NẤM MIỆNG Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ – CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Câu hỏi
Chào mọi người! Cho em hỏi dưới môi, vòm họng cháu, lưỡi của cháu bị đốm trắng như vầy là sao hả mọi người?
Trả lời
Bé nhà bạn hiện rất có khả năng bị Nấm miệng. Nấm miệng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh đến 1 tuổi và có thể tái đi, tái lại nhiều lần. Để hiểu rõ hơn về bệnh này, bạn có thể tham khảo những dấu hiệu của bệnh ở phần dưới đây:
Bệnh nấm miệng hình thành do nấm Candida albicans gây ra. Đây là loại nấm vẫn ký sinh bình thường trên cơ thể ở phần lớn người trưởng thành cũng như ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên (đặc biệt ở những vùng tương đối ẩm ướt như niêm mạc miệng, ruột, âm đạo, bẹn, các nếp gấp ở da) và không gây bệnh. Khi nấm ở niêm mạc miệng trẻ phát triển quá mức, cháu có biểu hiện của bệnh nấm miệng.
Hầu hết các trường hợp bị nấm miệng đều được phát hiện ở trẻ em vì hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành, và thường gặp ở trẻ đẻ non hơn trẻ đủ tháng vì trẻ đẻ non nhận được lượng kháng thể từ mẹ truyền sang ít hơn trẻ đủ tháng.
🎯 #𝗕𝗟𝗨𝗘𝗖𝗔𝗥𝗘 – Ứng dụng đặt lịch TẮM BÉ, THÔNG TẮC TIA SỮA tại nhà và đặt lịch TIÊM CHỦNG🙆♀️
👉Link cài đặt ứng dụng: https://bluecare.vn/app
☎️ Hotline 0985768181
Những yếu tố chính gây nên chứng nấm miệng cho trẻ có thể kể tới là: trẻ đang sử dụng kháng sinh (làm rối loạn hệ vi khuẩn chí); trẻ bị hăm bẹn dễ gây nhiễm nấm bẹn và lan ra vùng khác do tiếp xúc; không giữ vệ sinh tốt; mẹ bị nhiễm nấm (đầu vú hoặc phần phụ ngoài). Những bà mẹ đang dùng kháng sinh, steroid, thuốc kháng axit… Mẹ bị stress, dị ứng, hay ăn đồ ngọt… cũng dễ nhiễm nấm hơn những người khác và dễ lây lan sang cho trẻ.
Biểu hiện ban đầu của nấm miệng là các đốm, hoặc mảng trắng đục, hoặc vàng nhạt nổi cộm lên trên lưỡi và niêm mạc miệng. Những đốm này sẽ nhanh chóng lan ra khắp miệng (lưỡi, lợi, niêm mạc miệng, kể cả vòm họng) khiến trẻ bỏ bú vì đau miệng. Nếu nấm miệng dày, khi rà miệng để tẩy các mảng nấm có thể sẽ để lại lớp niêm mạc bên dưới trầy đỏ và đôi khi gây chảy máu khiến trẻ bị đau. Nếu phát hiện cháu bị nấm miệng, nên điều trị ngay để tránh tình trạng này.
Để điều trị bệnh nấm miệng hiệu quả cho trẻ thì bạn có thể rà miệng cho trẻ bằng các loại thuốc kháng nấm thích hợp như: Miconazole (Daktarin): ống kem; Nystatin (viên 500.000 UI; ống kem: 100.000 UI= 10g; huyền dịch). Đối với thuốc dạng viên, nên tán thật mịn, hòa với dung dịch Nabica 1,4% (Natri Bicarbonat 14 phần ngàn) hoặc với nước sôi nguội trước khi sử dụng.
Cách rà miệng
Việc rà miệng cho trẻ nên tiến hành sau khi cho trẻ bú khoảng 2 giờ để sữa xuống hết tá tràng, tránh gây nôn và để thời gian tiếp xúc với thuốc được lâu. Cần rửa tay sạch sẽ (bấm gọn móng tay), quấn gạc đã hấp vào ngón trỏ, cho một ít thuốc lên gạc và rà miệng cho cháu. Bạn nên rà khắp miệng cho trẻ gồm: mặt trong hai má, trên và dưới lưỡi, mặt trong và ngoài của lợi, hàm ếch. Khi rà lưỡi, cần cẩn thận, không đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng trẻ để không gây nôn. Khi “bóc” các mảng nấm ra, có thế thấy lớp niêm mạc bên dưới trầy đỏ và đôi khi gây chảy máu. Nhưng nếu rà không kỹ, nấm sẽ nhanh chóng lan tràn ra trở lại.
Bạn nên tiếp tục rà miệng cho trẻ thêm hai ngày với thuốc kháng nấm sau khi đã hết nấm để tránh trường hợp trẻ bị tái phát nấm trở lại. Có thể rà miệng cho trẻ tối đa 3-4 lần/ngày, nhiều nhất 7 ngày. Sau đó, nếu bé không đỡ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại kháng nấm khác.
Ngoài việc rà miệng cho trẻ, bạn cũng cần vệ sinh các vật dụng hàng ngày thật sạch sẽ để tránh được mầm bệnh lây lan. Bạn nên hấp hoặc luộc núm vú, bình bú: trong 5-7 phút sau mỗi lần bú (nếu cháu bú bình). Điều trị nấm bẹn nếu có và điều trị nhiễm nấm cho mẹ (phần phụ, núm vú).
Câu hỏi 2
Người hỏi: Nguyễn Hường
Tham gia tư vấn: BS. Bùi Thị Hằng vs BS. Nguyễn Hữu Châu Đức
Câu hỏi
Chào bác sĩ! Bác sĩ cho e hỏi bé nhà em 9.5 tháng bị nấm miệng do tiêm kháng sinh nhiều, em đã đánh miệng bằng Binystar 4 ngày nhưng không khỏi. Em phải làm sao? Có người mách em dùng muối Nabica. Liệu bé nhà em có dùng được không ạ?
Trả lời
Bs. Bùi Thị Hằng
Nấm miệng phát triển trong môi trường acid nên bạn có thể dùng dung dịch kiềm ví dụ như Denicol để rà miệng thêm nhưng vẫn phải dùng thuốc nấm. Ở tuổi con nhà bạn hiếm khi bị nấm miệng bạn nên đưa bé đi khám nhé.
BS. Nguyễn Hữu Châu Đức
Chào chị. Nấm miệng ở trẻ thường do Candida gây ra và điều trị với thuốc kháng nấm Nystatin. Các thông tin khác chị tham khảo thêm tại bài “Nấm miệng” Y học cộng đồng.
Trong trường hợp cháu dùng Nystatin không hết thì cần xem lại đúng nấm Candida hay không? Cách dùng thuốc đã hợp lý chưa?
Việc dùng dung dịch NaHCO3 (Nabica) để điều trị thì chưa có Hiệp hội Nhi Khoa nào trên thế giới khuyến cáo dùng để điều trị nấm! Hơn nữa, lượng muối trong dung dịch này rất nhiều so với nhu cầu bình thường của trẻ nếu sử dụng không đúng có thể dẫn đến các tác hại không mong muốn như căng thẳng cáu kỉnh, kích thích đi tiểu, nôn mửa hay co giật…
Chị nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để có hướng xử trí trong trường hợp này nhé!
Chúc cháu chóng khoẻ!
Câu hỏi 3
Người hỏi: Na N Ben
Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức
Câu hỏi
Chào bác sĩ, bé nhà em bị như này có phải bị nấm không ạ? Em lau Nystatin 4 ngày (1 gói chia 2, ngày 2 lần) mà chưa khỏi, còn lan thêm cả lên môi trên. Em vệ sinh miệng cho bé hàng ngày bằng nước muối sinh lý ngày 2 lần nhưng bé trơ rất nhiều nên cặn sữa lúc nào cũng bám trắng ở lưỡi. Bác sĩ tư vấn giúp em vì bé còn nhỏ quá (25 ngày) mà mấy hôm nay nắng nóng em không muốn đưa bé đi khám. Nốt ý kiểu như vết rộp da ý ạ. Em lau bằng nước muối sinh lý thì không sạch, nhưng chấm bằng Nystatin thì gần hết nhưng vẫn còn vết hơi đỏ như còn chân a. Hôm đầu cháu bị 1 nốt như này vệ sinh trên lợi, nhưng giờ lan lên cả môi trên rồi, nốt to hơn nữa ạ. Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời
Hình chụp không rõ để đánh giá do nấm Candida hay không? Chị nói lau bằng Nystatin thì gần hết và có vết hơi đỏ thì có thể là do nấm Candida thật. Vậy chị tiếp tục lau với Nystatin nhé! Lưu ý giữ vệ sinh vật dụng của bé và cần điều trị nấm luôn cho chị (bôi thuốc vào vùng ti bú) vì nấm có thể lây trở lại.
Chị tham khảo bài viết “Nấm miệng” tại Y học cộng đồng.
Chúc cháu chóng khỏe!
Câu hỏi 4
Người hỏi: Trang Vo Chien
Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn An Nghĩa
Câu hỏi
Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em gần 4 tuổi rồi. Trên mặt lưỡi của bé có những vầng trắng, từ lúc hơn 1 tuổi đến giờ, cứ loang ra hết lưỡi rồi lại tiếp tục vầng khác loan ra như ông bà xưa gọi là bị ốc bò ấy. Nhìn thì giống bị lưỡi trắng lắm, mà bôi thuốc không dứt bác sĩ ạ. Có lúc cháu bị nhiệt miệng thì trên lưỡi bị viêm đỏ, li ti, có bị sốt. Đi bệnh viện nhi đồng nai khám thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm loét miệng. Uống thuốc thì hết tình trạng hạt li ti thôi ạ. Cháu ăn uống bình thường, em cũng theo dõi lưỡi của cháu tình trạng cứ tái đi tái lại em cũng lo lắm nhưng không biết làm gì được. Bác sĩ giúp em với.
Trả lời
Chào chị Trang Vo Chien! Phiền chị cung cấp thêm một chút thông tin nữa nhé.
Bé có than phiền gì về tình trạng lưỡi không? (đau, cảm giác nóng rát…). Những tổn thương lưỡi này có thay đổi hình dạng và vị trí trên lưỡi qua các lần bé bị không? Bé có phải điều trị thuốc gì kéo dài hay không và nếu có thì là thuốc gì? Trong gia đình có ai bị giống bé? Ngoài vấn đề ở lưỡi ra, chị có thấy bất thường gì khác trong quá trình phát triển của bé không?
Trao đổi thêm
Bé ăn uống bính thường. Cái vầng đó xuất phát từ đầu lưỡi vào hơn giữa lưỡi là hết, rồi tiếp tục vầng khác loan ra, lâu lâu bé bảo đau. Lúc trước, em có mua thuốc rơ lưỡi trị lưỡi trắng mà cũng không hết. Giờ không còn dùng nữa, thỉnh thoảng em thấy vết loan ra làm bề mặt lưỡi mỏng, trong gia đình không ai bị tình trạng này bác sĩ ạ. Bé phát triển bình thường. Em lo sau này bé có vấn đề về lưỡi thôi bác sĩ ạ.
BS. Nguyễn An Nghĩa
Cám ơn các thông tin chị đã cung cấp thêm. Với các triệu chứng như chị mô tả cùng hình ảnh đi kèm, sang thương ở lưỡi của bé rất phù hợp với tình trạng Lưỡi bản đồ. Tình trạng này sẽ không gây nguy hiểm gì cho bé (ngoại trừ việc làm cho mẹ và người thân lo lắng ^^). Chị có thể yên tâm và không cần điều trị gì thêm cho bé ở thời điểm hiện tại. Tình trạng này sẽ tự hết khi bé lớn. Với hình chụp bé thì có vẻ mẹ đã chăm sóc bé với một chế độ dinh dưỡng rất tốt, mẹ cứ cố gắng tiếp tục giữ một chế độ ăn cân đối cho bé vì vài trường hợp thiếu một số vi khoáng và vitamin cũng có thể gây biểu hiện tương tự.
Nếu bé có biểu hiện gì khác đi kèm (đau, nóng rát,…) thì chị cho bé đi khám để điều trị trong đợt đó nhé.
BS. Lâm Đại Phong
Viêm lưỡi bản đồ là tình trạng viêm lành tính của lưỡi. Trên lưng lưỡi xuất hiện những viền màu trắng phía trong có màu đỏ sậm hơn màu lưỡi bình thường làm mất gai lưỡi. Lúc đầu một vết nhỏ sau đó lan rộng ra, đôi khi có nhiều vết trên lưỡi. Những gờ hình ngoằn ngoèo làm cho bề mặt của lưỡi giống như hình bản đồ. Vết này có thể tự mất đi nhưng rồi lại xuất hiện vết khác.
Thông thường viêm lưỡi bản đồ không gây triệu chứng gì: không đau, không ngứa, không ảnh hưởng đến vị giác. Chính vì vậy bệnh lý này không ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống.
Hiện nay nguyên nhân của bệnh viêm lưỡi bản đồ vẫn chưa được rõ.
Không có điều trị gì đặc hiệu để chữa hết bệnh viêm lưỡi bản đồ mà nó có thể hết một cách tự nhiên, bạn vẫn sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp kèm viêm loét gây đau ảnh hưởng đến ăn uống thì chỉ cần đến khám bác sĩ.
Thông thường mỗi lần bị tình trạng viêm lưỡi bản đồ kéo dài không quá 10 ngày. Những người thường bị tình trạng này nên tránh những thức ăn nóng hay có nhiều gia vị, tránh tiếp xúc với những thức uống có cồn. Giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh tình trạng viêm loét kèm theo.
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare