Wonder Week 12 tuần là gì?

wonder-week-12-tuan-la-gi
wonder-week-12-tuan-la-gi

Wonder Week 12 tuần là gì? Nuôi con theo phương pháp EASY không thể bỏ qua thuật ngữ EASY này. Mẹ hãy cùng Bluecare khám phá trong bài viết dưới đây nhé!

Wonder week là khái niệm được đưa ra vào năm 1992 bởi nhà nghiên cứu về tâm lý giáo dục, sinh học hành vi người Hà Lan, tiến sĩ Frans Plooij và vợ ông là tiến sĩ Hetty Van De Rijt. Thuật ngữ này mô tả mười bước nhảy vọt trong quá trình phát triển về tinh thần mà mọi đứa trẻ đều trải qua trong hai mươi tháng đầu đời. 

Contents

Wonder week 12 tuần là gì?

Wonder week 12 tuần là bước nhảy vọt thứ ba trong quá trình phát triển tinh thần của một em bé. Đây là giai đoạn đánh dấu bước chuyển biến lớn trong quá trình hình thành kỹ năng và nhận thức. Bé thực hiện một số động tác cơ bản như đập tay, đá chân có ý thức một cách nhuần nhuyễn hơn, ít giật cục hơn. Song song với đó là những biến đổi tinh tế hơn của các giác quan.

 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc mẹ phải đối mặt với tình trạng “khó ở” của bé một lần nữa. Vậy Wonder week 12 mở ra kỹ năng gì cho bé vào làm sao để mẹ đồng hành cùng bé vượt qua tuần khủng hoảng này mẹ cùng theo dõi nhé.

wonder-week-12-tuan-tuoi
wonder-week-12-tuan-tuoi

Wonder week 12 tuần bắt đầu khi nào?

Wonder week 12 xảy đến vào khoảng tuần tuổi từ 11-13. Mẹ cần lưu ý cách tính tuổi của con theo tuần. Thời điểm bắt đầu tính wonder week cho bé là ngày dự sinh, không phải ngày bé chào đời. 

Ví dụ đơn giản như sau: Nếu bé dự sinh vào ngày 30/10 nhưng chào đời vào ngày 05/10 thì mẹ sẽ tính tuần tuổi cho bé từ ngày dự sinh là ngày 30/10.

Wonder week 12 tuần biểu hiện như thế nào? 

  • Bé quấy khóc nhiều hơn bình thường, hay tức giận, cáu kỉnh
  • Bé ngủ kém đi: Giai đoạn này mẹ sẽ thấy bé ít ngủ vào ban ngày hoặc catnap nhiều, hay dậy sớm hơn, đêm dậy nhiều lần, ngủ không sâu giấc. Giờ giấc ăn – ngủ của con có thể thay đổi hoàn toàn
  • Bé ăn kém đi: Cho dù bé có xu hướng đòi ngậm ti nhiều hơn nhưng mẹ có thể nhận thấy bé gần như không có nhu cầu mút sữa. Việc ngậm ti chỉ đơn giản là cách bé tự an ủi vỗ về bản thân
  • Bé bám mẹ, đòi hỏi sự chú ý của mẹ nhiều hơn bằng việc muốn mẹ chơi cùng, mẹ trò chuyện hoặc đơn giản là có mẹ ở bên cạnh
  • Bé tỏ ra nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ
  • Bé mút tay thường xuyên hơn, điều này khiến bé dễ chịu và bớt khóc
  • Đôi khi bé yên lặng, tỏ ra lơ đãng, mất tập trung

Wonder week 12 tuần kéo dài bao lâu?

Không có câu trả lời cố định cho việc bao lâu thì một em bé sẽ hết “khó ở” bởi vì mỗi em bé có tốc độ học kỹ năng mới khác nhau. Nếu mẹ để ý quan sát, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra khoảng thời gian “khó ở” của bé đã kết thúc khi bé xuất hiện những kỹ năng mới như dưới đây nhé.

Sau Wonder week 12 tuần con phát triển kỹ năng gì mới?

– Kỹ năng vận động: Các cử động của bé đã thuần thục và nhẹ nhàng, thong thả hơn. Mỗi ngày mẹ đều quan sát con nên ở giai đoạn biến đổi tinh tế này có thể mẹ sẽ khó nhận ra những thay đổi rất nhỏ. Nhưng nếu mẹ xem lại những video từ tháng trước của con, mẹ sẽ nhận thấy em bé của mình đã bớt cứng nhắc và giật cục trông giống như chú bé người gỗ Pinocchio. 

Một số em bé đã có thể lật sấp và ngược lại. Nhưng nếu em bé của mẹ vẫn chưa lật hoặc có các biểu hiện sau đây thì mẹ cũng đừng lo lắng nhé. Mỗi em bé đều có tốc độ phát triển của riêng mình. 

Các kĩ năng mới bé có được sau tuần wonder week 12:

+ Quay đầu về một bên dễ dàng

+ Tự lật nghiêng sang bên và ngược lại

+ Di chuyển mắt nhịp nhàng khi theo dõi một vật chuyển động

+ Tự kéo mình ngồi dậy khi nắm chặt ngón tay của mẹ

+ Mút tay thành thạo hơn

+ Ngậm ngón chân 

+ Với và chụp bắt đồ vật bằng cả hai tay

+ Nghiên cứu và chơi với bàn tay của mẹ

+ Sờ mặt, mắt, miệng, quần áo của mẹ

+ Cọ đồ chơi vào đầu hoặc má

– Kỹ năng quan sát: Bé đặc biệt thích thú với việc khám phá bàn tay của mình. Vụng về ngửa lên rồi lại úp xuống, bé có thể chăm chú như thế rất lâu. Ngoài ra, bé cũng thích thú quan sát khuôn mặt, quần áo và kiểu tóc của mọi người xung quanh bé.

– Kỹ năng nghe và nói:

+ Có thể nhận ra các tông giọng cao thấp và chuyển giữa các mức độ này

+ Tạo ra các nguyên âm a, i, e, o, ay… và sử dụng chúng để buôn chuyên

+ Thích thú với việc sử dụng môi như thổi bong bóng nước bọt

+ Biết hóng chuyện và chờ đợi phản ứng từ ba mẹ

Trải nghiệm Wonder week 12 tuần của mẹ

Ngay cả khi mẹ đã được chuẩn bị tinh thần cho khoảng thời gian khó ở này thì những mệt mỏi do mất ngủ giữa đêm, do căng thẳng vì con khóc quá nhiều vẫn khiến mẹ cảm thấy áp lực và đôi khi là mất tự tin vì mọi chuyện không theo dự tính của mẹ. 

Nhiều khi mẹ cáu gắt, bực bội và vô tình trút giận lên cả những thành viên khác trong gia đình. Nếu không nhận được sự thông cảm và chia sẻ thì mẹ sẽ vô cùng bế tắc. Mẹ hãy bình tĩnh và nhớ rằng sau những ngày giông bão luôn là những ngày nắng đẹp. Em bé sẽ không bé bỏng mãi và những khó chịu này là để con từng bước lớn lên. Cách duy nhất mẹ có thể làm bây giờ là tập trung hỗ trợ con học được những kỹ năng mới.

Mẹ nên làm gì khi con vào Wonder week 12 tuần?

Kiểm tra kỹ các nguyên nhân khiến bé khó chịu

Việc đầu tiên là mẹ luôn phải nhớ kiểm tra kỹ các nguyên nhân khách quan khiến bé khó chịu. Các nguyên nhân này bao gồm ốm, sốt, đói, tã bị bẩn, buồn ngủ, đầy bụng do vỗ ợ chưa kỹ để kịp thời đáp ứng và tránh tối đa cảm giác khó chịu cho bé.

Mẹ tạo cảm giác an toàn cho bé

  • Mẹ tắm nước ấm cho bé, rồi đặt bé vào khăn tắm mềm, nhẹ nhàng massage cho bé để bé cảm thấy dễ chịu
  • Mẹ hát, bật cho bé nghe những bài hát có âm điệu nhẹ nhàng, du dương. Nếu bé thích tiếng ồn trắng, mẹ bật cho bé mỗi khi đi ngủ
  • Mẹ đừng quên ôm ấp, vuốt ve, đung đưa nhẹ nhàng để bé cảm nhận được mẹ vẫn luôn ở bên yêu thương và an ủi

Mẹ giúp bé phát triển các giác quan

Bé bắt đầu học cách tập trung cả hai mắt và theo dõi một vật thể chuyển động. Mẹ có thể tự làm một vài đồ chơi treo đơn giản có màu sắc tương phản rồi di chuyển chầm chậm sang trái, sang phải, lên trên, xuống dưới để mắt bé bắt kịp tốc độ.

Mẹ cũng nên bế bé đi dạo quanh nhà, mô tả cho bé nghe, cho bé được chủ động sờ chạm vào những đồ vật thật trong cuộc sống hàng ngày để bé được tha hồ nhìn ngắm, trực tiếp cảm nhận chất liệu, kết cấu của thế giới rực rỡ, phong phú này.

Mẹ hỗ trợ bé học kỹ năng vận động mới

Giúp bé tập với đồ: Đối với bé hiện giờ, bé vẫn chưa thể ước lượng được khoảng cách nên với đồ vẫn đang là động tác khó, cần được luyện tập nhiều. Mẹ có thể bắt đầu với các đồ chơi treo nhiều màu sắc hấp dẫn và treo trong tầm với của bé. Ban đầu bé sẽ liên tục đập tay vào đồ chơi và chưa thế tóm lấy chúng ngay được. Nếu bé với hụt và tỏ ra mất kiên nhẫn, mẹ hãy thay bằng món đồ dễ với hơn để khuyến khích bé. Mẹ đừng quên khen ngợi khi bé thể hiện sự nỗ lực.

Giúp bé tập lẫy lật: Mẹ để bé nắm chặt ngón tay của mẹ, cảm nhận lực nắm ở tay và từ từ kéo nhẹ nhàng để hỗ trợ bé lật sấp. Mẹ nên đặt bé nằm sấp khi thức và tập lật ngửa lại nhằm giúp bé có khả năng lẫy ngửa lại tránh nguy cơ ngạt thở khi bé tập lẫy sấp trong lúc ngủ.

Giúp bé tăng khả năng định vị trong không gian bằng các trò chơi thăng bằng. Mẹ có thể sắm một quả bóng gai, cho bé nằm trên bóng (sấp hoặc ngửa rồi đảo lại) và lăn bóng chầm chậm sang trái, sang phải, tiến ra trước, lùi về sau. Mẹ cũng có thể cho bé chơi trò máy bay. Mẹ từ từ nâng con lên và tạo âm thanh cao dần giống như tiếng máy bay cất cánh. Bé sẽ duỗi thẳng khi con được nâng lên quá đầu. Rồi mẹ từ từ hạ thấp, khi bé ở ngang tầm mắt, mẹ dụi đầu vào cổ và vui vẻ chào con.

Mẹ chú ý quan sát phản ứng của bé và luôn nhớ khi bé cười là mẹ đã làm đúng cách. Và bé nở nụ cười có nghĩa là bé đang thực sự hạnh phúc. Mẹ cũng cần lưu ý dừng trò chơi hoặc đổi sang hoạt động khác khi bé có vẻ thấy nhàm chán. 

Mẹ tích cực trò chuyện với bé

Ở giai đoạn này, bé bắt đầu tạo ra những âm thanh giống như nguyên âm để trò chuyện với mẹ. Vì vậy mẹ đừng quên “buôn chuyện” với bé mỗi khi nhận thấy bé ríu rít hóng chuyện nhé. Đầu tiên mẹ cần cho bé thấy gương mặt tươi tắn của mẹ. Mẹ cần phải cất hết những mệt mỏi và áp lực đi trước khi tương tác với con. Tiếp theo, mẹ điều chỉnh giọng nói ở tông cao hơn một chút so với bình thường để thu hút sự chú ý của bé. Ở tầm tuổi này, mẹ nói về chủ đề gì không quan trọng nhưng tốt nhất và dễ nhất, mẹ có thể nói về những chuyện xảy ra hàng ngày với hai mẹ con. Như thế, một cách tự nhiên mẹ cũng sẽ nói chuyện có cảm xúc hơn. 

Điều mẹ cần lưu ý là cho bé thấy nguyên tắc của một cuộc hội thoại: bé nói điều gì đó và được mẹ đáp lời. Mẹ cần để thời gian chờ con nói hết để tránh việc bé chán nản, thất vọng vì không được lắng nghe. Mẹ cũng có thể bắt chước những âm thanh mà bé tạo ra. Việc này thú vị đến mức bé có thể cười rất to.

Khi mẹ âu yếm nhìn vào mắt con mà rủ rỉ tâm tình, cho dù bé chưa hiểu hết những gì mẹ nói thì cũng hoàn toàn cảm nhận được những chân thành ấm áp, những rung động từ trái tim mà mẹ truyền đến con.

Tham khảo: The wonder week – Hetty van de Rijt, Frans Plooij

Xem tiếp chuỗi bài về các giai đoạn wonder weeks:
bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*