Nhận biết tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh qua thóp

Thóp đầu trẻ sơ sinh

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Thóp ở trẻ là vị trí mà phần xương đầu chưa khép hết. Cũng giống như nhiều bộ phận khác, thóp trẻ sơ sinh cũng cần được chăm sóc đặc biệt. Trẻ có đang phát triển tốt hay có những vấn đề bất thường, cha mẹ có thể nhận biết phần nào qua sự thay đổi của thóp.

Contents

1. Thóp trẻ sơ sinh có cấu trúc và chức năng như thế nào?

Khi trẻ sơ sinh chào đời, hệ thống xương của trẻ vẫn chưa hoàn thiện và phát triển như của người lớn. Xương sọ của trẻ cũng vậy.

Thóp trẻ sơ sinh hay còn gọi là cửa đỉnh đầu được phân làm hai phần là thóp trước và thóp sau. Trong đó phần thóp trước là khe hở giữa xương trán và xương đỉnh đầu, có hình thoi. Phần thóp sau là khe hở giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm và có hình tam giác.

Khi nào thóp của trẻ sơ sinh là bất thường và cha mẹ cần lưu tâm

Click vào ảnh để xem chi tiết

Cấu trúc của thóp có dạng màng sợi để gắn kết các mảng xương đầu lại với nhau. Nhờ cấu trúc màng sợi này mà kích thước và hình dạng đầu của trẻ có thể thay đổi dễ dàng trong quá trình mẹ sinh trẻ.

Trong giai đoạn đầu đời, trẻ rất dễ bị thương, nhất là khi trẻ học lẫy, bò, ngồi, đứng và tập đi. Những va đập rất dễ xảy ra trong giai đoạn này, đặc biệt là những va đập ở khu vực đầu. Trong những tình huống này, thóp đóng vai trò quan trọng như một cái đệm bảo vệ não trẻ khỏi những chấn động/va chạm từ bên ngoài tác động lên đầu trẻ.

2. Thóp trẻ sẽ đầy khi nào?

Xương sọ của trẻ sẽ dần phát triển và thường sẽ đóng kín hoàn toàn trước 24 tháng tuổi. Trong đó, thóp sau lúc sinh ra đã gần như khép lại hoặc nhỏ chỉ bằng đầu móng tay. Thóp này thường đóng rất sớm, khoảng sau 4 tháng đã khép kín. Thóp trước của trẻ thường rộng ra trong thời gian từ tuần thứ 2 đến tháng thứ 3 sau đó sẽ dần đóng lại. Thông thường thóp trước của trẻ đóng khi trẻ được 14 tháng tuổi. Tuy nhiên thóp trước có thể đóng bất kỳ khi nào trong khoảng thời gian từ 4-26 tháng (hoặc 3 – 24 tháng tùy vào tài liệu và tùy nghiên cứu).

Không chỉ có 1 mà trẻ sơ sinh có đến 6 thóp trên đầu

Click vào ảnh để xem chi tiết

Nếu sau 2 tuổi mà trẻ vẫn còn thóp phía trước thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ để được thăm khám và đánh giá cụ thể tình trạng.

3. Các dấu hiệu của thóp và nhận biết tình trạng sức khỏe của trẻ

Một số dấu hiệu sau đây của thóp có thể giúp bố mẹ nhận biết được tình trạng sức khỏe của trẻ:

– Thóp của trẻ sơ sinh rất nhỏ hoặc khép kín

Một trong những chức năng quan trọng của thóp là bảo vệ não của trẻ trước áp suất bên ngoài khi đầu bé chui ra từ bụng mẹ bị ép chặt lại. Nếu thóp trẻ sơ sinh rất nhỏ hoặc khép kín, trẻ sẽ cảm thấy đau đớn do không có sự đàn hồi này. Thậm chí có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm như chảy máu trong não, vùng mắt…

Click vào ảnh để xem chi tiết

– Thóp đóng quá sớm hoặc quá muộn

Như đã trình bảy ở mục 2, thóp trước của trẻ có thể đóng bất kỳ khi nào trong khoảng thời gian từ 4-26 tháng và thóp sau thường sẽ đóng rất sớm, khoảng 4 tháng đã khép kín. Thóp đóng quá sớm hoặc quá muộn là biểu hiện của bệnh lí.

+ Nếu thóp trẻ đóng sớm hơn so với thời gian này thì có thể nguyên nhân là do não trẻ nhỏ hoặc xương đầu cốt hóa quá sớm. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ.

+ Nếu thóp trẻ đóng muộn hơn so với thời gian trung bình trên thì có khả năng xương trẻ chậm cốt hóa và trẻ có thể bị các bệnh như còi xương, suy dinh dưỡng hoặc não phát triển to lên một cách bất thường.

– Thóp trẻ bị phồng lên hoặc lõm xuống

Bình thường một trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường sẽ có thóp bằng phẳng và phập phồng theo nhịp đập của tim.

+ Nếu thóp trước của trẻ bị phồng lên thì có thể áp suất trong não trẻ tăng lên cao. Hiện tượng này gọi là tăng áp lực nội sọ, là biểu hiện của một số bệnh như: viêm màng não, não úng thủy…

+ Nếu thóp trước của trẻ lõm xuống thì rất có thể trẻ đang trong tình trạng bị tiêu chảy, mất nước do nôn trớ, suy dinh dưỡng nặng…

Click vào ảnh để xem chi tiết

Lưu ý: khi trẻ khóc, thóp của trẻ cũng nhô lên. Do đó, muốn kiểm tra chính xác trạng thái của thóp thì cha mẹ nên kiểm tra khi trẻ đang trong trạng thái bình thường để kết quả có độ chính xác cao.

Tóm lại, thóp trẻ sơ sinh là bộ phận cơ thể rất nhạy cảm và cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên. Nếu có dấu hiệu bất thường ở thóp của trẻ, nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán phù hợp.

Xem thêm:

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*