Mẹ không đủ sửa cho con bú phải làm sao?

Các bạn có bao giờ đặt câu hỏi tại sao các công ty kinh doanh rất kiêng kỵ đặt một sản phẩm khác lên trên họ nhưng các hãng sữa công thức vẫn làm vậy không? Đó là vì trong sữa mẹ có một thứ mà hiện nay chưa có hãng sữa nào tạo ra được đó là KHÁNG THỂ. Đó là sự thật không thể chối cãi nhưng đang được che dấu bởi nhiều thông tin sai sự thật! Hẳn là hầu hết các bà mẹ đều mong muốn có đủ sữa cho con, vì vậy mà Bluecare nhận được rất nhiều câu hỏi “Mẹ không đủ sửa cho con bú phải làm sao?”, và dưới đây là câu trả lời cho cầu hỏi đó, các mẹ cùng tham khảo nhé.

Contents

SỮA MẸ MÓN QUÀ KỲ DIỆU CỦA TẠO HÓA

Chắc hẳn, ai sinh con ra rồi vắt những giọt sữa đầu tiên ra cũng thấy nó rất vàng và sánh. Đó chính là sữa non (colostrum) – lượng sữa giàu chất béo và IgA (loại kháng thể mẹ tổng hợp và đưa vào sữa, các hãng sữa chưa thể tạo ra IgA). Sữa non này nên cho bé uống hoàn toàn vì nó sẽ “tráng” toàn bộ đường ruột của con và giúp tạo ra hàng rào bảo vệ đầu tiên cho cuộc đời con.
Năm 2007, một nghiên cứu tổng hợp (systemic meta analysis) từ hơn 43 nghiên cứu khác nhau đã đưa ra một kết luận rằng: Việc cho trẻ bú sữa mẹ suốt 6 tháng đầu đời giúp giảm tỷ lệ bệnh viêm tai giữa, bệnh đường ruột, bệnh đường hô hấp, hen suyễn, đái tháo đường, béo phì, ung thư, viêm ruột hoại tử…và giảm cả tỷ lệ đột tử sơ sinh (SIDS).
Bên cạnh đó, việc bú sữa mẹ còn giúp giảm tỷ lệ bệnh tật ở mẹ với tỷ lệ đái tháo đường, ung thư vú, ung thư buồng trứng…ở người cho con bú mẹ thấp hơn nhóm không cho bú sữa mẹ.

Ngoài IgA, sữa mẹ còn chứa cả IgG, bạch cầu (tế bào miễn dịch) và hormone tăng trưởng, hormone phát triển niêm mạc ruột…

BÚ MẸ CHO ĐẾN 2 TUỔI!

Xin nhắc lại là bú mẹ cho đến 2 tuổi
Chính vì những tác dụng không thể chối bỏ của sữa mẹ mà hiện nay tất cả các tổ chức y tế uy tín hàng đầu thế giới như World Health Organization (WHO) American Academy of Pediatrics (AAP), American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG United States Preventative Services Task Force đều khuyến cáo “NÊN CHO TRẺ BÚ SỮA MẸ HOÀN TOÀN TRONG 06 THÁNG ĐẦU”.

Nhưng vấn đề ở đây là “Nên”

“Nên” có nghĩa là nếu ta có thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì nên cho SMHT. Nhưng nếu không thể (mẹ bị bệnh nên mất sữa, mẹ bị ung thư, mẹ đang điều trị bệnh lý khác, mẹ đang hóa trị, xạ trị…) thì nên đảm bảo dinh dưỡng cho con bằng sữa công thức.

Có những kẻ “đánh tráo khái niệm” bằng cách đánh vào tâm lý đau khổ của các bà mẹ không có sữa cho con vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Làm họ thêm trầm cảm và stress khi không có sữa cho con. Thay vì nâng đỡ họ, giúp họ thư giãn để giúp họ tạo sữa trở lại thì lại bán những sản phẩm kiểu hỗ trợ này nọ để kinh doanh. Kết quả là khi bà mẹ cố thử trong 3-4 tháng sau thì mất sữa hoàn toàn.

Sữa mẹ là tốt thật. Nhưng xin đừng thần thánh hóa nó lên để rồi chuộc lợi từ nó hoặc kêu gọi tẩy chay những sản phẩm sữa khác. Không phải ai cũng may mắn có đủ sữa cho con hoặc không phải ai cũng có đủ cơ hội tiếp cận thông tin khoa học.

Con càng bú mẹ càng nhiều sữa
Mẹ không đủ sửa cho con bú phải làm sao?

VẬY LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CON CÀNG BÚ MẸ CÀNG NHIỀU SỮA?

Có 2 điều mình cần mọi người lưu ý:

  • Muốn có nhiều sữa thì mọi sự nỗ lực là từ trước khi mang thai. Tìm các tài liệu chính thống từ các bác sĩ mà đọc.
  • Muốn có nhiều sữa thì sự nỗ lực phải từ NGÀY ĐẦU TIÊN SAU SINH

Xin cảm ơn chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy- chị là chuyên gia duy nhất về sữa mẹ tại Việt Nam được tổ chức IBLCE công nhận. Rất cảm ơn chị giúp mình phần sinh lý tiết sữa mẹ để có bài chia sẻ này. Mẹ nào muốn nhiều sữa cho con thì xin đọc THẬT KỸ đoạn này bởi vì chỉ khi hiểu rõ cơ chế sinh lý của nó, chúng ta mới nắm được cách tạo ra nhiều sữa

GIAI ĐOẠN LI:

Từ tuần 16-22, prolactin bắt đầu tiết rồi, nhưng do bánh nhau tiết ra progesterone nên nó ức chế prolactin. Vì vậy giai đoạn này đã có sữa non, nhưng không nhiều, có mẹ có chảy sữa có mẹ không => Vậy thì sữa non đã có sẵn cho con để con dùng trong 2 ngày đầu

GIAI ĐOẠN LII:

Khi bánh nhau bong ra, progesterone giảm đột ngột, prolactin không còn bị ức chế nữa nên quá trình tạo sữa ào ạt xảy ra. Giai đoạn II xuất hiện mạnh mẽ vào 30-40 giờ sau sinh. => Vì vậy 1 số me sẽ bắt đầu cương sữa dần từ ngày 2-3-4-5. Giai đoạn I và II là 2 giai đoạn tạo sữa bằng nội tiết tố.

GIAI ĐOẠN LIII :

Giai đoạn kích thích tạo sữa tại chỗ

Khi bé bú sữa mẹ, các nang chứa sữa sẽ xẹp xuống. Mà em bé bú càng nhiều thì nang sữa càng trống, càng trống thì nó báo hiệu cho cơ thể người mẹ biết để tăng sản xuất sữa và tiết ra lấp đầy nang sữa. Vì vậy, nếu bạn không cho con bú, không có cơ chế làm xẹp nang sữa, tín hiệu sẽ báo lên não là con bạn “đủ” sữa và cơ thể bạn sẽ “giảm tạo sữa lại”.
Nếu vì lí do nào đó trong 2 – 3 ngày đầu mẹ không cho con bú thì cơ chế nội tiết tố vẫn hoạt động giúp mẹ vẫn có sữa cho con. Tuy nhiên, nếu như mẹ không cho bé bú thì giai đoạn III sẽ không hoạt động, vì vậy, cơ thể mẹ sẽ hiểu sai là con “đủ” sữa và không kích thích tạo sữa nữa. Hệ quả là mẹ dần mất sữa về sau.

Tóm lại: “CON CÀNG BÚ SỮA, MẸ CÀNG CÓ SỮA” hay nói cách khác “CÀNG LÀM TRỐNG NANG SỮA THÌ QUÁ TRÌNH TẠO SỮA CÀNG ĐƯỢC KÍCH THÍCH”

Một số quan niệm sai lầm khi mới sinh, sữa mẹ chưa có nhiều nên chêm thêm sữa bình vào. Hệ quả là bé không đói nên không bú mẹ nhiều => không làm trống nang sữa => giảm sữa những ngày sau.

Ngay từ ngày đầu sau sanh, lượng sữa non nhiều và rất đặc, chỉ có bé hút mới ra, nên mẹ sẽ thấy mình không có nhiều sữa, nhưng cứ cho con ngậm ti và bú trọn vẹn. Khi nang sữa xẹp nhiều, cơ chế LIII sẽ giúp não mẹ tiết ra nội tiết tốt kích thích tạo thêm sữa và những ngày sau sữa sẽ về nhiều. Nếu dặm thêm bú bình tại thời điểm này => mẹ rất dễ mất sữa về sau.

Về lực hút sữa từ vú mẹ thì

  • Bé là số 1
  • Vắt tay là số 2 (cái này phải được hướng dẫn đúng kỹ thuật)
  • Máy hút sữa là yếu nhất
    => Vì vậy, không nên lạm dụng máy hút sữa mà nên cho bé bú trọn vẹn nhất.
Mẹ không đủ sửa cho con bú phải làm sao?

THEO THỜI GIAN, SỮA MẸ SẼ MẤT CHẤT?

Một số mẹ hoặc người lớn khi trẻ qua giai đoạn 6 tháng tuổi thì lại cho rằng sữa mẹ mất chất và không còn giá trị dinh dưỡng nữa. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm khác.
Sữa mẹ vẫn sẽ là sữa mẹ cho dù con 6 tháng hay 2 tuổi. Nhưng bạn hãy tự hỏi một điều rằng tại sao lại là 6 tháng mà không phải 9 tháng hay 12 tháng các chuyên gia khuyên nên bắt đầu ăn dặm?
Vì khi mới sinh, con nặng 3kg thì lượng năng lượng là 300kcal/ngày
Rồi khi con 3 tháng là 6kg thì là 600kcal/ngày
Rồi khi con 6 tháng là 7.5kg thì 750kcal/ngày
Năng lượng nhu cầu của con tăng theo cân nặng của con. Vì thế, đến 1 lúc nào đó bú mẹ sẽ không đủ năng lượng cho con và cần dặm thêm thức ăn bên ngoài.

Mẹ không đủ sửa cho con bú phải làm sao?

Không có đứa trẻ nào bú mẹ mãi được vì suy cho cùng, sữa mẹ cũng có ngưỡng. Và đó là khi chúng ta cần bổ sung bằng thức ăn dặm. Và 6 tháng tuổi cũng là lúc hệ tiêu hóa của con có thể tập tiêu hóa những thức ăn dạng lỏng
Một số khuyến cáo mới trẻ 4 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn nhưng không tăng cân thì có thể bắt đầu ăn dặm
Vậy nên

“Khi một ai đó nói rằng hãy cho đứa bé ăn dặm đi, sữa mẹ mất chất rồi. Hãy cười và trả lời rằng: Mình đã hỏi bác sĩ và câu trả lời là SỮA MẸ VẪN LÀ SỮA MẸ, nhưng con lớn nên mình sẽ cho ăn thêm thực phẩm bên ngoài. Tuy nhiên, con sẽ cho con của con bú mẹ cho đến khi 2 tuổi vì đó là cách con tăng cường hệ miễn dịch cho con của mình”

Tóm lại

1. Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Vì nó có chứa kháng thể giúp bảo vệ con nên việc cho con bú tới 2 tuổi là hoàn toàn khoa học. Không hề có chuyện mất chất.

2. Khi con bú mẹ nhiều

Mối gắn kết mẹ – con càng thêm chặt, mẹ sẽ thấy hạnh phúc hơn và chăm con tốt hơn. Con cũng được yêu thương nhiều hơn. Sữa mẹ khi ấy sẽ về nhiều hơn.

3. Xin đừng đả kích nhưng bà mẹ không có sữa.

Hãy cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ họ tìm lại sữa cho con. Trong thời gian đó, chấp nhận dùng sữa công thức thay thế.

Tài liệu tham khảo
1. https://www.who.int/topics/breastfeeding/en/
2. https://apps.who.int/iris/handle/10665/39047
3. https://kellymom.com/hot-topics/milkproduction
4. https://kellymom.com/bf/pumpingmoms/pumping/milkcalc/
5. https://en.wikipedia.org/wiki/Breast_milk
6. Ip S, Chung M, Raman G, et al. Breastfeeding and Maternal and Infant Health Outcomes in Developed Countries. Rockville (MD): Agency for Healthcare Research and Quality (US); 2007 Apr. (Evidence Reports/Technology Assessments, No. 153.) Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK38337/
7. https://www.uptodate.com/c…/infant-benefits-of-breastfeeding
8. Section on Breastfeeding. Breastfeeding and the use of human milk. Pediatrics 2012; 129:e827.
9. Hauk L. AAFP Releases Position Paper on Breastfeeding. Am Fam Physician 2015; 91:56.
10. Ip S, Chung M, Raman G, et al. Breastfeeding and maternal and infant health outcomes in developed countries. Evid Rep Technol Assess (Full Rep) 2007; :1.

“Khi một ai đó nói rằng hãy cho đứa bé ăn dặm đi, sữa mẹ mất chất rồi. Hãy cười và trả lời rằng: Mình đã hỏi bác sĩ và câu trả lời là SỮA MẸ VẪN LÀ SỮA MẸ, nhưng con lớn nên mình sẽ cho ăn thêm thực phẩm bên ngoài. Tuy nhiên, con sẽ cho con của con bú mẹ cho đến khi 2 tuổi vì đó là cách con tăng cường hệ miễn dịch cho con của mình”

Vậy nhé
Bs. Nguyễn Thanh Sang

Xem thêm:

Phản xạ xuống sữa – điều kiện quan trọng để vắt/hút sữa thành công

Làm sao để bé ti mẹ trở lại

Sữa mẹ – các vấn đề và cách xử lý

Hỏi đáp tất cả các vấn đề về sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tắc tia sữa đầu ti- dấu hiệu và cách xử lý

bluecare
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare