THAI LƯU & NGUYÊN NHÂN

THAI LƯU & NGUYÊN NHÂN
Thai chết lưu là thai bị chết, lưu lại trong tử cung, không phát triển thành thai trưởng thành. Hiện tượng này cần được phát hiện, can thiệp sớm để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Những nguyên nhân thường gặp gây thai lưu đến từ cả người mẹ và thai nhi.

1. Thai lưu là gì?
Thai lưu là thai ngừng phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Thông thường, nếu thai chết ở độ tuổi thai càng cao thì thời gian lưu lại tử cung càng ngắn. Quá trình sảy thai hoặc đẻ của thai chết lưu cũng tương tự các ca bình thường nhưng thời gian dọa sảy và chuyển dạ thường dài hơn, ra máu nhiều hơn.

Biến chứng nguy hiểm nhất đối với các ca thai chết lưu là lúc này màng ối rách, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào buồng ối và dạ con, gây nhiễm khuẩn trầm trọng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người mẹ. Bên cạnh đó, nếu thai chết và lưu lại quá lâu trong dạ con (trên 3 tuần) có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu, gây băng huyết nặng ở sản phụ sau sảy thai hoặc sinh nở. Đồng thời, tình trạng này còn có thể ảnh hưởng tới tâm lý của người mẹ, đặc biệt là những phụ nữ hiếm muộn.
2. Nguyên nhân thai lưu
Có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu và cũng có nhiều trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân. Những nguyên nhân thường gặp là:

2.1 Vấn đề ở người mẹ
Người mẹ mắc các bệnh mạn tính như suy gan, viêm thận, lao phổi, thiếu máu, cao huyết áp, bệnh tim,…
Người mắc các bệnh nội tiết như suy giáp, basedow, tiểu đường, thiểu năng hoặc cường năng tuyến thượng thận,…
Thai chết lưu hay gặp ở người mẹ bị nhiễm độc, nhiễm ký sinh trùng sốt rét, viêm gan, giang mai, quai bị, cúm, sởi,…
Các bà mẹ thường xuyên lao động vất vả và dinh dưỡng kém.
Người mẹ tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường như thuốc trừ sâu, carbon monoxide,…
Thai phụ hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý đông máu như huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc phổi.
Người mẹ từng mang thai lưu, lạm dụng rượu hoặc ma túy, hút thuốc lá, béo phì, dưới 15 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
2.2 Vấn đề ở thai nhi
Rối loạn nhiễm sắc thể dễ khiến thai dưới 3 tháng tuổi bị chết lưu. Rối loạn nhiễm sắc thể thường do di truyền từ bố mẹ hoặc do đột biến gene trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi.
Thai có thể bị chết do bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con.
Thai chết do dị tật bẩm sinh, não úng thủy, phù thai rau, thai già tháng hoặc mang đa thai khi các thai truyền máu cho nhau thì thai cho máu dễ bị chết lưu. Vì vậy, đã có trường hợp ở giai đoạn đầu của thai kỳ khi siêu âm thấy có 2 thai nhưng bước sang giai đoạn sau chỉ còn 1 thai.
2.3 Vấn đề trên phần phụ và tử cung
Mọi bất thường về dây rốn như dây rốn thắt nút, dây rốn xoắn quá mức, dây rốn ngắn tuyệt đối, dây rốn bị chèn ép, quấn cổ, quấn thân, quấn chi,… đều có thể khiến thai bị chết lưu.
Bánh rau xơ hóa, rau bong non, u mạch máu màng đệm của bánh rau, thiểu ối, đa ối,… cũng có thể là tác nhân gây thai chết lưu.
Người mẹ bị dị dạng tử cung như tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển,… cũng khiến thai nhi bị nuôi dưỡng kém, thiếu chất, dẫn tới chết lưu.
3. Nên làm gì khi được chẩn đoán thai lưu?
Khi đã được chẩn đoán xác định là mang thai lưu, thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định cho thai ra bằng các phương pháp nạo hút thai, gắp thai, gây sảy thai, gây chuyển dạ tùy theo tuổi thai. Đồng thời, bà bầu được chú ý điều trị chống rối loạn đông máu và chống nhiễm trùng.

Sau khi lấy thai ra rồi, phụ nữ cần có một thời gian phục hồi sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần. Với thai lưu trên 15 tuần cần được nghỉ ngơi trong khoảng 30 ngày. Khi người phụ nữ cảm thấy đã khỏe mạnh, tư tưởng thoải mái, có ham muốn tình dục thì có thể quay lại sinh hoạt vợ chồng nhưng phải tránh thai tối thiểu 3 tháng mới nên mang thai lại. Trong thời gian ngắn này, các cặp vợ chồng nên áp dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.

Để chuẩn bị cho lần mang thai sau, cả hai vợ chồng nên khám tổng quát, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất gồm tinh bột, đạm, chất béo và vitamin cần thiết. Đồng thời, người phụ nữ nên bổ sung axit folic, tăng cường rèn luyện sức khỏe để có một thai kỳ tiếp theo an toàn hơn. Đến khi đã có thai, thai phụ nên đi khám thai sớm và định kỳ ở những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ, đưa ra những lời khuyên đúng đắn.

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare