TRỌN BỘ BÍ KÍP HIỂU VỀ BÉ 0 – 12 THÁNG TUỔI

Contents

THÁNG 1:

Tuần 1: Khi còn trong bụng mẹ, bé luôn ở tư thế cuộn tròn, nên khi chào đời, bé sơ sinh sẽ trông nhăn nheo một thời gian, chân tay chưa duỗi thẳng. Giai đoạn này, bé sẽ điều chỉnh bản thân với môi trường bên ngoài khác với sự ấm áp, an toàn trong tử cung mẹ. Bạn hãy bọc bé trong một tấm khăn mỏng. mỗi khi bé giật mình, khóc toáng lên.

 Tuần 2: Tầm nhìn vẫn còn khá mờ, chỉ có thể nhìn thấy các vật thể ở khoảng cách gần từ 20 – 38cm, vì vậy bé sẽ nhìn thấy khuôn mặt bạn rõ ràng hơn khi bạn ôm bé thật gần. Các bé có xu hướng nhìn vào lông mày, đường viền tóc hay cử động môi của bạn. Ngay khi bé quen với bạn trong tháng đầu tiên, bé sẽ thích thú với việc trao đổi ánh mắt. Trẻ sơ sinh thích khuôn mặt người hơn là các hình dạng hay màu sắc khác. Tiếp theo những thứ bé quan tâm là vật thể sáng, chuyển động, tương phản cao hay đen trắng…

Tuần 3: Phần nhiều thời gian bé chỉ ngủ, nằm yên, hoặc ngọ nguậy. Cách giao tiếp duy nhất của bé là khóc, nhưng bạn có thể giao tiếp với bé bằng giọng nói và cử chỉ vì các bé có thể nhận ra giọng của mẹ và phân biệt với những giọng khác. Bé cũng thích được ôm ấp, âu yếm, hôn, vuốt ve và ẵm bồng. Bé có thể nói “a” khi nghe thấy giọng hay nhìn thấy khuôn mặt bạn, và bé sẽ háo hức tìm kiếm bạn. Nhưng bé chỉ nhìn được trong phạm vi gần nên bạn hãy cúi gần gương mặt mỗi lần chơi cùng con nhé.

Tuần 4: Bé thích và cần được bú, vì vậy đừng ngăn cản bé, và núm vú của mẹ giúp bé ngoan hơn. Khi không có núm vú hay ngón tay của bạn, bé thậm chí có thể tự mút ngón tay cái hay các ngón tay khác của mình. Bạn nên sử dụng núm vú giả trong lúc ngủ trưa và ban đêm cho con để làm giảm nguy cơ trẻ bị đột tử (SIDS).

THÁNG 2:

Tuần 1: Bé đã có thể tạo ra những âm thanh ríu rít, lảnh lót hay bi bô để thể hiện cảm xúc. Một số bé còn bắt đầu biết thét và cười. Mẹ nên đáp lại và trò chuyện, bé sẽ thích thú khi thấy mẹ nhìn mình trìu mến. Khi bạn bận làm việc nhà, bé sẽ vẫn muốn nghe giọng nói của bạn vang vang trong phòng. Bạn đừng cảm thấy ngớ ngẩn khi bắt chước tiếng bi bô để nói chuyện với bé, vì các bé 2 tháng tuổi thích hợp với cách giao tiếp ở âm vực cao này. Đây là những bước đầu tiên để dạy cho bé về cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ.

Tuần 2: Các em bé 5 tuần tuổi đã biết mỉm cười. Với nhiều bà mẹ, đây chính là khoảnh khắc kỳ diệu nhất nhưng lại đến một cách bất ngờ và ngắn ngủi nhất trong những tháng đầu tiên. Bố mẹ hãy sẵn sàng đón nhận những nụ cười ngây thơ, đáng yêu của bé nhé!

 Tuần 3: Bước qua 6 tuần đầu, bé thường thức lâu hơn vào ban ngày. Trong thời gian này, bạn có thể giúp bé phát triển các giác quan bằng cách hát những bài hát ru yêu thích hoặc bật những bài nhạc nhẹ nhàng vui tươi. Bạn không cần giới hạn cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, có thể bật thể loại nhạc bất kỳ và quan sát bé thể hiện sự thích thú qua những tiếng bi bô và cử chỉ huơ tay, huơ chân.

Tuần 4: Não của bé đang phát triển cả về kích cỡ và độ phức tạp, não sẽ lớn lên khoảng 5cm trong vòng 3 tháng đầu tiên. Những vật thể mới bé chạm vào, những cảnh vật, âm thanh mới đều là cơ hội để bé học hỏi. Cả bồn tắm cũng trở thành nơi để bé tìm hiểu thế giới xung quanh. Có những khoảng thời gian ngắn bé khá im lặng để bé học hỏi, bạn nên sử dụng những khoảng lặng này để gần gũi, nói chuyện với con, hát cho con nghe, tạo hình những hình ảnh trên tường.

THÁNG 3:

Tuần 1: Khả năng nghe của bé tốt hơn và bé có thể phân biệt sự khác nhau giữa những giọng nói quen thuộc và các âm thanh khác. Bố mẹ hãy để ý đến cách bé hay hướng về phía âm thanh phát ra. Nói chuyện có thể giúp bé phát triển các giác quan vì bé sẽ quan sát miệng của mẹ, bị cuốn hút bởi cách nó hoạt động. Bạn sẽ có thể kinh ngạc bởi khả năng giao tiếp của bé qua những tiếng bi bô ngày càng đa dạng. Tiếng cười và những kiểu khóc khác nhau thể hiện các nhu cầu khác nhau của bé.

 Tuần 2: Hầu hết các bé 10 tuần tuổi vẫn thức giấc lúc nửa đêm. Tuy nhiên, thời gian mỗi lần ngủ và thức của bé sẽ dài hơn. Bé có thể có hai đến bốn giai đoạn ngủ dài và thời gian thức có thể lâu đến mười tiếng trong vòng 24 giờ.

Tuần 3: Bạn sẽ nhận ra rằng những cử động ngắt quãng của bé lúc mới sinh đã nhường chỗ cho những chuyển động mượt mà hơn khi bé 2 tháng tuổi, nhất là những lúc bé quan sát mọi người. Hãy cho bé đủ không gian để duỗi và cử động tay chân. Đặt một tấm chăn trên sàn và để bé di chuyển tùy thích. Những vận động này giúp cho việc phát triển cơ bắp của bé 2 tháng tuổi. Khi nằm sấp, bé sẽ bắt đầu đẩy người bằng chân, bước đầu tiên sẵn sàng để bò.

Tuần 4: Đọc sách hoặc kể chuyện cho bé nghe, tai bé sẽ quen với ngữ điệu của ngôn ngữ nói. Bạn nên thay đổi nhịp đọc, sử dụng các âm giọng khác nhau và hát sẽ khiến bé thích thú hơn. Nếu bé nhìn đi hướng khác hoặc giảm sự quan tâm trong khi bạn đọc, bạn nên làm việc khác và để bé nghỉ ngơi. Hãy hành động thích hợp tùy theo phản ứng của bé. Nên chọn những cuốn sách khổ lớn có những hình vẽ, màu sắc tươi vui và câu văn đơn giản hoặc những cuốn sách hình không lời để bạn tự kể lại. Ở giai đoạn này, bạn không phải tuân theo các chỉ dẫn về độ tuổi một cách mù quáng. Những cuốn sách dành cho trẻ ở độ tuổi lớn hơn có thể cuốn hút bé nếu chúng có hình ảnh sinh động, rõ ràng và màu sắc tươi sáng.

THÁNG 4:

Tuần 1: Khi được vài ngày tuổi, bé đã có thể nhận ra mẹ, tuy nhiên tại thời điểm này, khi đã được 3 tháng tuổi, khoảng 50% các bé thể hiện điều đó rõ ràng hơn. Bé vẫn mỉm cười với người lạ, đặc biệt là khi người đó nhìn thẳng vào mắt bé và nói chuyện với bé. Lớn thêm chút nữa, bé sẽ thích ba mẹ và những người gần gũi với bé hơn. Đôi khi bé trở nên im lặng và giao tiếp bằng mắt, tìm kiếm bạn trong phòng, hươ tay một cách hào hứng hoặc cười to khi tìm thấy bạn. Bé cũng cảm thấy dễ chịu khi ngửi hương thơm của bạn. Tuần đầu tiên của bé 3 tháng tuổi, cân nặng có thể dao động trong mức từ 4,6kg -7,4kg.

Ở độ tuổi này, trồi sụt rất nhanh nên mẹ không cần quá lo lắng. Mức suy dinh dưỡng là thấp hơn hoặc bằng 4,6kg, và mmức béo phì là 7,4kg. Tuần tuổi này chiều cao của bé có thể dao động trong mức 55,6 cm – 64 cm.

 Tuần 2: Bé 3 tháng tuổi rất thích được ôm ấp, đụng chạm, vì đó là điều quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển. Tất cả những tiếp xúc cơ thể không chỉ giúp gắn kết bạn và bé mà còn xoa dịu khi bé bị khó chịu hoặc cáu kỉnh. Nên để bé tiếp xúc với những chất liệu khác nhau như lông thú giả, nỉ, vải bông… để bé bắt đầu có nhận thức về sự đụng chạm khác nhau. Bạn cần cẩn thận và không để bé một mình với những thứ có thể nhét vừa miệng bé.

 Tuần 3: Bé đã nhận biết nhiều hơn về thế giới xung quanh và tò mò xem xét mọi thứ ngay cả hình ảnh phản chiếu của chính mình. Hãy đặt bé trước gương vào buổi sáng, bé sẽ không nhận ra rằng đó là hình ảnh của mình trong gương. Thường bé chỉ bắt đầu phân biệt được khi bước vào năm thứ hai trong đời. Bé thích nhìn chằm chằm vào ảnh phản chiếu của chính mình hoặc của người nào khác và bé thể hiện niềm vui thích bằng nụ cười khanh khách.

Tuần 4: Khi được đặt nằm sấp, bé sẽ cố gắng nhấc đầu và vai lên cao bằng cách chống tay. Động tác đẩy nho nhỏ này giúp tăng cường cơ bắp và giúp bé quan sát tốt hơn mọi việc diễn ra. Bé 3 tháng tuổi cũng có thể khiến bạn kinh ngạc bằng cách xoay từ sau ra trước và ngược lại. Bạn nên khuyến khích việc xoay chuyển này bằng trò chơi lắc lư một món đồ chơi về hướng bé thường xoay về và để bé thử lại lần nữa. Vỗ tay và mỉm cười khen ngợi nỗ lực của con. Bé cần được bạn trấn an và khuyến khích vì kỹ năng mới này có thể có đôi chút sợ hãi với bé.

THÁNG 5:

Tuần 1: Bé đã có thể bập bẹ những âm thanh đầu tiên như “ba”, “ma”. Giai đoạn này mẹ nên đáp lời và nói chuyện với bé nhiều để kích thích bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Bạn có thể khuyến khích bé phát triển khả năng ngôn ngữ nhiều hơn bằng cách phản ứng lại hoặc bắt chước nét mặt của bé.

Lúc này, bé đã biết bắt chước và nói theo người lớn. Hãy nói “ba” và bé có thể cố gắng nói lại. Đáp lời, phản ứng lại khi bé làm ồn hoặc cố gắng nói điều gì đó sẽ giúp bé học về sự quan trọng của ngôn ngữ, hiểu rõ hơn về nguyên nhân và kết quả. Điều này tốt cho nhận thức về bản thân đang hình thành của một đứa bé 4 tháng tuổi vì bé sẽ bắt đầu nhận ra rằng những gì bé nói tạo ra sự khác biệt.

Tuần 2: Bé thích tự khám phá và có thể tự mình chơi trong cũi. Lúc này có thể cứ cách vài phút bé lại chơi nghịch với tay chân của mình. Các bé hơn 4 tháng tuổi thường thích thú lặp lại một hành động nhiều lần đến khi chắc chắn về kết quả. Sau đó, bé sẽ thay đổi một chút để xem kết quả có khác biệt không.

 Tuần 3: Các bé đã bắt đầu phát triển cảm giác hài hước. Bé có thể cười về những bất ngờ thú vị, chẳng hạn trò ú òa khi khuôn mặt bạn xuất hiện từ bên dưới tấm chăn hoặc món đồ chơi nhảy ra từ hộp, miễn là không khiến bé giật thót vì quá ồn hoặc quá sửng sốt. Khuyến khích bé bật cười, cười khúc khích hoặc mỉm cười với những khuôn mặt ngộ nghĩnh và nhiều cử chỉ ngớ ngẩn chung chung.

Trẻ nhỏ thích nghe những âm thanh đa dạng và bạn không cần những đồ chơi hay nhạc cụ đặc biệt, chỉ đơn giản như tặc lưỡi, huýt sáo hay những âm thanh của động vật đều khiến bé vui thích.

Tuần 4: Ở thời điểm này, bạn nên kiên trì giữ bé theo một lịch trình nhất định như: cho bé ăn, tắm, mặc đồ ngủ, đọc sách, hát ru hoặc bật vài bản nhạc và rồi đặt bé xuống giường. Khi mẹ xây dựng một lịch sinh hoạt chặt chẽ, bé sẽ dễ chịu và dễ ngủ hơn. Một lịch trình đáng yêu sẽ cho bạn và bé nhiều thời gian để gắn bó và thư giãn.

THÁNG 6:

Tuần 1: Bé vẫn chưa thể diễn đạt cảm xúc của mình theo cách phức tạp như bạn, mặc dù bé có thể cho bạn biết rõ khi bé vui, buồn, khả năng diễn tả tình cảm và khiếu hài hước của bé vẫn đang phát triển.

Khi lớn hơn, bé đã bắt đầu khóc khi bạn ra khỏi phòng và thích thú khi bạn quay trở lại, bé cũng có thể giơ tay lên khi muốn được bế và vỗ vào vai bạn. Có lẽ bạn sẽ thấy bé hiểu được trò đùa của bạn, bé bật cười trước những nét mặt khôi hài và cũng thử làm bạn cười. Cố giữ tiếng cười tuôn tràn bằng những vẻ mặt ngộ nghĩnh của bạn!

 Tuần 2: Bé bắt đầu thể hiện những dấu hiệu sợ người lạ, một trong những sự kiện lớn đầu tiên khá quan trọng về cảm xúc. Bé nép sát vào người thân và lo sợ những gương mặt lạ lẫm xung quanh, thậm chí bé khóc òa lên khi một người lạ bất ngờ tiếp cận bé.

Ghi nhớ điều này khi bạn ở gần những người bé không biết, và cố gắng không bối rối khi bé khóc trong vòng tay người khác. Bạn chỉ cần nhận lại bé và xoa dịu bé bằng cách ôm ấp. Nói với bạn bè và người nhà để họ tiếp cận bé con của bạn từ từ và nhẹ nhàng.

Tuần 3: Bé đã định vị được những đồ vật nhỏ và dõi theo những thứ đang chuyển động. Ở thời điểm này, bé đã có thể nhận ra một đồ vật dù chỉ nhìn thấy một phần của nó, chẳng hạn món đồ chơi yêu thích của bé thò ra dưới một tấm chăn.

Đây sẽ là cơ sở cho những trò chơi trốn tìm nho nhỏ mà bạn sẽ chơi với bé trong những tháng tiếp theo. Bé 5 tháng tuổi cũng có thể theo sau một đồ vật ngoài tầm nhìn của bé. Mẹ cũng bắt đầu phải để ý vì chỉ một giây thôi là bé đã có thể với tới một vật hình khối trên bàn nếu bạn bế bé gần vật đó!

Tuần 4: Bé đã biết nhìn và lắng nghe thế giới gần tốt như người lớn. Khả năng giao tiếp của bé cũng đang phát triển nhanh chóng, thể hiện bằng những tiếng bập bẹ và la hét. Tiếng của bé có thể diễn đạt thái độ, như là hạnh phúc, háo hức, vừa lòng hoặc phản ứng với vật hay người.

Khoảng nửa số trẻ bập bẹ, lặp đi lặp lại một âm như “ba”, “ma”, “ga” hoặc kết hợp các nguyên âm và phụ âm khác. Một số ít bé còn thêm vào một hoặc hai phụ âm, tạo ra âm thanh phức tạp hơn. Bạn có thể khuyến khích bé bằng cách tạo ra trò chơi ví dụ như “Con dê kêu “beeehee”. Hoặc, khi nghe thấy một âm bạn không xác định được, chỉ cần đáp lại một cách nhiệt tình bằng cách “Đúng rồi, đó là chiếc xe! Màu đỏ quá ha con!”. Bé sẽ phấn khích khi bạn giữ cuộc trò chuyện tiếp tục.

THÁNG 7:

 Tuần 1: Bé bắt đầu trở nên hiếu động hơn, thích những bộ quần áo thoải mái. Hãy lựa chọn loại vải mềm để không chà xát cơ thể bé khi cử động. Những bộ đồ rộng rãi, co giãn và dễ thở sẽ cho bé nhiều không gian để vận động hơn.

Tránh những quần áo có chất liệu thô hoặc có mép may cộm ngứa hay có những dây cột dài vì có thể gây nghẹt thở cho bé và bất kỳ những gì có thể ảnh hưởng đến bé lúc ngủ và lúc chơi đùa.

Tuần 2: Lúc này bé có xu hướng hay dùng một bàn tay trong một khoảng thời gian và sau đó lại chuyển sang bàn tay kia. Bạn không thể nói được là bé thuận tay trái hay phải cho đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi.

Đừng cố gắng tác động đến việc ưu tiên dùng tay của bé 6 tháng tuổi vì việc này đã được hình thành trước khi bé chào đời. Ép buộc bé sử dụng một tay khi bé có xu hướng sử dụng tay kia có thể khiến bé nhầm lẫn và dẫn đến những vấn đề trong tương lai về phối hợp tay và mắt, sự khéo tay và chữ viết tay.

Tuần 3: Bé đã có thể tập tự ăn bằng tay, hãy để vài mẩu thức ăn trên khay ăn của bé hoặc cho bé những miếng nhỏ thức ăn của bạn để kích thích vị giác phát triển. Trên hết, mẹ cần rà soát lịch sinh hoạt để tìm ra thời gian nghỉ ngơi ít ỏi cho mình.

Bạn sẽ gặp nhiều thử thách và cần chú ý hơn khi cho bé ăn. Bằng cách chộp lấy chiếc thìa bạn đang cầm trên tay hay giật thức ăn ra khỏi đĩa, bé đang cho bạn biết rằng bé đã sẵn sàng để thử ăn bằng tay. Hãy để vài mẩu thức ăn nhỏ trên đĩa để bé tập ăn. Tốt nhất bạn nên dùng đĩa nhựa hoặc chất liệu không vỡ.

Để làm giảm nguy cơ mắc nghẹn, bạn nên cho bé ăn khi đặt bé ngồi thẳng trong một ghế cao thay vì nằm dựa vào ghế ngồi xe hơi hoặc xe đẩy.

Tuần 4: Bé sẽ có xu hướng bị cuốn hút bởi những con thú nhồi bông lớn và nhỏ. Một trong số đó thậm chí trở thành vật yêu thích của bé. Hẳn nhiên vật cưng này sẽ sớm dính đầy mũi dãi và theo bé đi khắp mọi nơi.

Đừng lo lắng vì một vật cưng “đáng yêu” như vậy có thể là dấu hiệu của tính độc lập đang hình thành. Bé 6 tháng tuổi đang tập tách dần khỏi bạn một cách chậm rãi và chắc chắn bé sẽ trở nên độc lập hơn. Khi thêm một thành viên mới vào gia đình thú bông, hãy tìm loại đồ chơi mềm, được may chắc chắn. Những đồ chơi lành mạnh khác có thể là các loại bóng cỡ vừa và lớn, đồ chơi xây tổ, đồ chơi thú bật và những con búp bê lớn.

Một cách để biết bé có đồ chơi yêu thích không là bạn thử lấy chúng đi. Bạn sẽ thấy biểu hiện phản đối của bé khi lấy đi thứ gì mà bé thật sự thích.

THÁNG 8:

 Tuần 1: Đa số các bé đã có thể bắt đầu tự bốc ăn bằng tay trong khi một số trẻ khác có thể bắt đầu muộn hơn vào lúc 10 tháng tuổi. Khi đến giai đoạn này, bạn có thể thử cho bé tập uống nước bằng bình có quai. Loại bình nước này thường có van ở nắp để bạn có thề điều chỉnh lượng nước nhiều hay ít. Nếu bé gặp khó khăn trong việc hút nước từ vòi, hãy tháo nắp để bé uống trực tiếp từ cốc.

Vận động và tiếp xúc với thế giới nhiều hơn khiến bé dễ bệnh hơn. Mẹ đừng xem nhẹ trực giác của mình, hãy lưu ý với bác sĩ và kiên trì đến khi mọi nghi ngờ về sức khỏe của bé được giải đáp thỏa đáng.

 Tuần 2: Bạn sẽ có lúc phải nhắc nhở hay la bé rằng điện thoại của mẹ không phải là đồ chơi, bé không được vứt trống lắc hoặc không được giật tóc của chị. Ở tháng tuổi này, bé sẽ bắt đầu từ chối làm theo những mệnh lệnh của bạn. Điều này không có nghĩa là bé trở nên cứng đầu, chỉ là do bé tò mò cách phản ứng của bạn mà thôi.

Nhớ rằng bé không thể nhớ những gì bạn đã nói với bé. Khi dạy bé, bạn chỉ cần là dùng một từ đơn giản “Không” và sau đó hướng bé qua việc khác để bé quên đi việc vừa xảy ra.

 Tuần 3: Lúc này răng bé bắt đầu mọc. Thời kỳ mọc răng của bé kéo dài trong khoảng từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Hầu hết các bé nhú chiếc răng đầu tiên, đặc trưng là 2 chiếc răng giữa hàng dưới, vào lúc từ 4 đến 7 tháng tuổi. Nhiều bé bị sốt cao khi mọc răng. Để giúp con giảm bớt khó chịu, mẹ nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, khăn và nước ấm để lau mát

Đừng lo lắng nếu có khoảng cách giữa những chiếc răng sữa. Răng thường mọc ra từ nướu ở những góc kỳ lạ và các khoảng trống thường biến mất vào lúc 3 tuổi sau khi 20 chiếc răng sữa đã xuất hiện. Khi bắt đầu mọc răng, bé sẽ có nhiều nước dãi và la hét nhiều hơn. Bạn cũng sẽ như vậy nếu phải điều chỉnh khi có những thứ mới lạ trong miệng mình.

 Tuần 4: Cảm xúc của bé đã trở nên rõ ràng hơn. Trong vài tháng nữa, bé có thể học cách đánh giá và bắt chước tâm trạng và sẽ cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự đồng cảm. Ví dụ, nếu nghe thấy tiếng khóc, bé có thể sẽ khóc theo. Ngay cả khi chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về cảm xúc của mình, bé đang tiếp nhận mọi thứ từ bạn. Trong nhiều tháng (và năm) tiếp theo, bé có thể sao chép cách bé thấy bạn đối xử với mọi người.

THÁNG 9:

Tuần 1: Bé bắt đầu hiếu động, sẽ có những đồ vật xung quanh bé rơi hoặc đổ vỡ. Đây là một phần tất yếu khi bé phát triển. Mặc dù đôi khi bạn bị thót tim, nhưng bạn cần cố gắng để thưởng thức xem bé 8 tháng tuổi khám phá xung quanh và phát hiện những giới hạn của mình.

Kiềm chế mong muốn bảo vệ bé, để bé tự lớn lên và học hỏi. Tuy nhiên, nỗ lực để khiến ngôi nhà của bạn an toàn cho con. Cách tốt để thực hiện điều này là đặt mình vào vị trí của bé để tìm ra những khu vực có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn giữ những đồ vật dễ vỡ an toàn để không bị ngã đổ và cất những đồ nội thất dễ hư, gãy trong những phòng khóa kín.

Tuần 2: Bé khám phá các đồ vật bằng cách lắc, đập, thả và ném, thậm chí là ngậm chúng. Nên để những vật dụng an toàn, không dễ vỡ ở gần bé để con bạn có thể thỏa sức tìm hiểu.

Bé cũng sẽ bị mê hoặc bởi những đồ chơi có tính năng đặc biệt, như điện thoại. Nếu bé có thể tự giữ nó bên tai, hãy làm như vậy cho bé và giả vờ như có một cuộc trò chuyện. Trong vài tháng tới, bé sẽ bắt đầu sử dụng những đồ vật theo mục đích của nó như chải tóc, uống nước bằng cốc, nói chuyện trên điện thoại đồ chơi của bé.

Tuần 3: Thị lực của bé trước đây ở khoảng 20/40, nay đã phát triển gần như người lớn về mức độ rõ ràng và độ sâu. Bé 8 tháng tuổi có thể nhìn tốt nhất ở tầm gần, thị lực tầm xa của bé cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và các vật trong phòng. Một đứa bé 8 tháng tuổi có thể nhìn thấy món đồ chơi ở góc xa và bò về hướng đó. Màu mắt bé đã ổn định và gần giống với màu mắt khi lớn lên, mặc dù sau đó bạn sẽ thấy có một vài thay đổi.

 Tuần 4: Khi bé bắt đầu chập chững tập đi, bạn thường thắc mắc có nên mang giày cho bé không. Hầu hết các bác sĩ và chuyên gia về phát triển đều cho rằng không cần thiết cho đến khi bé đi vững và đi lại nhiều bên ngoài.

Thật bình thường khi bé 8 tháng tuổi của bạn bước đi xiêu vẹo. Đi chân trần có thể giúp tăng cường cơ bắp chân của bé. Việc cảm nhận những bề mặt tiếp xúc dưới chân có thể giúp bé giữ cân bằng.

THÁNG 10:

Tuần 1: Đây là giai đoạn mà bạn dù để bé ở nhà hay đưa bé cùng đi ra ngoài cũng đều khó khăn với bạn và bé. Bé đã quen thuộc với không gian xung quanh và những gương mặt thân quen, vì vậy việc di chuyển trên đường có thể phá vỡ cảm giác an toàn và thói quen của bé, nhất là khi đến một nơi mới hoặc gặp nhiều người lạ.

Bé không nắm bắt được khái niệm đi du lịch, nhưng bé nhận ra mình ở một nơi xa lạ. Bé có thể trở nên cáu kỉnh, bạn nên chuẩn bị nhiều trò tiêu khiển cho bé như truyện tranh, đồ chơi phát ra tiếng, khối xếp hình, con rối… và tất nhiên cả vật cưng của bé. Nên giảm thời gian gặp những người lạ để bớt căng thẳng cho bé.

Bạn nên mang theo chiếc chăn thân thuộc hay một món đồ chơi ưa thích của bé trong những chuyến đi xa hay khi bắt đầu cho con đi nhà trẻ để giúp bé an tâm khi tiếp xúc với môi trường mới

Tuần 2: Ở giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu ghi nhớ thông tin cụ thể hơn, ví dụ như chỗ để đồ chơi. Bé có thể nhại lại những hành động đã thấy từ tuần trước.

Bé đã có ký ức dù chỉ là khả năng nhớ những chi tiết trong thời gian ngắn. Bé vẫn chưa nhớ hầu hết những gì trải qua. Đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi mới có thể nhớ lâu dài những sự việc xảy ra xung quanh.

 Tuần 3: Những âm điệu, từ ngữ mà bé nghe được từ khi mới ra đời đã ảnh hưởng đến bé. Khi bước sang tháng thứ 10, bé bắt đầu có ý thức muốn sử dụng chúng. Những tiếng bập bẹ của bé giờ chuyển sang huyên thuyên và bắt đầu nghe hơi giống những từ, cụm từ và câu thật sự. Bé sẽ nghĩ là mình đang nói ra điều gì đó, vì vậy bạn hãy đáp lại như thể đang hiểu điều bé nói.

Khi bé 9 tháng tuổi, bé vẫn còn hiểu ngữ điệu của bạn nhiều hơn là lời nói. Bé biết khi nào bạn hài lòng, khi nào bạn tức giận. Nên tận dụng mọi lúc như trò chuyện trực tiếp với bé, nói với bé trong lúc làm việc nhà… sẽ giúp bé học hỏi nhiều hơn về giao tiếp.

Tuần 4: Ở giai đoạn này, cá tính của bé đang dần bộc lộ rõ. Bé có thể rất hòa đồng, cười toe toét với tất cả mọi người bé gặp, hoặc hơi rụt rè, bẽn lẽn khi có người lạ muốn lại gần. Bé có thể rất mạnh dạn hoặc đánh giá tình hình cẩn thận trước khi làm việc gì. Bé thậm chí dễ nổi cáu hoặc thay đổi tâm trạng khá đột ngột.

Bé sẽ làm điệu bộ để bạn quan tâm và có thể vẫy tay tạm biệt khi nhìn thấy bạn đi ra cửa. Bé cũng có thể làm trái ý muốn của mẹ khi bạn cố gắng đặt bé ngồi vào ghế hoặc xe đẩy.

THÁNG 11:

Tuần 1: Bé sẽ có những câu nói ngô nghê và đáng yêu. Nhưng tốt nhất là cố gắng tránh xu hướng dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe những ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé.

Bé chỉ mới bắt đầu hiểu được những từ và cụm từ đơn giản, vì vậy quan trọng hơn tại thời điểm này là thường xuyên nói chuyện với bé. Định hướng cho bé với những mẫu câu đúng bằng cách lặp lại cho bé những từ bé nói với ngôn ngữ của người lớn. Ví dụ, khi bé đòi một vật gì, nhẹ nhàng sửa phát âm của bé bằng cách hỏi lại: “Con muốn cái muỗng phải không?”.

Các mẹ hãy cố gắng tránh dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé.

 Tuần 2: Hầu hết các bé có thể ngồi tự tin và thậm chí có thể đi bộ khi vịn lên đồ đạc một quãng ngắn và đứng mà không cần hỗ trợ. Bé sẽ bước từng bước khi có người giữ và sẽ cố gắng quơ lấy một thứ gì đó trong tầm với.

Sau thời điểm này bé sẽ trở nên độc lập hơn và việc trông giữ bé sẽ vất vả hơn với bạn. Hầu hết các bé tập đi vào khoảng 12 tháng tuổi, nhưng một số bắt đầu sớm hơn. Nếu con bạn chưa đi váo tháng này, đừng lo lắng vì vẫn còn sớm. Một vài bé đợi đến khi 18 tháng tuổi mới bắt đầu bước đi.

 Tuần 3: Bé có thể đi chập chững khi bạn nắm tay bé, đưa cánh tay hoặc chân ra để giúp bạn mặc đồ cho bé dễ dàng. Trong giờ ăn, bé có thể tự uống bằng ly và tự đút ăn. Cũng có một số bé chưa làm tốt trong nhiều tháng hoặc một, hai năm tới.

Khi bé có thể tự uống bằng ly, bạn nên quan sát kỹ vì bé có khả năng quăng nó thay vì đặt xuống sau khi uống xong.

Tuần 4: Bé sắp tròn 11 tháng và bước sang tháng cuối cùng của năm đầu tiên trong cuộc đời. Hiện tại, bé có thể hiểu những chỉ dẫn đơn giản mặc dù có thể làm ngơ khi bạn nói “không”. Kinh nghiệm: Để lời nói có trọng lượng hơn, bạn hãy hạn chế nói “không” và chỉ dùng những lúc quan trọng.

Bé yêu có thể nhớ được những điều bạn nói. Vì vậy, đừng quên giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng cách nói chuyện thật nhiều và đọc truyện cho bé. Ngay cả khi ngày mai bé không nhớ được những gì bạn nói ngày hôm nay, bạn vẫn nên bắt đầu dạy bé những điều quan trọng, như đúng khác với sai, an toàn và không an toàn

THÁNG 12:

Tuần 1: Bé giờ đây đang nói những âm từ rõ ràng hơn và có thể sử dụng một số từ đúng nghĩa. Não của bé đang tiếp tục phát triển trong giai đoạn này khiến khả năng lập luận và phát biểu của bé phát triển theo.

Tương tác với bé bằng cách trò chuyện và khuyến khích con đáp lại sẽ kích thích sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ. Bạn có thể khuyến khích sự quan tâm đến ngôn ngữ và khả năng nghe hiểu của bé bằng những cuộc trò chuyện hai chiều mà bạn đóng vai trò người mong muốn lắng nghe và đáp lại bé. Để rèn luyện kỹ năng ghi nhớ của các bé 11 tháng tuổi, hãy bày những trò chơi như ú òa.

Tuần 2: Các bé ở giai đoạn này rất thích được xem sách và lật giở sách, mặc dù không phải lúc nào bé cũng có thể giở từng trang. Đặc biệt những cuốn sách với hình minh họa lớn nhiều màu sắc hoặc với những trang giấy dán cứng dày dặn để phù hợp với những ngón tay nhỏ xíu.

Để thêm đa dạng cho giờ đọc của bé và tìm ra những sách lôi cuốn nhất, chọn sách truyện dành riêng cho trẻ nhỏ 1 tuổi trong nhà sách.

Tuần 3: Là thời điểm tốt để mẹ có thể hướng dẫn về khái niệm giúp đỡ mặc dù bé chưa thể nắm bắt được ngay. Đến lúc chập chững đi, bé sẽ hào hứng giúp sắp xếp đồ chơi và nhặt những đồ ăn nhẹ vương vãi. Nhấn mạnh các từ “con giúp mẹ… nhé”, “cảm ơn con” để tạo cho bé thói quen lặp lại những từ này với bạn một ngày nào đó.

Mẹ đã có thể bắt đầu những bài học tuyệt vời về giúp đỡ và cảm ơn với trẻ 11 tháng tuổi, đồng thời mẹ cũng có thể tham khảo gợi ý tiết kiệm chi tiêu mua sắm thực phẩm trong gia đình

 Tuần 4: Nếu bé vẫn chưa biết đi, chỉ trong thời gian ngắn nữa bé sẽ bước những bước đầu tiên. Thậm chí, nếu bé bắt đầu biết đi vào lúc 17 hoặc 18 tháng tuổi cũng hoàn toàn bình thường.

Bạn có thể khuyến khích bé tập đi bằng cách đứng hoặc quỳ trước mặt bé và đưa tay ra. Bạn có thể nắm cả hai tay bé và dẫn bé bước về phía bạn. Như những trẻ khác, bé sẽ bắt đầu những bước dài đầu tiên với cánh tay dang ra để giữ thăng bằng và khuỷu tay hơi cong, bàn chân của bé sẽ quay ra ngoài và bụng ưỡn về phía trước trong khi mông nhô ra phía sau. Tất cả các hành động này cũng là để giữ thăng bằng.

Bạn luôn phải đảm bảo cho bé có một môi trường an toàn để thực hành những kỹ năng mới. Bạn chú ý an toàn cho bé và không bao giờ để bé một mình. Hãy giữ máy ảnh sẵn sàng vì đây là lúc bạn có thể lưu giữ những hình ảnh đáng yêu nhất.

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare