp tôi có nên đưa cháu đến Viện dinh dưỡng khám không, hiện tại cháu nhanh nhẹn, hoạt bát.
Trả lời
Chào chị! Mềm sụn thanh quản thường tự hết sau 2 tuổi! Chị đã đi khám ở bác sĩ Nhi và được điều trị nên chị cần tái khám lại và hỏi về việc ngưng uống Canxi! Việc kiểm tra dinh dưỡng là cần thiết nên chị có thể sắp xếp lịch để cho cháu kiểm tra tại Viện dinh dưỡng!
Chúc cháu chóng khoẻ.
Câu hỏi 2
Người hỏi: Hue Thanh
Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Thanh Hưng
𝗕𝗟𝗨𝗘𝗖𝗔𝗥𝗘 – Ứng dụng đặt lịch TẮM BÉ, THÔNG TẮC TIA SỮA, CHĂM SÓC MẸ SAU SINH, CHIẾU ĐÈN VÀNG DA, BẢO MẪU – VÚ EM, VỖ RUNG LONG ĐỜM tại nhà và đặt lịch TIÊM CHỦNG Link cài đặt ứng dụng: https://bluecare.vn/app Hotline 0985768181
Câu hỏi
Em sinh mổ bé trai 2.8kg giờ bé 6m20d – 10.2kg – sữa mẹ hoàn toàn. Từ lúc sinh ra cháu hay bị khò khè và lúc được 2m cháu bắt đầu bị các đợt viêm mũi họng tần suất mỗi tuần 1 lần. Đến khi 3.5m cháu bị viêm phổi và sau đó được chẩn đoán hen phế quản, tuyến hung to (từ 3.5m- 5.5m bị tái lại 3 lần viêm phổi). Bây giờ, con em được bác sĩ chỉ định xịt dự phòng Flixotide 2 lần/ngày-mỗi lần 2 nhát và uống Singulair mỗi tối. Em muốn hỏi các bác sĩ thuốc xịt như vậy có nhiều tác dụng phụ không ạ? Và con em giờ vẫn hay bị khò khè mỗi hôm thay đổi thời tiết, nhưng cháu không ho, không sổ mũi nhưng cứ hễ đi khám lại được kê kháng sinh! Em muốn hỏi trong trường hợp nào thì con khò khè mà không phải dùng thuốc? Em cảm ơn.
Trả lời
BS. Nguyễn Thanh Hưng
Nếu chẩn đoán đúng, thì dự phòng như thế là ổn. Thuốc xịt đó cơ bản là có thể gây sâu răng và nấm lưỡi… Và chưa có báo cáo nghiêm trọng khác.
Vì không nghe được tiếng “khò khè” như chị tả, nhưng nếu bé khò khè khoảng 7-10 ngày sau sinh đến nay, kèm theo hay uốn vặn mình và có trớ khi bú… Thì xem chừng có kèm theo mềm sụn thanh quản. Trường hợp này không dùng kháng sinh.
BS. Bùi Thị Hằng
Bạn có thể cho mình biết liều lượng của thuốc Flixotide một lần xịt của bạn không? Theo mình biết là bình xịt định liều mỗi lần là 125 micrigram đúng không? Nếu bạn đã tuân thủ liều dự phòng như thế này mà con bạn không kiểm soát được khò khè thì bạn nên đến bác sĩ khám lại. Bạn nên đến cơ sở uy tín. Con bạn bị từ nhỏ mà xịt thuốc có vẻ không đáp ứng (phải phụ thuộc vào cách bạn xịt thuốc cho trẻ có đúng không?) thì phải đi khám để xem xét vấn đề kèm theo như dị tật bẩm sinh đường hô hấp? Bạn nên tới cơ sở có uy tín nhé, mình không khám trực tiếp nên rất khó tư vấn cho bạn.
Hỏi thêm
Chị Hằng ơi, em xịt định liều đúng là 125 micigram. Em xịt sáng và chiều. Em để bé nằm ngửa, giữ yên đầu đặt buồng đệm kín mũi và miệng bé. Trước khi xịt dựng ống thuốc lên lắc đều, xịt một nhát xong em thấy bột trắng phun ra em đếm chậm 20 lần sau đó xịt tiếp lần 2 cũng đếm chậm 20 lần. Xịt xong lau mặt, sau xịt cho bé uống nước. Em xịt như vậy có đúng không ạ? Bé nhà em mới được kê xịt được một tháng, tuy nhiên em nhận thấy cháu vẫn bị viêm phế quản liên tục, 7-10 hôm bị lại 1 lần. Em chưa cho cháu kiểm tra bệnh mềm sụn thanh quản, mới chỉ nội soi tai nũi họng và mỗi đợt ốm chụp XQ và xét nghiệm máu thôi. Theo chị em phải cho cháu kiểm tra những gì nữa?
BS. Bùi Thị Hằng
Liều Flixotide như con bạn sử dụng là liều trung bình, mình không biết thầy thuốc kê liều này ngay từ đầu hay là tăng liều do con bạn không kiểm soát được hen. Con bạn mới 3 tháng mà được chẩn đoán hen, thực sự chẩn đoán hen phế quản ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi rất khó. Mình không khám con bạn trực tiếp nếu con bạn thực sự bị hen mà dự phòng như thế này mà con bạn vẫn khò khè thì tức là chưa kiểm soát được. Bạn nên đến cơ sở y tế uy tín chuyên khoa hô hấp khám kiểm tra lại xem cháu có thực sự bị hen không. Bạn có kiểm tra về Tai mũi họng không biết có bị vấn đề gì không? Nội soi tai mũi họng không chẩn đoán được mềm sụn thanh quản, cũng có một số bệnh lý tai mũi họng gây khò khè và có thể một số bệnh tim bẩm sinh cũng gây viêm phổi hoặc khò khè tái diễn.
Câu hỏi 3
Người hỏi: Hồng Nguyên Thủy
Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức
Câu hỏi
Chào các bác sĩ. Em sinh mổ con trai ngày 21/3 được 4kg, nay con được hơn 9kg rồi ạ. Mọi hoạt động của cháu bình thường, cứng cáp, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, lúc mới sinh cháu hay thở khò khè, em thường giữ ấm lòng bàn chân cho con nên không thấy con khò khè nữa cho dù là nằm điều hòa. Một tuần trở lại đây, cũng do em chủ quan không có giữ ấm chân con hay sao ấy mà em thấy con khò khè trở lại, ngồi trên giường cảm nhận được con thở rung rung như kiểu phổi có vấn đề ấy ạ. Bác sĩ cho em hỏi như vậy là bị sao ạ? Có nên đưa con đi khám không? Hay vẫn dân gian mà làm? Con em bú mẹ hoàn toàn. Em cám ơn.
Trả lời
Chào chị. Chị xem cháu có sốt, ho hay thở nhanh không? Có nôn hay bú kém không?
Nếu có thì cần cho trẻ đi khám để được đánh giá cụ thể vì khò khè ở trẻ nhỏ thường do nhiều nguyên nhân gây ra:
Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường gặp viêm tiểu phế quản, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản.
Ở trẻ dưới 1 tuổi, khò khè kèm với thay đổi tư thế thường làm trẻ bị mềm sụn thanh quản hoặc có bất thường các mạch máu lớn, chèn ép vào vùng thanh quản gây chứng khò khè.
Bé bị sốt, khò khè, ho, khó thở, nghe phổi có những tiếng bất thường ở phổi thường gặp trong bệnh cảnh viêm phổi.
Bé ho, khàn tiếng cấp tính, khò khè, khó thở, thường xảy ra ban đêm ở trẻ bị viêm thanh phế quản cấp tính.
Bé bị khó thở, khò khè sớm sau sinh, bú kém, nghe tim có tiếng thổi thường gặp ở trẻ có bệnh tim bẩm sinh.
Với bé từ 4 tháng tuổi đến 5 tuổi, khò khè xảy ra đột ngột có nôn ói, sặc, tím tái trước đó phải tìm xem trẻ có bị dị vật đường thở hay không.
Viêm amidan cấp tính đôi khi cũng làm bé bị khò khè có đờm.
Ngoài ra các bệnh xơ sợi bẩm sinh, bất thường sọ hầu bẩm sinh, khối u ở phổi cũng khiến bé bị khò khè khi ngủ.
Quan trọng nhất là chị phân biệt được đây là tiếng khò khè do nghẹt mũi?
Trẻ nhỏ thở chủ yếu bằng mũi, trong khi kích thước lỗ mũi trẻ còn nhỏ và rất dễ bị tắc khi bị cảm, bị bệnh ho (làm trẻ thở nghe khụt khịt). Khi đó, có thể làm thông thoáng mũi trẻ với 2-3 giọt nước muối sinh lý nhỏ mũi, sau đó nghe lại. Trẻ bị nghẹt mũi sẽ thở êm hơn sau khi được làm thông thoáng mũi.
Chị lưu ý theo dõi bé nếu có các dấu hiệu như ho, thở nhanh… thì cần cho cháu đi khám bác sỹ:
- Trẻ thở khò khè lần đầu tiên; khò khè kèm khó thở, tím tái, rối loạn tri giác (vật vã, bứt rứt, hay li bì ); khò khè tái phát.
- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là triệu chứng bệnh nặng ở lứa tuổi này.
- Khi trẻ bị khò khè kéo dài, dai dẳng (3- 4 tuần).
- Nếu trẻ có khò khè cấp tính, đột ngột bạn phải đưa trẻ đi khám ngay, không được chờ đợi.
- Khò khè, thở mệt, xanh tái cũng là triệu chứng cấp cứu, trẻ cần được nhập viện.
- Nếu trẻ ho khàn tiếng trong ngày nhưng đêm trở nên khò khè tăng, thở mệt cần phải được theo dõi ở bệnh viện.
- Khò khè kèm nôn ói, sốt.
- Trẻ có tiền căn bị suyễn, đột ngột thở khó, khò khè nên đưa bé đi khám sớm.
- Trẻ khò khè từ lâu, ăn uống kém, chậm lên cân.
Trao đổi thêm
Em cám ơn bác sĩ. Cháu ăn tốt, ngủ tốt, chơi tốt. Đêm nằm ngủ có nghẹt mũi, khi nào nghẹt thì em nhỏ cho giọt nước muối sinh lý lại ngủ ngon. Đôi lúc cháu thở kêu tiếng như có đờm trong mũi, và những lúc như vậy e lại xịt nước muối sinh lý thông mũi rồi ôm cháu và vỗ sau lưng.
Còn cháu thở rung giường thì em không biết phải làm sao? Bác sĩ cho em hỏi, khi nằm quạt thì để cho thổi trên đầu thổi xuống hay ở dưới thổi lên ạ? Em thường cho thổi trên xuống và chắn gió trên đầu cháu.
BS. Trả lời
Thở rung giường cho thấy trẻ thở mạnh, âm thở to truyền xuống giường. Có thể trẻ đang nghẹt mũi hay đang viêm V.A.
Khi nằm quạt thì chú ý tránh luồng gió trực tiếp vào mặt cổ của bé. Chị có thể cho quạt ngang vai bé và thổi xuống phía chân.
Xem thêm:
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhi viêm phổi
Hỗ trợ điều trị giảm cơn ho cho trẻ hiệu quả bằng 2 biện pháp đơn giản
Tống đờm ra ngoài cho trẻ bị viêm đường hô hấp
Giảm cơn ho cho trẻ hiệu quả bằng 2 biện pháp đơn giản
Trẻ bị viêm mũi họng cấp – nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị
Điều trị viêm họng cấp ở trẻ sơ sinh
Dùng thuốc ho cho trẻ – nguy hiểm chết người
Review top thuốc long đờm cho trẻ được đánh giá tốt nhất hiện nay
Bệnh tai mũi họng ở trẻ – mẹ hỏi bác sĩ trả lời
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare