Contents
1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng một nhóm các tĩnh mạch trong bìu bị sưng to. Bìu là túi da bao bọc bên ngoài tinh hoàn, bảo vệ tinh hoàn khỏi những tác động không tốt bên ngoài. Bình thường, nhiệt độ vùng bìu thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 1-2o C, lý tưởng để sản xuất tinh trùng. Khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, dòng máu nóng chảy vào vùng bìu nhiều hơn.
Hậu quả khiến nhiệt độ vùng bìu tăng và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, căn bệnh này còn có thể ảnh hưởng quá trình phát triển bình thường của tinh hoàn hoặc co rút tinh hoàn. Nam giới có thể bị bệnh ở bất kì lứa tuổi nào. Bệnh lý có thể xảy ra cả 2 bên, nhưng ưu thế thường ở bên trái.
Đây là một tình trạng khá phổ biến. Khảo sát cho thấy cứ 100 người nam thì có khoảng 15 người bị bệnh. Tuy nhiên không phải tất cả 15 bệnh nhân này đều gặp vấn đề về vô sinh hiếm muộn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh không liên quan đến các khiếm khuyết khác, không thay đổi nhiều giữa các chủng tộc, các thói quen sinh hoạt. Mặc dù tình trạng này thường được phát hiện khi nam giới đi khám hiếm muộn, nhưng có đến 8 trên 10 người có bệnh không bị vô sinh.
2. Triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh
Bệnh lý này không phải lúc nào cũng gây triệu chứng. Tuy nhiên, một số loại dấu hiệu có thể có nếu mắc bệnh gồm:
- Đau vùng bìu: có thể đau nhiều khi bạn đứng dậy và giảm khi nằm nghỉ. Trường hợp nặng có thể đau liên tục kể cả khi nằm.
- Cảm giác như thể tinh hoàn một bên nặng hơn bên còn lại.
- Triệu chứng sẽ tăng lên dần trong ngày.
- Sưng tấy một bên tinh hoàn.
- Các tinh hoàn có vẻ khác nhau về kích thước. Khi bệnh tiến triển có thể thấy hình ảnh giống “búi giun”.
- Vô sinh: Giãn tĩnh mạch giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Đa số các bệnh nhân vô tình phát hiện bệnh khi đi khám hiếm muộn. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh đều bị vô sinh.
3. Nguyên nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh còn chưa được xác định rõ. Một số chuyên gia tin rằng sự suy yếu của các van trong tĩnh mạch gây nên tình trạng trên. Bình thường, các van này giúp máu lưu thông theo một chiều và không bị ứ đọng lại trong mạch máu. Khi van tĩnh mạch tinh suy, dòng máu sẽ bị giữ lại lâu ngày gây giãn mạch. Điều này có thể làm tổn thương tinh hoàn và dẫn đến hiếm muộn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể bắt đầu từ lúc dậy thì. Thường xuất hiện ở bên trái do tĩnh mạch tinh hoàn trái dài hơn dễ ứ đọng máu hơn. Ngoài ra còn do vị trí giải phẫu đặc biệt giữa tĩnh mạch tinh trái so với tĩnh mạch thận trái- nơi nó đưa máu về có góc nghiêng đặc biệt và thiếu van chống phụt ngược máu.
4. Có cách nào kiểm tra giãn tĩnh mạch thừng tinh?
Thường là không có cách tự kiểm tra, trừ trường hợp bệnh đã nặng. Nếu bạn bị sưng tấy bìu giống như “búi giun”, bác sĩ sẽ khai thác về các triệu chứng bệnh. Sau đó bạn sẽ được thực hiện một nghiệm pháp thăm khám để xác định bệnh. Nghiệm pháp Valsava được thực hiện bằng cách hít sâu và nín thở trong vài giây để lượng máu ứ lại ở tĩnh mạch nhiều hơn. Bác sĩ sẽ thăm khám trong lúc bạn hít sâu để tìm vị trí giãn mạch.
Nếu tình trạng không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm siêu âm vùng bìu. Phương pháp này dùng sóng âm để tái dựng lại hình ảnh bên trong cơ thể bạn và hoàn toàn vô hại.
5. Phân độ giãn tĩnh mạch thừng tinh
Thông qua các triệu chứng và thăm khám giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia thành 5 mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:
- Không có triệu chứng, chỉ phát hiện ra khi làm siêu âm, hay chụp mạch máu.
- Tự sờ được búi mạch khi hít sâu.
- Tự sờ thấy búi mạch trong bìu khi đứng thẳng.
- Nhìn thấy rõ búi tĩnh mạch khi đứng thẳng.
- Thấy được búi tĩnh mạch ngoằn nghèo dưới da dù đứng hay nằm.
Ngoài phân độ qua thăm khám, giãn tĩnh mạch thừng tinh còn có thể được phân độ qua kết quả siêu âm. Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các thông số siêu âm và đưa ra quyết định điều trị phù hợp cho bạn.
6. Chữa giãn tĩnh mạch thừng tinh như thế nào?
Nếu tình trạng trên không gây ra triệu chứng thì đa số không cần chữa trị. Căn bệnh này có thể vô tình được phát hiện khi khám hiếm muộn hoặc kiểm tra tổng quát. Nếu bạn bị sưng đau tinh hoàn, nhận thấy tinh hoàn bất thường về kích thước, sờ thấy khối ở vùng bìu, hay gặp vấn đề về hiếm muộn, nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám xác định bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng trên chứ không chỉ do giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nếu cần thiết phải điều trị, các phương pháp có thể bao gồm:
- Thuốc giảm đau: như paracetamol, ibuprofen nếu bệnh gây đau và khó chịu.
- Thay đổi trang phục: Mặc đồ lót dạng hỗ trợ của vận động viên (jock strap) để hỗ trợ nâng đỡ vùng bìu.
- Phẫu thuật để ngăn máu chảy vào các tĩnh mạch bị giãn sưng.
- Gặp bác sĩ hiếm muộn để thăm khám, điều trị hỗ trợ sinh sản.
7. Các phương pháp phẫu thuật cho giãn tĩnh mạch thừng tinh
- Mổ hở: Phương pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân ngoại trú, có thể thực hiện khi gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Bác sĩ sẽ mở một đường vào tại bìu hoặc vùng bẹn và đến sửa chữa các mạch máu giãn. Bạn có thể quay trở lại hoạt động và làm việc ngay sau 2 ngày. Và có thể vận động cường độ mạnh hay chơi thể thao sau 2 tuần.
- Nội soi ổ bụng: bác sĩ sẽ mở một đường vào nhỏ ở vùng bụng và đưa dụng cụ nhỏ qua đường vào để quan sát và sửa chữa tĩnh mạch thừng tinh. Thủ thuật này được thực hiện qua gây mê.
- Thuyên tắc mạch qua da: Bác sĩ đưa một chiếc ống nhỏ vào tĩnh mạch vùng bẹn hay vùng cổ. Sau khi đến được vùng mạch bị dãn, dưới quan sát bằng siêu âm, bác sĩ sẽ đóng các mạch máu lại để ngăn dòng chảy và sửa chữa GTMTT. Phương pháp này không phổ biến bằng phẫu thuật.
8. Cần làm gì khi tự sờ thấy khối bất thường vùng bìu?
Các bất thường trên đường sinh sản nam có thể biểu hiện qua khối sờ được tại vùng bìu. Các khối này có thể không đáng ngại và không gây tác động nhiều lên sức khoẻ của bạn. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của những tình nguy hiểm, chẳng hạn ung thư tinh hoàn. Các tốt nhất và an toàn nhất là đến thăm khám với bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân ác tính bạn nhé.
Bạn thấy đấy, giãn tĩnh mạch thừng tinh đôi khi diễn ra khá âm thầm không triệu chứng. Tuy nhiên, hậu quả của nó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng làm bố của cánh mày râu. Đừng chủ quan khi thấy những bất thường khó chịu tại vùng kín mà không chịu đến khám bác sĩ.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân Parkinson
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân loét dạ dày tá tràng
Dự phòng và chăm sóc loét ép
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm dạ dày ruột cấp
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân thở oxy
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân hút đờm dãi
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Lập và thự hiện kế hoạch điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân ung thư vú trước và sau khi phẫu thuật
7 Mẹo chăm con nhàn tênh – không lo con ốm
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
Be the first to comment