Wonder week 19 tuần là gì

wonder-week-19-tuan-la-gi
wonder-week-19-tuan-la-gi

Wonder Week 19 tuần là gì? Nuôi con theo phương pháp EASY không thể bỏ qua thuật ngữ EASY này. Mẹ hãy cùng Bluecare khám phá trong bài viết dưới đây nhé!

Wonder week là khái niệm được đưa ra vào năm 1992 bởi nhà nghiên cứu về tâm lý giáo dục, sinh học hành vi người Hà Lan, tiến sĩ Frans Plooij và vợ ông là tiến sĩ Hetty Van De Rijt. Thuật ngữ này mô tả mười bước nhảy vọt trong quá trình phát triển về tinh thần mà mọi đứa trẻ đều trải qua trong hai mươi tháng đầu đời. 

Contents

1. Wonder week 19 là gì?

Wonder week 19 (ww19) – tuần khủng hoảng 19 là bước nhảy vọt thứ tư trong quá trình phát triển về tinh thần mà mọi đứa trẻ đều trải qua trong hai mươi tháng đầu đời. Đây là giai đoạn bé học được cách thực hiện các hành động theo chuỗi từ hai hành động trở lên như nắm lấy đồ vật rồi cho vào miệng. Em bé của mẹ sẽ hiểu được rằng thế giới của bé được tạo nên từ rất nhiều sự vật hiện hữu ở xung quanh, cho dù bé có nhìn thấy chúng hay không.

 

Như vậy các kỹ năng ngày càng trở nên hoàn thiện và phức tạp hơn, đi kèm với đó là những biến đổi tinh tế hơn của các giác quan.

wonder-week-19-tuan-tuoi
wonder-week-19-tuan-tuoi

2. Wonder week 19 (ww19) bắt đầu khi nào?

Wonder week 19 hay tuần khủng hoảng 19 xảy đến vào khoảng tuần tuổi từ 14-19. Mẹ có thể thấy từ tuần khủng hoảng 19 này, thời gian khó ở của bé sẽ kéo dài hơn trước đây khá nhiều để chuẩn bị tinh thần. Mẹ cần lưu ý cách tính tuổi của con theo tuần. Thời điểm bắt đầu tính wonder week cho bé là ngày dự sinh, không phải ngày bé chào đời. 

Ví dụ đơn giản như sau: Nếu bé dự sinh vào ngày 30/10 nhưng chào đời vào ngày 05/10 thì mẹ sẽ tính tuần tuổi cho bé từ ngày dự sinh là ngày 30/10.

3. Wonder week 19 biểu hiện như thế nào? 

Dấu hiệu wonder week thường na ná nhau giữa các giai đoạn. Mẹ có thể nhận biết tuần khủng hoảng 19 của con dựa vào các biểu hiện sau:

  • Bé quấy khóc, hay tức giận và cáu kỉnh nhiều hơn. Thậm chí tâm trạng thay đổi bất chợt, đang cười thì khóc toáng lên.
  • Bé khóc đêm, tỉnh dậy nhiều lần vào ban đêm, khó vào giấc đêm: Giai đoạn này mẹ sẽ thấy bé trở nên khó ngủ, hay dậy sớm hơn, vào giấc đêm muộn hơn, ngủ không sâu giấc và tỉnh giấc giữa đêm để khóc… Bé cũng có thể đòi ăn đêm. Và việc thiếu ngủ lại dẫn đến hệ quả là bé khóc nhiều hơn vì mệt (overtired).
  • Bé bám mẹ, đòi hỏi sự chú ý của mẹ nhiều hơn bằng việc muốn mẹ chơi cùng, mẹ trò chuyện hoặc đơn giản là có mẹ ở bên cạnh. Nếu không thấy mẹ ở bên bé có thể đi tìm và khóc toáng lên.
  • Bé có thể ăn kém ở wonder week tuần 19: với cả bé bú mẹ và bú bình bởi con dễ bị xao nhãng bởi những gì con nhìn và nghe thấy. Con chỉ ăn một lúc rồi bắt đầu nghịch núm vú hoặc không chịu ngậm ti. Tuy nhiên đây phải là dấu hiệu con “đòi ăn dặm” đâu mẹ nhé! Mời mẹ tham khảo thêm: Một số hiểu lầm ‘tai hại’ của bố mẹ khiến trẻ bị ăn dặm sớm
  • Bé nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ: Thậm chí bé không chấp nhận bất cứ ai ở bên bé ngoài trừ mẹ. Thậm chí khóc lóc nếu người lạ nhìn hay nói chuyện.
  • Bé muốn được quan tâm chú ý nhiều hơn
  • Bé cần đỡ đầu nhiều hơn: Khi bế con bạn có thể phải đỡ đầu hoặc đỡ người nhiều hơn vì bé có thể tụt xuống khỏi tay đặc biệt khi bé đang khóc

4. Wonder week 19 kéo dài bao lâu?

Không có câu trả lời cố định cho việc bao lâu tuần khủng hoảng 19 sẽ kết thúc bởi vì mỗi em bé có tốc độ học kỹ năng mới khác nhau. 

Cho dù wonder week tuần 19 có vẻ dài hơn so với trước đây nhưng có bé chỉ xảy ra trong 1 tuần, có bé lại kéo dài tới 6 tuần đằng đẵng. Mẹ hãy kiên nhẫn một chút nhé. 

Nếu mẹ để ý quan sát, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra khoảng thời gian “khó ở” của bé đã kết thúc khi bé xuất hiện những kỹ năng mới như dưới đây:

5. Sau Wonder week 19 (ww19) con phát triển kỹ năng gì mới?

Tuần khủng hoảng 19 sẽ kết thúc nếu bé xuất hiện những kỹ năng mới dưới đây:

  • Kỹ năng vận động xuất hiện sau ww19: Ở giai đoạn này hành vi của bé sẽ hoàn toàn thay đổi và tiến lên một bước phức tạp hơn do bé đã có khả năng xử lý một chuỗi từ hai hành động trở lên. Ví dụ bé có thể với đồ chơi và tiến tới bước 2 là đưa vào miệng, hoặc chuyển sang tay kia, hoặc xoay và lật các chiều để xem xét.
  • Lẫy từ ngửa sang sấp và ngược lại
  • Dùng hai tay để chống, nâng nửa thân trước lên khi đang nằm sấp
  • Có thể ngồi khi dựa vào mẹ
  • Nhổm mông và cố đẩy người về phía trước nhưng chưa thành công
  • Với được đồ vật. Ngay cả khi không cần nhìn mà đồ vật ở trong tầm tay, bé cũng có thể với được
  • Có thể chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia
  • Có thể kéo được khan hoặc quần áo che ở mặt ra
  • Đưa đồ vật vào miệng và gặm
  • Ném đồ chơi xuống sàn nhà và chúi người xuống để quan sát
  • Kỹ năng quan sát có thể phát triển sau wonder week 19: 
  • Nhìn chằm chằm vào chi tiết trên sách, tranh ảnh
  • Có thể nhận biết đồ vật quen thuộc khi bị che một phần
  • Quan sát kỹ cử động của môi và lưỡi của mẹ khi nói chuyện
  • Phản ứng với hình ảnh của mình trong gương
  • Phấn khích khi quan sát những hành động lặp đi lặp lại như nhìn bố tập chạy trên máy chạy, nhảy lên nhảy xuống
  • Kỹ năng ngôn ngữ có thể phát triển sau tuần khủng hoảng 19:
  • Chăm chú lắng nghe mẹ nói chuyện
  • Có thể phân biệt được một âm thanh cụ thể giữa những âm thanh khác
  • Tạo ra những âm môi ba, ma, pa…
  • Tạo ra những âm r như grrr, brrrr… Thích thú phát ra âm grrr bằng nước bọt khi nằm ngửa
  • Khả năng nhận thức phát triển sau ww19:
  • Hiểu được một số từ chỉ vật quen thuộc và cố định vị trí của vật đó, thể hiện bằng cách quay đầu về phía một vật khi được hỏi
  • Phản ứng khi được gọi tên
  • Biết giơ hai tay để đòi bế
  • Cảm xúc – Xã hội có thể phát triển sau tuần khủng hoảng 19: Phân biệt được thái độ động viên hay quát mắng qua giọng nói
  • Phát triển cá nhân sau ww19: Có thể tự cầm bình sữa khi có sự trợ giúp của mẹ và cầm được trong một thời gian ngắn

6. Trải nghiệm khủng hoảng tuần 19 của mẹ

Ông bà ta có câu: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”

Bước qua Wonder week 12, một số em bé đã có thể lẫy. Bởi vậy trong giai đoạn 14-19 tuần, mẹ cực kỳ áp lực nếu con chưa đạt được mốc vận động là “lẫy” này. Mọi người hỏi những câu hỏi như: “Con đã biết lẫy chưa em?” và cho những lời khuyên: “Mút tay nhiều nó quen, rồi mòn cả tay nó mất!”, “Không được để con cho đồ chơi vào miệng kẻo mất vệ sinh!”. Thậm chí mẹ bị chỉ trích nặng nề khi không làm theo những lời khuyên đó.

Giai đoạn học kỹ năng của tuần khủng hoảng 19 cũng kéo dài hơn so với các tuần trước đây khiến cho bé có vẻ dậm chân tại chỗ hơi lâu và mẹ không khỏi sốt ruột. 

Thêm vào đó, những mệt mỏi, lo lắng do bé khó chịu cáu gắt không thể xoa dịu khiến mẹ căng thẳng và mất ngủ. Bé có thể khóc toáng lên nếu mẹ đột ngột bỏ đi. Và khi mẹ mải bận rộn làm việc, mắt bé ngay lập tức long lanh nước rồi xối xả và nức nở. Mẹ tự hỏi sao nước mắt ở đâu mà sẵn thế nhỉ?

Mẹ cảm thấy thực sự bất lực và đôi khi những em bé cũng vô tình hứng chịu những bực dọc chồng chất của mẹ.

Khi mọi chuyện trở nên mất kiểm soát, mẹ chỉ cần nhớ rằng sau những ngày giông bão là những ngày nắng đẹp. Em bé sẽ không bé bỏng mãi và những khó chịu này là để con từng bước lớn lên. Cách duy nhất mẹ có thể làm bây giờ là tập trung hỗ trợ con học được những kỹ năng mới.

7. Mẹ nên làm gì khi nhận ra các dấu hiệu của Wonder week 19?

Mẹ tôn trọng những nhu cầu bản năng của bé

Mẹ thường thấy nhiều ông bà, ba mẹ tìm đủ mọi lý do về vấn đề vệ sinh và tìm đủ mọi cách để ngăn cản em bé mút tay hay cho đồ vật vào miệng. Mọi người cho rằng không ngăn chặn từ sớm chỉ tạo thói quen xấu cho bé mà thôi.

Ở khủng hoảng tuần 19 này, bé rất nhạy cảm với việc sử dụng môi và lưỡi. Bé nhận ra môi và lưỡi của mình có thể phát ra âm thanh, có thể thổi bong bóng. Và bất cứ vật gì cũng vậy, khám phá bằng tay, nhìn bằng mắt chưa đủ thỏa mãn, bé cần được khám phá chúng bằng miệng.

Vậy mẹ hình dung hành động ngăn cản này đi ngược với tự nhiên và hạn chế đối với em bé đến như thế nào. Bé chỉ nhạy cảm trong một khoảng thời gian nhất định, theo đó những kỹ năng cũng có thời điểm vàng nhất định để phát triển hết tiềm năng của nó. Hơn nữa, bé đang trong tuần khủng hoảng với những bực bội, khó chịu sẵn có, việc không được thỏa mãn nhu cầu càng khiến cho em bé trở nên cáu kỉnh, khó xoa dịu hơn.

Đến đây mẹ có thể thấy giúp bé đơn giản chỉ là để bé được thoải mái khám phá mọi thứ như cách mà bé chọn. Mẹ chỉ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ tay, chân bé và những món đồ xung quanh bé.

Mẹ cũng nên bế bé đi dạo quanh nhà, mô tả cho bé nghe, cho bé được chủ động sờ chạm vào những đồ vật thật trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, bé được tha hồ nhìn ngắm, trực tiếp cảm nhận chất liệu, kết cấu của thế giới rực rỡ, phong phú này.

Mẹ hỗ trợ bé học kỹ năng vận động mới

Giúp bé tập trườn: Lúc này mẹ dễ nhận thấy bé rất muốn và rất cố gắng trườn về phía trước hoặc trườn lùi về phía sau. Mẹ hãy đặt một món đồ chơi hấp dẫn phía trước và dùng bàn tay hoặc một tấm bìa cứng để làm bàn đạp giúp bé tập co chân đạp để đẩy người về phía trước.

Giúp bé tập bò: Mẹ có thể hỗ trợ kỹ năng bò cho bé từ sớm bằng các bài tập ở tư thế nằm sấp như sau:

  • Khuyến khích bé với tay để lấy đồ vật: Trong khi bé với lấy đồ chơi, bé biết rằng để lấy được đồ chơi, bé cần phải nghiêng người sang phía cánh tay vươn ra, cánh tay còn lại phải làm trụ cho cơ thể. Nhờ đó, bé học được cách chuyển trọng lượng cơ thể từ bên này sang bên kia.
  • Khuyến khích bé đẩy người về phía trước: Động tác đẩy người về phía trước giúp rèn luyện các cơ ở lưng và thúc đẩy bé phải dồn trọng tâm về cả tay và chân để chuẩn bị cho tư thế bò. Do đó mẹ hãy thu hút sự chú ý của bé bằng việc di chuyển một món đồ chơi yêu thích về phía trước.

Chơi ú òa: Mẹ che mặt bé bằng khăn và hỏi bé ở đâu để khuyến khích bé dùng tay kéo khăn ra khỏi mặt. Nếu bé chưa làm được mẹ hãy cầm tay bé kéo chầm chậm khăn ra. Khi bé có thể nhìn thấy mẹ, mẹ hãy vui vẻ nói: “Òa!”

Mẹ tạo môi trường an toàn và phong phú để bé được tự do trải nghiệm

Khi bé ở tầm tháng tuổi này, mẹ đã không còn là “đồ chơi” thú vị nhất với bé nữa. Bé háo hức với mọi thứ xung quanh mình. Những đồ vật đơn giản nhất cũng là một bài học lớn với bé. Đây cũng là thời điểm tốt để tập cho bé chơi tự lập. Việc mẹ cần làm là tạo ra một môi trường phong phú, đa dạng về hình dạng, âm thanh, màu sắc, chất liệu và đủ an toàn để bé thỏa sức khám phá.

Mẹ có thể thêm các màu sắc cơ bản như đỏ, vàng, xanh lam… vào những bức tranh màu sắc tương phản trắng – đen treo ở xung quanh khu vực bé ăn, ngủ, chơi. 

Đồ chơi của bé nên là những món đồ có nhiều màu sắc, nhiều hình dạng và ưu tiên có thể phát ra âm thanh khi bé lắc, đập. 

Mẹ thể tự tạo những túi vải làm từ các loại vải khác nhau như len, nỉ, cotton… hoặc mẹ cho bé chơi các loại giấy khác nhau như giấy trắng, giấy báo… hoặc đơn giản là thả vài quả chuông nhỏ vào chiếc chai nhựa, hoặc mẹ cho nước, hạt gạo, hạt đậu vào những túi trữ sữa để bé được sờ chạm (Mẹ lưu ý miết kín miệng các túi này, các túi trữ sữa thường có 2-3 đường khóa zip nên tương đối an toàn khi được miết kín miệng). 

Nếu bé tỏ ra thích thú với những tiểu tiết như hình vẽ trong sách, chấm tròn trên thớ vải thì mẹ đừng làm gián đoạn mà hãy để bé được tập trung khám phá càng lâu càng tốt.

Mẹ bật cho bé nghe những bản nhạc có âm điệu nhẹ nhàng du dương khi massage, khi tắm hoặc mỗi khi đi ngủ tùy theo sở thích của bé. Mẹ hát cho bé nghe những giai điệu vui nhộn. Mẹ cũng có thể địu bé và cùng nhún nhảy theo điệu nhạc.

Em bé tò mò của mẹ có thể cho bất kỳ thứ gì vào miệng để khám phá, bởi vậy mẹ cần lưu ý về tính an toàn xung quanh bé nhé.

  • Mẹ cất các vật nhỏ ở xa tầm tay của bé như cúc áo, kim khâu, hột xoàn… Tương tự mẹ cũng cần kiểm tra quần áo, khăn yếm của bé để tránh có những chi tiết nhỏ.
  • Mẹ chú ý không để phích nước sôi gần khu vực của bé.
  • Bọc kín các ổ điện
  • Mẹ chọn đồ chơi chất liệu an toàn để bé thoải mái gặm nhấm

Mẹ giúp bé phát triển ngôn ngữ trong ww19

Đọc sách: Mẹ có thể bắt tay vào việc hình thành thói quen đọc sách cho bé ngày từ bây giờ bằng việc giúp bé làm quen và có hứng thú với sách. 

Mẹ nên chọn sách theo các tiêu chí: 

  • Hình vẽ to và đơn giản
  • Sách không có chữ hoặc rất ít chữ
  • Bé có thể tương tác đa giác quan với sách
  • Chất liệu an toàn để bé “gặm nhấm”

Mẹ nên khuyến khích bé sờ và cảm nhận bằng việc để bé tiếp xúc với sách như một món đồ chơi thông thường và bé được thoải mái khám phá, sờ chạm, gặm nhấm…

Mẹ có thể chọn một tư thế thoải mái như để bé ngồi dựa trong lòng mẹ hoặc nằm sấp hoặc ngửa bên cạnh bé và bắt đầu hào hứng chỉ cho bé xem những hình ảnh, mô tả những điều thú vị trong sách. 

Mẹ quan sát biểu hiện để tìm ra sở thích của bé: bé tập trung nhìn vào hình ảnh lâu hơn, bé với tay đập vào hình vẽ, bé mỉm cười phấn khích… Mẹ ưu tiên đọc cuốn sách mà bé thích bởi trong giai đoạn này, đọc một cuốn sách nhiều lần có ý nghĩa hơn việc đọc nhiều cuốn sách. 

Trò chuyện với bé: Đây là cách dễ thực hiện nhất và hiệu quả nhất để phát triển ngôn ngữ cho bé. 

Mẹ chỉ đơn giản là mô tả lại hành động mẹ đang làm để bé liên kết được ngôn ngữ và hành động. Mẹ thông báo trước cho bé về việc sắp làm với bé như việc chuẩn bị thay bỉm để bé nắm bắt được quy luật. 

Lúc này bé đã có thể nhận biết được một số từ quen thuộc nên ngoài việc thường xuyên giới thiệu cho bé đây là gì, kia là gì, mẹ cũng nên đặt câu hỏi đồ vật ở đâu cho bé. Ví dụ như: Đồng hồ đâu nhỉ? Bé chỉ nhận biết được những đồ vật ở vị trí cố định và quay đầu về phía vật đó nên mẹ cần chọn những vật cố định trong nhà như đồng hồ treo tường, bức tranh, tivi… 

Mẹ đừng quên tương tác mắt với bé trong khi trò chuyện để bé có thể quan sát nhiều lần khẩu hình miệng của mẹ nhằm hỗ trợ bật âm cho bé. Mẹ cũng lưu ý nói ngắn gọn và đơn giản, nhấn mạnh vào những từ ngữ quan trọng.

Có thể mẹ chưa quen với việc nói chuyện suốt ngày với em bé và mẹ nghĩ giống như đang độc thoại vậy. Trò chuyện hàng ngày hỗ trợ rất tốt cho quá trình hình thành phản xạ ngôn ngữ về sau này cho bé.

Tham khảo: The wonder week – Hetty van de Rijt, Frans Plooij

Xem tiếp chuỗi bài về các giai đoạn wonder weeks:

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*