Táo bón nguyên nhân cách phòng và điều trị

Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai
Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai

Táo bón là tình trạng rất phổ biến gà gặp ở nhiều lứa tuổi từ trẻ sơ sinh, bà bầu, người lớn cho đến người già. Nếu táo bón kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng của sống của người mắc. Dưới đây Bluecare xin chi sẻ bài viết “Táo bón nguyên nhân cách phòng và điều trị” các bạn cùng đọc tham khảo và lựa chọn cho mình một giải pháp phù hợp nhé.

Contents

Táo bón là gì?

Táo bón được định nghĩa là số lần đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần. Tiêu chí Rome định nghĩa chi tiết hơn về táo bón, người bệnh có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau đây:  Đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần, khó khăn trong đại tiện, phân cứng, cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng, cảm giác đi tiêu không hết, phải dùng tay hỗ trợ trong lúc đại tiên (Ví dụ một số người bệnh phải dùng tay moi phân hay đè ép thành bụng trong lúc đại tiện).

Thông thường, hiện tượng này chỉ diễn ra và kết thúc trong vài ngày. Tuy nhiên, những người thường xuyên bị táo bón có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể

Tại sao bị táo bón?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, nhưng nó có thể được chia thành hai nhóm chính: Táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.

Nhóm nguyên nhân táo bón nguyên phát:

Được chia thành ba loại sau: Táo bón vận động ruột bình thường, táo bón vận động ruột chậm và rối loạn chức năng sàn chậu.

  • Táo bón vận động ruột bình thường là loại phổ biến nhất của nhóm táo bón nguyên phát. Mặc dù phân đi qua đại tràng với tốc độ bình thường, nhưng người bệnh cảm thấy khó khăn trong đại tiện.
  • Táo bón vận động ruột chậm được đặc trưng bởi giảm hoạt động vận động đại tràng, nó xảy ra phổ biến hơn ở người bệnh nữ. Người bệnh có thể có chướng bụng nhẹ hoặc sờ thấy phân trong đại tràng sigma.
  • Rối loạn chức năng sàn chậu: Người bệnh thường than phiền thời gian đại tiện kéo dài, cảm giác đi tiêu không hết hoặc phải sử dụng áp lực đè vào sàn chậu trong khi đại tiện để cho phân thoát ra.

Nhóm nguyên nhân táo bón thứ phát:

Do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý bao gồm:

  • Uống không đủ nước (làm phân khô cứng);
  • Lượng chất xơ ăn vào không đủ (chất xơ có nhiều trong ngũ cốc, trái cây và rau quả);
  • Uống nhiều cà phê, trà hoặc rượu (những chất này có tác dụng lợi tiểu, làm người bệnh đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước tương đối, gây ra sự tăng hấp thụ nước từ ruột và điều này làm phân cứng hơn và gây ra táo bón); 
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện;
  • Bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu, nhịn đi tiêu (có nghĩa là khi có cảm giác mắc đi tiêu nhưng người bệnh bỏ qua, có thể là do họ ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay do bận rộn)…Nếu điều này xảy ra kéo dài, sau một thời gian, người bệnh có thể mất cảm giác muốn đi tiêu và gây ra táo bón;
  • Ít vận động cũng có thể gây ra táo bón.

Nguyên nhân cấu trúc bao gồm:

Nứt hậu môn, trĩ huyết khối, khối u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng vô căn.

Các nguyên nhân toàn thân gồm:

Tăng calci máu, cường cận giáp, hạ kali máu, suy giáp, mang thai.

Táo bón là triệu chứng phổ biến khi mang thai có thể do một số yếu tố như: Áp lực cơ học của tử cung đè lên ruột, thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm chậm vận động ruột, thay đổi chế độ ăn, vết nứt hậu môn, trĩ, uống thuốc sắt trong khi mang thai.

Rối loạn thần kinh:

Đột quỵ, bệnh Hirschsprung, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống, chấn thương đầu.

Các bệnh mô liên kết:

Xơ cứng bì, lupus.

Một số loại thuốc có thể gây táo bón phổ biến bao gồm:

Thuốc chống trầm cảm, kim loại, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit (ví dụ hợp chất nhôm và canxi), thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi (ví dụ verapamil), thuốc chống viêm không steroid (ví dụ ibuprofen và diclofenac), thuốc có chứa chất gây nghiện (ví dụ codein và morphin), nhiều loại thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật…

Các vấn đề tâm lý (ví dụ trầm cảm, lo lắng) cũng có thể góp phần vào sự phát triển của táo bón.

Người lớn tuổi dễ bị táo bón vì những lý do sau:

chế độ ăn uống kém và uống không đủ nước, ít tập thể dục, tác dụng phụ của các loại thuốc, thói quen đi cầu kém.

Xem chi tiết: Nguyên nhân gây táo bón

Những đối tượng dễ bị táo bón

Táo bón có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, hay độ tuổi từ trẻ nhỏ, người lớn đến người già. Dưới đây là những đối tượng dễ bị táo bón.

  • Dân văn phòng: Ngồi lâu ít hoạt động, cộng với ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay, nóng, uống nhiều rượu bia… đều là nguyên nhân có thể gây bệnh táo bón.
  • Người già: Người cao tuổi có chức năng đường ruột suy giảm, ít vận động rất dẫn đến tình trạng táo bón.
  • Bà bầu và mẹ sau sinh: Hormone nội tiết thay đổi, chế độ ăn uống, sinh hoạt quá nhiều dinh dưỡng rất dễ gây ra táo bón.
  • Trẻ em, trẻ sơ sinh

Dấu hiệu nhận biết táo bón

Các triệu chứng táo bón ở mỗi đối tượng, độ tuổi có thể khác nhau nhưng thường có các đặc điểm chung là đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, tỏn mỏn, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng.

Cụ thể hơn:

  • Dấu hiệu táo bón ở người lớn: Quá 3 ngày không thể đại tiện, chướng bụng, rặn nhưng không đại tiện được, hoặc rất khó để tống phân ra ngoài, phân cứng, phân có thể lẫn máu do xuất huyết hậu môn.
  • Dấu hiệu táo bón ở trẻ em: Không thể đi đại tiện 3 lần/tuần, chướng bụng, đại tiện khó, mỗi khi đại tiện trẻ phải rặn đỏ mặt, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do việc rặn quá mức. Hoặc ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi 5-7 ngày không đi đại tiện; phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy; trẻ quấy khóc, lười ăn/bú, ngủ không ngon giấc do chướng bụng, đau bụng.
Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai

Chẩn đoán táo bón

Nếu việc chẩn đoán lâm sàng không giúp phát hiện táo bón, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và phân: Xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh suy giáp, thiếu máu và tiểu đường. Xét nghiệm phân để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm và ung thư.
  • Chẩn đoán hình ảnh (CT), (MRI): Việc kiểm tra hàng loạt hình ảnh của đường tiêu hóa dưới có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề khác gây ra táo bón.
  • Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng giúp phát hiện các vấn đề ở ruột kết, chẳng hạn như khối u.
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng: Người bệnh được uống một lượng nhỏ chất phóng xạ, ở dạng thuốc viên để theo dõi thời gian và cách chất này di chuyển qua ruột.
  • Các xét nghiệm chức năng ruột khác: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm các xét nghiệm kiểm tra hậu môn và trực tràng khác để đánh giá việc giữ và thải phân tốt như thế nào. Những xét nghiệm này bao gồm chụp X-quang (chụp đại tiện).

Hay bị táo bón là bệnh gì?

Táo bón mãn tính có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh sau:

Viêm đại tràng

Táo bón có thể là kết quả của một bệnh đường ruột gọi là viêm đại tràng hoặc đại tràng kích thích. Nguyên nhân của viêm đại tràng chưa được xác định chính xác.
 Để bác sĩ chẩn đoán chính xác, người bệnh cần đi khám. Ngoài táo bón, các triệu chứng khác của viêm đại tràng bao gồm:

  • Đau quặn bụng
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Táo bón, tiêu chảy lẫn lộn
  • Phân có chất nhầy

Suy giáp

Khi tuyến giáp (tuyến nhỏ ở trước cổ) không sản xuất đủ hormone, có thể tác động đến quá trình trao đổi chất. Khi quá trình trao đổi chất diễn ra chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tiêu hóa dẫn đến táo bón.
 Các triệu chứng của suy giáp thường phát triện chậm theo thời gian. Ngoài táo bón mãn tính, người bị suy giáp cũng sẽ gặp phải một số triệu chứng:

  • Mệt mỏi
  • Nhạy cảm khi trời lạnh
  • Da khô
  • Tóc mỏng
  • Móng tay giòn
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân

Cách trị táo bón

Từ những nguyên nhân gây ra táo bón trên chúng ta có nhiều cách trị táo bọn khác nhau, nhưng về cơ bản, việc điều trị táo bón sẽ thường bao gồm:

Ăn gì để trị táo bón:

  • Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả việc uống các loại nước ép trái cây;
  • tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp;
  • không ăn các loại quả xanh chát;
  • không uống nước ngọt đóng chai, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia…

Nguyên nhân khiến 90% các trường hợp táo bón dù đã tự điều chỉnh chế độ ăn và bổ xung chất xơ nhưng vẫn không cải thiện là do:

  • Rối loạn tống phân
  • Mất phản xạ đại tiện
  • Co thắt hậu môn
  • Đờ đại tràng
  • Hội chứng tắc nghẽn đường ra
  • Táo bón do dùng thuốc

Làm gì khi bị táo bón:

Người bệnh nên tập 30 phút thể dục mỗi ngày. Khi di chuyển cơ thể, các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn giúp thúc đẩy tiêu hóa.

Không nhịn đi đại tiện: Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày để hình thành giờ sinh học cho cơ thể. Điều này giúp cho việc đại tiện luôn đều đặn trong một khung giờ mỗi ngày.

Dùng thuốc trị táo bón như thế nào:

Một số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Lưu ý, không được dùng bất kỳ loại thuốc điều trị táo bón nào cho trẻ sơ sinh.

Thụt tháo hậu môn trực tràng:

Thụt hậu môn có thể được áp dụng khi việc đại tiện không thể thực hiện. Thuốc thụt hậu môn và phương pháp thụt, người bệnh nên nắm kỹ trước khi áp dụng, nhất là áp dụng cho trẻ em và phụ nữ mang thai nhằm tránh tổn thương vùng hậu môn trực tràng và ảnh hưởng đến thai nhi. Với các bạn ở những khu vực xa các cơ sở y tế và chưa có dịch vụ thụt tháo hậu môn đại tràng tại nhà của Bluecare hoặc không có người hỗ trợ có thể mua máy thụt tháo vệ sinh hậu môn trực tràng cho bé TẠI ĐÂY để tự làm.

Phẫu thuật:

Một số tình trạng táo bón có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật như ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính.

Với các nhóm đối tượng khác nhau cũng cần áp dụng linh hoạt những biện pháp điều trị khác nhau như:

Uống nước ấm

Khi bị táo bón và khó đi ngoài, nếu uống nước ấm sẽ giúp cho quá trình co bóp ở ruột được khởi động và kích thích ruột đẩy chất thải xuống trực tràng nhanh hơn. Đặc biệt, nếu kết hợp uống nước ấm với ăn bữa sáng nhiều chất xơ như yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt,… thì nhu động ruột sẽ được kích thích hơn nhiều. Đây chính là cách dễ đi cầu khi táo bón ai cũng làm được.

Tư thế ngồi trên bồn cầu thay đổi

Khi ngồi ở tư thế bình thường, cơ thắt hậu môn chỉ mới được thả lỏng một phần trong khi cơ này kiểm soát sự đào thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Nếu thay đổi tư thế ngồi bồn cầu khi bị táo bón sang ngồi xổm thì cơ này sẽ được thả lỏng hoàn toàn, nhờ đó mà chất thải được tống ra ngoài dễ dàng hơn.

Thức dậy sớm

Các chuyên gia tiêu hóa cho rằng đi đại tiện vào buổi sáng là tốt nhất vì đây là thời điểm đại tràng dễ bị kích thích. Ngay khi thức dậy vào buổi sáng, đại tràng sẽ co bóp ngay và truyền tín hiệu cho não bộ nên bạn sẽ muốn đi đại tiện. Vì thế, nếu bạn chưa biết làm sao để đi ngoài khi bị táo bón thì hãy cố gắng dậy sớm hơn so với bình thường để việc đại tiện trở nên dễ hơn.

Tưởng tượng về việc đi đại tiện

Nếu bạn tự tưởng tượng ra rằng mình có thể đi ngoài sau nhiều ngày đầy bụng thì có thể bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ. Điều này được lý giải như sau:  việc kết hợp giữa nhận thức và cơ thể có thể giúp cho sàn xương chậu được thả lỏng, nhờ đó mà việc đại tiện sẽ giảm bớt sự khó khăn.

Đặc biệt, nếu bạn hình thành được thói quen tưởng tượng khi khó đi ngoài, bạn còn có thể điều khiển và thả lỏng múi cơ theo ý muốn nên việc đại tiện cũng sẽ dễ hơn trước rất nhiều.

Uống chất xơ hòa tan

Nước chiếm khoảng 75 – 78% thành phần phân nên nếu tỷ lệ của nó giảm xuống chỉ còn 50% thì phân sẽ di chuyển khó khăn hơn nhiều và nếu tỷ lệ này chỉ còn 20% khối phân sẽ bị tắc hoàn. Mặc dù muốn cải thiện táo bón không thể thiếu nước nhưng chất xơ hòa tan cũng là yếu tố quyết định để thay đổi tình trạng này. Vì thế, cách đi ngoài nhanh khi bị táo bón là uống nước uống dinh dưỡng có chứa chất xơ hòa tan.

Cách giúp trẻ đi ngoài nhanh khi bị táo bón

Massage giúp trẻ bị táo bón dễ đi ngoài

Massage là một trong những cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh tại nhà đơn giản nhưng đã được nhiều mẹ áp dụng thành công. Hàng ngày, bạn hãy áp dụng các động tác xoa bóp dưới đây để đẩy lùi tình trạng táo bón cho con:

  • Đặt bàn tay lên khu vực dạ dày của trẻ. Sử dụng các đầu ngón tay xoay tròn theo chiều kim đồng hồ khoảng 30 vòng. Sau đó, di chuyển vòng xoay xuống rốn và khu vực đại tràng
  • Vuốt từ khu vực lồng xương sườn xuống đến bụng dưới bằng mép ngón tay

Mẹo giúp trẻ sơ sinh dễ đi ngoài khi táo bón bằng tập thể dục

Cũng tương tự như ở người lớn, việc vận động mang đến tác động tích cực trong việc kích thích nhu động ruột co bóp mạnh hơn để đẩy thức ăn di chuyển xuống đại tràng và đào thải phân nhanh hơn. Một số trẻ sơ sinh do chậm biết bò và đi nên bị táo bón. Vậy làm sao trẻ có thể tập thể dục đây?

Rất đơn giản, bạn có thể giúp con tăng cường vận động tại chỗ với bài tập đạp xe đạp. Các bước thực hiện như sau:

  • Đầu tiên, đặt bé nằm ngửa trên giường
  • Hai tay nắm nhẹ cổ chân bé và di chuyển lên xuống giống như khi chúng ta đạp xe đạp.
  • Áp dụng mẹo này 2 lần một ngày có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón cho con bạn.

*Lưu ý: Không tập luyện khi bé vừa mới ăn bột hoặc bú sữa xong sẽ khiến bé dễ bị nôn ói và ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.

Tắm cho trẻ bằng nước ấm giúp dễ đi ngoài khi bị táo bón

Thêm một cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả mà bạn có thể áp dụng cho con đó là tắm nước ấm.

Bên cạnh việc giúp trẻ thư giãn, tắm nước ấm còn có tác dụng tăng cường hoạt động của nhu động ruột, kích thích hoạt động của các cơ vòng ở hậu môn để bé có thể đại tiện một cách thông suốt, dễ dàng.

Bạn hãy pha nước ấm vào trong một cái chậu rồi cho bé ngâm mình vào đó khoảng 5 phút. Chú ý cho trẻ tắm nơi không có gió lùa và sau khi tắm cho bé xong nên lau khô mình và mặc quần áo ngay để trẻ không bị nhiễm lạnh.

Đồ-chơi-nhà-tắm-cho-bé

Cách giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón bằng đọt mồng tơi

Chất nhờn trong rau mồng tơi hoạt động như một chất bôi trơn. Khi được đưa vào hậu môn, nó sẽ kích thích để trẻ đi cầu dễ dàng hơn.

Thực hiện mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh bằng rau mồng tơi như sau:

  • Chuẩn bị một cọng rau mồng tôi, dùng đọt non sẽ chó nhiều chất nhầy hơn
  • Rửa sạch, tước hết lớp vỏ màu xanh bên ngoài
  • Tiếp theo, mẹ đặt bé nằm ngửa, đưa đọt mồng tơi vào bên trong hậu môn của bé và ngoái vài lần liên tục để kích thích phản xạ đi cầu của bé.

Bí quyết giúp trẻ đi ngoài khi bị táo bón bằng mật ong

Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi không được khuyến khích uống mật ong nhưng bạn có thể sử dụng nguyên liệu này như một loại thuốc bôi ngoài để chống táo bón cho bé.

Mật ong tinh nóng và có chất nhờn nên khi bôi vào hậu môn của bé sẽ kích thích cơ vòng hậu môn co thắt và giúp phân dễ dàng được đào thải ra ngoài mà không khiến bé bị đau rát.

Cách sử dụng:

  • Lấy mật ong nguyên chất hòa chung với nước ấm theo tỷ lệ 2:1
  • Dùng tăm bông nhúng vào hỗn hợp trên rồi ngoái sâu vào trong ống hậu môn khoảng 1 cm.
  • Để như vậy khoảng vài phút trẻ có thể đi ngoài một cách dễ dàng.

Xem thêm: Mẹo dân gian trị táo bón tại nhà cho trẻ sơ sinh 3 – 5 ngày không ị

Biến chứng của táo bón lâu ngày

Táo bón lâu ngày không được điều trị có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe người bệnh nói chung như:

  • Sưng tĩnh mạch ở hậu môn (bệnh trĩ)
  • Rách da ở hậu môn (nứt hậu môn)
  • Phân không thể tống ra ngoài được (phân áp lực)
  • Ruột lòi ra khỏi hậu môn (sa trực tràng)…

Ngoài ra, táo bón kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của trẻ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao và trí não; ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ do táo bón gây khó chịu, quấy khóc nhiều dẫn đến mệt mỏi, ngủ không ngon giấc… – Bác sĩ Hậu cho biết.

Bị táo bón khi nào cần nhập viện?

Bạn nên đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng sau:

  • Các triệu chứng nặng lên và kéo dài hơn ba tuần.
  • Gần đây thay đổi đáng kể thói quen đại tiện, ví dụ táo bón xen kẽ với tiêu chảy.
  • Đau dữ dội ở hậu môn khi đi tiêu.
  • Chảy máu trực tràng.
  • Bệnh trĩ.
  • Vết nứt hậu môn.
  • Rò trực tràng hoặc sa trực tràng.
  • Nôn kèm với táo bón và đau bụng (điều này có thể gợi ý tắc ruột )
  • Táo bón liên tục, đi kèm với đau bụng và sốt.
  • Có thêm các triệu chứng khác (ví dụ mệt mỏi, khả năng chịu đựng kém với thời tiết lạnh có thể gợi ý bệnh suy giáp).

Cách phòng ngừa bệnh táo bón

Ngoài nguyên nhân mắc các bệnh lý về tiêu hóa, thì táo bón chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, ít vận động hoặc căng thẳng, stress quá mức. Theo đó, ngoài việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thì người bệnh nên:

  • Duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
  • Hạn chế các ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát.
  • Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần.
  • Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress.
  • Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện
  • Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày
  • Ngoài ra, đối với trẻ uống sữa bột, việc ngừng hoặc đổi loại sữa trẻ đang uống hiện tại có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón.
  • Cùng với đó, người dân nên chủ động đến bệnh viện khám sức khỏe giúp tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý là nguyên nhân gây ra táo bón như trĩ, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn; các bệnh về thần kinh hoặc tuyến giáp…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Marc D Basson, BS Anand, Constipation, https://emedicine.medscape.com/article/184704-overview

2. Michael Camilleri, Joseph A.Murray, Diarrhea and constipation, Harrison,s gastroenterology and hepatology, 17th Edition.

3. Bharucha AE, et al, (2013), American Gastroenterological Association technical review on constipation, Gastroenterology, 144 (1), 218-238.

4. Cash BD, (2018), Understanding and managing IBS and CIC in the primary care setting, Gastroenterol Hepatol, 14 (5), 3-15.

Xem thêm:

Hay bị táo bón là bệnh gì?

Tại sao trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bị táo bón?

Phòng và điều trị táo bón thai kỳ hiệu quả cho mẹ bầu

Để bé không bị táo bón hoặc tiêu chảy khi đổi sữa

Thụt tháo đại tràng là gì? Ai cần tháo thụt đại tràng?

Kỹ thuật thụt tháo hậu môn đại tràng

Hướng dẫn vệ sinh hậu môn trước khi quan hệ

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*