Trẻ bị ngộ độc thực phẩm: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý nhanh

Trẻ bị nôn và đi ngoài nhiều lần sau khi ăn là dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn. Con thường nôn thốc nôn tháo hay tiêu chảy liên tục khiến mẹ lo sốt vó cả lên. Điều quan trọng lúc này là mẹ cần giữ bình tĩnh để xác định cần làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn. Nếu mẹ xử trí không đúng cách có thể làm trẻ bị ngộ độc nặng hơn. Do đó, mẹ tìm hiểu cách sơ cứu nhanh giúp con giảm nhẹ triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhé. 

Contents

Dấu Hiệu Trẻ Bị Ngộ Độc Thức Ăn

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm điển hình mẹ dễ nhận thấy là:

  • Buồn nôn, nôn nhiều từ 5 lần trở lên trong vòng 24h.
  • Đau bụng, tiêu chảy nhiều hơn 5 lần/ngày, phân toàn nước, có thể lẫn máu.
  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao, trẻ lớn thì ít sốt hơn.
  • Mệt mỏi, chán ăn.

Biểu hiện của ngộ độc thức ăn thường xuất hiện trong vòng 5-10 phút hay vài giờ sau nhiễm độc. Nhưng cũng có những trường hợp sau 1-2 ngày, trẻ mới bắt đầu biểu hiện. Thời gian biểu hiện càng lâu thì mức độ ngộ độc có thể càng nặng. Mẹ nên lưu ý quan sát các biểu hiện của con để xử trí đúng cách.

Tùy vào mức độ nhiễm độc nặng hay nhẹ mà trẻ có một, hai hay tất cả biểu hiện trên. Ngay khi nhận ra các dấu hiệu trên, mẹ nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu dưới đây.

Mẹ cần biết: Một số cảnh báo bệnh khi trẻ nôn | Vinmec

Sơ Cứu Nhanh Cho Trẻ Bị Ngộ Độc

Mẹ nên làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn? Việc cấp thiết nhất là nhanh chóng đẩy hết chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, mẹ ghi nhớ 3 việc quan trọng cần làm ngay như sau:

Giúp Trẻ Nôn Chất Độc Ra Ngoài

Cách này áp dụng với trẻ không buồn nôn: mục đích là hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể. Cách làm:

  • Chuẩn bị một chậu to, khăn lau và 1 ly nước ấm.
  • Có thể cho trẻ uống 1 ly nước đầy pha một muỗng muối nhỏ để trẻ dễ nôn hơn.
  • Mẹ rửa sạch tay với xà phòng, đeo gạc rơ lưỡi vào ngón tay.
  • Ngoáy nhẹ trong cuống họng, gần lưỡi gà. Mẹ nhẹ tay thôi để tránh con bị trầy xước nhé.
  • Cho con ngồi để con không bị sặc khi nôn.
  • Trẻ không ngồi được: mẹ đặt trẻ nằm nghiêng và kê đầu con thấp. Như vậy khi nôn, chất nôn sẽ không trào ngược vào phổi của con.
  • Trẻ bị hôn mê: mẹ không kích thích nôn vì có thể gây sặc, ngạt đường thở. Trường hợp này, mẹ nhanh chóng đưa con đến bệnh viện cấp cứu.

Trẻ sơ sinh bị nôn trớ liên tục do đâu?

Giữ Lại Mẫu Bệnh Phẩm Nghi Ngờ Gây Ngộ Độc

Mẹ nên giữ lại phần thức ăn thừa nghi gây ngộ độc, nhãn mác, thông tin sản phẩm,… Và một phần nhỏ chất nôn của trẻ.

Trong trường hợp ngộ độc nặng, mẹ đưa trẻ đến bệnh viện nên mang theo những bệnh phẩm này. Đây là những thông tin quý giá giúp bác sĩ nhanh chóng xác định nguyên nhân trẻ bị ngộ độc.

Bổ Sung Nước Và Điện Giải

Trẻ bị nôn và đi ngoài phân lỏng nhiều nước nên cơ thể sẽ bị mất nước nhiều. Tình trạng này có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ em. Đối với trẻ, dù chỉ mất một lượng nước nhỏ nhưng so với tổng thể trạng thì vẫn là nhiều. Vì vậy, mẹ chú ý bù nước và dung dịch điện giải như oresol, hydrite đầy đủ cho con.

Trên thực tế, oresol, hydrite có vị mặn hơi khó uống nên đa số các con sẽ không chịu uống. Nhiều mẹ chiều ý con, cho con uống nhiều nước lọc thay thế điện giải là không đủ. Vì trong nước lọc không chứa điện giải. Thay vào đó, mẹ có thể cho trẻ uống nước gạo rang, nước canh, nước dừa,…

Ngoài ra, nếu mẹ chưa hiểu rõ về ngộ độc có thể nhầm lẫn về mục tiêu cần chăm sóc. Trẻ bị sốt nôn và đi ngoài, các mẹ thường theo thói quen tập trung hạ sốt cho trẻ. Nhưng thực sự sốt không đáng lo ngại do trẻ bị ngộ độc thức ăn thường không sốt quá cao. Con sẽ tự hạ sốt sau khi tống được phần lớn độc tố ra khỏi cơ thể. Điều quan trọng mà các mẹ cần chú ý là tình trạng mất nước của con. Do đó, trẻ bị sốt nôn và đi ngoài, mẹ tập trung bù nước và điện giải cho con là chính nhé.

Theo Dõi Các Dấu Hiệu Nguy Hiểm Của Trẻ

Riêng các trường hợp ngộ độc nặng, trẻ bị sốt, nôn và đi ngoài nhiều có thể bị kiệt sức. Trẻ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, mẹ luôn quan sát con để có thể nhanh chóng nhận ra những biểu hiện bất thường. Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn kèm những biểu hiện sau cho thấy trẻ đang gặp nguy hiểm.

  • Dấu hiệu nặng ở đường tiêu hóa: nôn mửa, tiêu chảy liên tục. Phân lẫn máu, chất nhầy.
  • Mất nước: mắt trũng, khát nước, tiểu ít trong 4-6h, lừ đừ, ngủ li bì gọi khó dậy.
  • Rối loạn thần kinh: nhìn mờ, nhìn một thành hai, nói khó, nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt. Trẻ chưa nói sõi mẹ nhận diện khi gọi trẻ mà trẻ không phản ứng hay phản ứng chậm.
  • Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
  • Trẻ sốt cao trên 38.5ºC.
  • Đau ở những vị trí khác như: đau ngực, cổ, hàm, họng,…
  • Nôn hay tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

Ngộ độc, bé sơ sinh có làn da đổi thành màu xanh, máu màu nâu - Báo Người  lao động

Mẹ nên làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn có dấu hiệu nguy hiểm? Mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện cấp cứu để các bác sĩ thăm khám và chăm sóc. Mẹ đừng quên mang theo các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ gây ngộ độc nhé.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra tình trạng mất nước. Nếu trẻ bị mất nhiều nước sẽ được chỉ định truyền dịch để bổ sung điện giải. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ xét nghiệm máu, cấy phân,… để xác định nguyên nhân bệnh.

Lưu Ý Khi Chăm Sóc Trẻ Tại Nhà

Sau khi mẹ sơ cứu nhanh, nếu trẻ vẫn tỉnh táo thì có thể trẻ chỉ bị ngộ độc nhẹ. Mẹ tiếp tục bổ sung nước và điện giải cho đến khi trẻ khỏe hẳn. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc, mẹ lưu ý thêm những yếu tố sau:

  • Cho con nghỉ ngơi nhiều do trẻ bị sốt nôn và đi ngoài nhiều thường rất mệt.
  • Để dạ dày được nghỉ ngơi hoàn toàn. Mẹ cho trẻ ăn lại ít nhất sau 6h kể từ lần cuối trẻ bị nôn và đi ngoài.
  • Thức ăn nêm nhạt, ít béo và dễ tiêu hóa. Một vài gợi ý như: cháo, bột yến mạch, trái cây mềm,…
  • Giảm khẩu phần ăn, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Sau khi trẻ hết ngộ độc, mẹ vẫn duy trì cho con ăn thêm 1 bữa/ngày trong 2 tuần.
  • Sữa chua ít đường hay cốm vi sinh đặc biệt tốt cho trẻ giai đoạn này. Quá trình trẻ bị nôn và đi ngoài nhiều đã làm đường ruột trẻ mất một lượng lớn lợi khuẩn. Các thực phẩm này sẽ nhanh chóng cân bằng hệ vi sinh, giúp con bảo vệ đường ruột và tiêu hóa tốt.

Nguyên Nhân Trẻ Bị Ngộ Độc Thức Ăn

Các thủ phạm gây ra triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… Trong đó, dựa vào dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn, mẹ phần nào dự đoán được nguyên nhân. Cụ thể:

  • Virus, vi khuẩn và độc tố của chúng: biểu hiện của ngộ độc thức ăn chỉ xuất hiện ở đường ruột. Trẻ bị sốt nôn và đi ngoài nhiều, đau bụng, khát nước, khô môi (mất nước),…
  • Nhiễm chất độc hóa chất: hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu,… Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm biểu hiện ở đường tiêu hóa và các cơ quan khác. Mẹ hỏi xem con có đau đầu, chóng mặt không? Nếu trẻ nhỏ thì xem con có đứng vững, đưa đồ chơi trước mặt con có cầm nắm chính xác? Dấu hiệu tim mạch như nhịp tim nhanh, trụy mạch,…
  • Thực phẩm chứa độc tố tự nhiên: sắn, măng, cá nóc, cóc,… Trẻ bị nôn và đi ngoài trong vòng 6h sau khi ăn. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện tê chân tay đến tê liệt toàn thân, ảo giác, nói khó, khó thở,…

Trong đó, virus chiếm phần lớn các ca ngộ độc nhưng thường không nghiêm trọng. Mẹ có thể chăm sóc và điều trị cho con tại nhà. Các nguyên nhân còn lại tùy từng trường hợp mà bác sĩ có phác đồ điều trị riêng.

Phòng Tránh Ngộ Độc Thức Ăn

Trẻ bị sốt nôn và đi ngoài sẽ chấm dứt triệu chứng ngộ độc thực phẩm trong vòng 2-3 ngày. Điều đáng nói ở đây là con cần thời gian phục hồi dài mới mong lấy lại được “phong độ”. Do đó, tốt hơn hết là mẹ chú ý phòng tránh ngộ độc thực phẩm nhé.

Những việc này các mẹ vẫn đang thực hiện hàng ngày. Nhưng mẹ cũng biết đấy, tình hình an toàn thực phẩm hiện nay rất phức tạp. Vì vậy, mẹ nên lưu ý:

  • Không cho trẻ ăn ở các hàng, quán bán rong trên vỉa hè hay lề đường.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi.
  • Không dùng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay quá hạn sử dụng.
  • Nên mua thực phẩm ở cửa hàng uy tín, hàng hóa được kiểm định chất lượng.
  • Nguyên liệu trước khi được chế biến phải rửa sạch với nhiều nước. Mẹ có thể ngâm qua nước muối loãng.
  • Chế biến và bảo quản đúng cách.
  • Không để lẫn thức ăn sống với thức ăn đã nấu chín.
  • Chế biến, bảo quản thức ăn bảo đảm vệ sinh, nên chia khu vực thức ăn sống và đã nấu.
  • Không cho trẻ ăn đồ sống như gỏi, thịt tái, rau sống,… Không cho trẻ ăn thức ăn cũ, để qua đêm hay hâm lại nhiều lần.
  • Luôn rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Với những bước đơn giản như vậy, chắc chắn ngộ độc thức ăn sẽ tránh xa gia đình mẹ đấy!

Kết Luận

Khi có dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn, mẹ cần nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu. Mẹ cũng thấy rồi đấy các thao tác sơ cứu dễ thực hiện và cũng rất cần thiết. Những bước này mẹ làm tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phục hồi của con. Điều cần nhất là mẹ luôn bình tĩnh để đánh giá tình trạng của con và xử trí đúng cách.

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*