Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh covid-19 là một trong các chiến lược để đẩy lùi dịch. Chúng ta sẽ tìm hiểu để nắm rõ về vấn đề này.
Contents
Vắc xin là gì?
Vắc xin là một chế phẩm sinh học được dùng để khi đưa vào cơ thể sẽ tạo sự bảo vệ cho cơ thể chống lại nhiễm trùng và/hoặc bệnh sau khi phơi nhiễm với một tác nhân gây bệnh.
Có những loại vắc xin nào?
Vắc xin thường được phân loại thành vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin bất hoạt, vắc xin tiểu đơn vị, vắc xin giải độc tố, vắc xin mRNA, vắc xin vector vi rút.
– Vắc xin sống giảm độc lực được tạo ra từ tác nhân gây bệnh (vi rút hoặc vi khuẩn) được làm suy yếu để tạo phản ứng miễn dịch mạnh như khi nhiễm trùng một cách tự nhiên.
– Vắc xin bất hoạt được tạo ra từ vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn, khác) được giết chết bằng cơ học hoặc hoá chất.
– Vắc xin tiểu đơn vị là vắc xin không chứa thành phần sống của tác nhân, được tạo ra từ một thành phần có khả năng tạo kháng nguyên của tác nhân gây bệnh.
– Vắc xin giải độc tố được tạo ra từ độc tố của vi khuẩn (ví dụ như uốn ván, bạch hầu).
– Vắc-xin mRNA là loại vắc-xin khi vào cơ thể người sẽ làm các tế bào của cơ thể con người tạo ra một loại protein – hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein – protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người.
– Vắc xin vector vi rút là vắc xin sử dụng vector là vi rút nhằm đưa vật liệu di truyền mã hóa cho một kháng nguyên mong muốn vào tế bào vật chủ của người nhận. Vắc xin vector vi rút cho phép biểu hiện tính kháng nguyên trong tế bào để tạo ra đáp ứng tế bào T mạnh mẽ. Hầu hết các vector vi rút được chỉnh sửa để không còn khả năng sao chép vì các gen cần thiết cho sao chép đã bị loại bỏ. Đây là công nghệ tạo vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca.
Vắc xin COVID-19 AstraZeneca
Do Công ty dược AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển. Tại Việt Nam, vắc xin này được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định 983/QĐ-BYT ngày 01 tháng 02 năm 2021. Đến ngày 25 tháng 02 năm 2021, vắc xin đã được 25 Quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng. Dưới đây là các thông tin chính về vắc xin này:
Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca được đánh giá dựa trên phân tích sơ bộ từ dữ liệu gộp của bốn thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù, đối chứng được thực hiện tại Anh, Brazil và Nam Phi. Phân tích cho thấy vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca làm giảm đáng kể tần suất mắc COVID-19 so với nhóm chứng. Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca, kháng thể được ghi nhận ở ≥ 98% người tham gia tại thời điểm 28 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên và > 99% tại thời điểm 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai.
Hiệu lực bảo vệ của vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca đơn liều được đánh giá trong một phân tích thăm dò bao gồm các đối tượng chỉ tiêm một liều. Kết quả phân tích vào thời điểm sớm nhất mà họ tiêm vắc xin liều thứ hai hoặc tại tuần thứ 12 sau tiêm vắc xin liều đầu. Trong nhóm dân số nghiên cứu này, hiệu lực bảo vệ của vắc xin từ ngày thứ 22 sau liều tiêm thứ nhất là 73%. Đối với những người tham gia có 1 hoặc nhiều bệnh lý mắc kèm cho thấy hiệu lực của vắc xin là 73,43%; cũng tương tự như hiệu lực của vắc xin quan sát ở dân số chung.
Tính an toàn tổng thể của vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca:
Tại thời điểm phân tích, 23.745 người tham gia từ 18 tuổi trở lên đã được phân nhóm ngẫu nhiên và được tiêm vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca hoặc liều đối chứng. Trong số này, 12.021 người được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca. Đặc điểm giữa những người tham gia tiêm vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca và những người sử dụng liều đối chứng cơ bản tương tự nhau. Các phản ứng ngoại ý thường được ghi nhận là nhạy cảm chỗ tiêm (63,7%); đau chỗ tiêm (54,2%), nhức đầu (52,6), mệt mỏi ( 53,1%); đau cơ (44%), khó chịu (44,2%); sốt (7,9%), ớn lạnh (31,9%); và đau khớp (26,4%), buồn nôn (21,9%). Phần lớn các phản ứng ngoại ý ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường hết vài ngày sau khi tiêm. Đến ngày thứ 7, tỷ lệ các đối tượng có ít nhất một phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân tương ứng là 4% và 13%. Khi so sánh với liều đầu tiên, các phản ứng ngoại ý được báo cáo sau liều thứ hai nhẹ hơn và ít xảy ra hơn. Khi cần thiết, các thuốc giảm đau và/hoặc hạ sốt (ví dụ: các thuốc chứa paracetamol) có thể được sử dụng để giảm triệu chứng của các phản ứng ngoại ý sau tiêm chủng. Tiêm vắc xin giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong do bệnh.
Miễn dịch cộng đồng
Là một hình thức bảo vệ gián tiếp người chưa có miễn dịch khi một tỷ lệ lớn dân cư đã có miễn dịch với một loại vi sinh vật lây nhiễm. Miễn dịch cá thể có được sau khi hồi phục từ một lây nhiễm tự nhiên hoặc do nhân tạo (tiêm chủng vắc xin). Một khi số các trường hợp miễn dịch cá thể tăng lên, một ngưỡng tỷ lệ nào đó của miễn dịch cộng đồng đạt được, cộng đồng đó sẽ loại trừ căn bệnh được miễn dịch khỏi quần thể đó. Trong một quần thể dân số bất kì khi có một số lượng lớn cá thể đã có miễn dịch thì chu trình lây nhiễm dễ bị phá vỡ, làm cho sự lây lan của bệnh dừng hoặc chậm lại do người mang mầm bệnh đa phần sẽ chỉ tiếp xúc với những người đã có miễn dịch; mầm bệnh không thể phát tán qua những người khác nếu người này có miễn dịch bảo vệ. Đồng thời, khi tỷ lệ cá thể có miễn dịch trong một cộng đồng càng lớn, thì khả năng những người không có miễn dịch tiếp xúc phơi nhiễm với cá thể nguồn lây càng nhỏ.
Tiêm vắc xin cho mọi người nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, khi đó mới mong kết thúc đại dịch do vi rút SAR-CoV-2.
BS Nguyễn Tấn Hưng
Xem thêm:
Những lưu ý khi đi tiêm phòng vắc xin Covid-19
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
Be the first to comment