Là bác sĩ nhi khoa khám bệnh mỗi ngày thì phân nữa là viêm hô hấp trên, mà khi khám bệnh có rất nhiều mẹ khai là khò khè lúc đang ngủ. Mỗi năm tới mùa cúm là tôi mệt mỏi vụ thuốc ho, con nít thì bệnh viêm hô hấp trên rầm rầm, mỗi ngày bước vô phòng khám là như cái hội chợ ho. Mẹ nào cũng đòi thuốc ho, giải thích khô cả nước miếng. Vì vậy tôi cùng Bluecare xin chia sẻ bài viết “Dùng thuốc ho cho trẻ – nguy hiểm chết người” các mom tham khảo để tránh vô tình hại con nhé.
Contents
THUỐC HO LÀ GÌ?
Thuốc ho long đàm bày bán đầy trên kệ, loại nào cũng được quảng cáo là tốt nhất, mà nếu coi kỹ thành phần, quanh đi quẩn lại cũng có mấy thứ mà thôi:
– Thành phần giảm ho (Dextromethorphan DM)
– Thành phần long đàm như guaifenesin, cysteine
– Thành phần làm giảm nghẹt mũi như phenylephrine hay pseudoephedrine
– Kháng histamine: brompheniramine, chlorpheniramine, diphenhydramine (Benadryl)
THUỐC HO CÓ GIẢM HO HAY KHÔNG?
Không hề! Các nghiên cứu về thuốc ho không cho thấy hiệu quả rõ rệt gì trên trẻ em <6 tuổi. Vào năm 2007, FDA thông báo rằng các thuốc này đã gây nhiều tai biến ở trẻ dưới 2 tuổi và thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ hơn 6 tháng. Do đó FDA khuyến cáo không nên dùng các loại thuốc ho cảm trên trẻ em dưới 6 tuổi, đặc biệt là DƯỚI 2 TUỔI do khả năng gây tác dụng phụ nguy hiểm rất cao, trẻ 6-12 tuổi thì nên hạn chế. Trẻ dưới 6 tháng tuổi nếu uống các thuốc này sẽ rất nguy hiểm có thể dẫn tới tai biến chết người. Từ đó các hộp thuốc ho cảm phải có hàng chữ không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi trên đó. Và dĩ nhiên là các hãng bảo hiểm mừng hết lớn, hiện nay các hãng bảo hiểm đều từ chối các đơn thuốc ho cảm cho trẻ dưới 6 tuổi, chỉ còn kháng histamine là còn được chấp nhận thôi.
HO LÀ GÌ – TẠI SAO KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC
Ho thật ra là một phản ứng bảo vệ của cơ thể khi bị bệnh hay có dị vật trong đường thở. Khi viêm nhiễm hô hấp trên thì có nhiều đàm nhớt nên PHẢI ho để tống xuất chúng. Mấy trẻ bị bại não hay tổn thương não mà mất phản xạ ho, khi viêm nhiễm đường hô hấp phải mang một cái “áo gây ho” hoặc vỗ rung long đờm mỗi ngày để được ho nhân tạo, không thì đàm nhớt ứ đọng sẽ gây viêm phổi, xẹp phổi. Ho được thì tốt chứ lo lắng gì.
Con tôi từ nhỏ tới lớn không có uống một viên thuốc ho. Có lần nó ho sù sụ đâu chừng 2 tuần, vợ tui hỏi có cho nó uống thuốc ho không, tui nói kệ nó đi, tự nó sẽ hết. Đâu chừng tuần sau thì nó quên ho.
THUỐC HO CON UỐNG CHO MẸ
Mỗi lần tôi gặp mấy bà mẹ cuồng cho con uống thuốc ho cảm, nói hoài không được tôi hay cho chút thuốc kháng histamine hoặc thuốc ho cảm liều thấp.
Tại sao vậy? Tại vì đối với mấy mẹ loại này, không cho thì họ sẽ không an tâm, không tin tưởng, thậm chí giận dữ. Sau đó thì sẽ tới chiến dịch đi khám bệnh dạo hết bs này tới bs khác, rồi vô cấp cứu, được cho ks, thuốc dãn phế phản, corticoid một cách vô tội vạ. Đến bs nào cuối cùng khi bệnh tới lúc tự nó hết thì là bs giỏi nhất, dĩ nhiên tui là bs dở nhất. Cái này gọi là phước chủ may thầy.
Vì đã nhiều lần thấy chuyện này, nên tui chấp nhận “lừa gạt” bà mẹ này nhằm tránh cho bé những hệ luỵ về sau. Nếu có sinh viên tại đó, tôi hay nói đùa: thuốc này con uống là trị “bệnh” của mẹ chứ không phải trị bệnh cho con.
Thiệt là khổ khi phải chơi trò này, nhưng không làm thì con đường phía trước sẽ khổ sở cho bé vô cùng.
CÓ PHẢI UỐNG THUỐC CẢM SỚM THÌ CON SẼ KHÔNG BỊ NẶNG
BS nhi khoa hay phải trị bệnh cho cả ba mẹ, nhiều khi bệnh con dễ trị, mà bệnh của ba mẹ khó trị vô cùng. Thêm cái quan niệm là uống thuốc cảm sớm không thôi nó sẽ nặng hơn, chuyện đó hết sức vô lý, các thuốc này chỉ là trị triệu chứng, không tác dụng với con siêu vi, nên chuyện nặng hay không thì không ăn nhậu gì tới uống thuốc hết.
Năm 2005, ở Mỹ có 3 trẻ dưới 6 tháng tử vong ở nhà được xác dịnh nguyên nhân là do quá liều pseudoephedrine trong thuốc cảm ho, xem link bên dưới
https://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm5601a1.htmhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2776795/
bs. Hung Truong
Xem thêm:
Review top thuốc siro ho long đờm
Review top các cách tăng đề kháng cho trẻ
Review top bảo hiểm sức khỏe cho trẻ
Hướng dẫn xử lý ho của viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ
Hướng dẫn kỹ thuật vỗ rung long đờm cho trẻ bị ho hiệu quả
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
Be the first to comment