TẮM NẮNG SAO CHO ĐÚNG CÁCH?

BẠN ĐÃ BIẾT TẮM NẮNG ĐÚNG CÁCH?
( ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan – Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115)

1. Đầu tiên, xin bác sĩ cho biết ánh nắng có vai trò như thế nào với hệ thống xương khớp của con người ạ?

Từ đầu thế kỷ XX, người ta đã nhận thấy những trẻ em bị còi xương khi tiếp xúc với ánh mặt trời thì triệu chứng được cải thiện. Các nhà khoa học sau đó đã phát hiện ra rằng trẻ em khi tiếp xúc với ánh nắng sẽ tổng hợp ra vitamin D – một chất rất quan trọng với xương. Thiếu vitamin D sẽ gây còi xương ở trẻ em, nhuyễn xương ở người lớn và loãng xương ở người già. Đồng thời thiếu vitamin D cũng gây yếu cơ.

2. Trong quá trình sinh trưởng của một người, việc tắm nắng ở giai đoạn nào là quan trọng nhất, thưa bác sĩ?

Do vitamin D cần thiết cho sức khỏe xương trong suốt cuộc đời nên việc tắm nắng thường xuyên là rất quan trọng, từ nhũ nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên cho đến cao niên.
3. Hiện nay, gần như tất cả các bà mẹ đều được hướng dẫn cho trẻ sơ sinh tắm nắng vào lúc sáng sớm. BS có ý kiến thế nào về việc này ạ?

Theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em dưới 6 tháng tuổi có làn da rất non nớt nên chống chỉ định tắm nắng dù ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Để tránh tình trạng còi xương do thiếu vitamin D, tất cả trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được bổ sung vitamin D nhỏ giọt (400 đơn vị/ ngày).
4. Có rất nhiều thông tin đề cao công dụng của việc tắm nắng như: ngăn ngừa loãng xương, ngừa béo phì, tăng cường chức năng gan thận, tăng cường hệ miễn dịch, giúp ngủ ngon, chống stress, chống ung thư… Theo bác sĩ, những thông tin này có xác đáng và đầy đủ chưa ạ?

Cho đến thế kỷ XI, các nhà khoa học đã tìm thấy vitamin D không chỉ đơn thuần là một loại vitamin mà thật sự là một nội tiết tố tan trong mỡ. Thụ thể với vitamin D có trong rất nhiều mô trong cơ thể.

Thiếu vitamin D gắn liền với các rối loạn chức năng của hệ miễn dịch, hệ nội tiết, hệ tim mạch… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, ung thư, tự miễn, đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn cảm xúc theo mùa (hay gặp vào mùa đông ở các nước ôn đới).

5. Trước nay, mọi người ít đề cập tới tắm nắng buổi chiều. Xin bác sĩ cho biết, tắm nắng sáng hay chiều thì tác dụng có khác nhau không ạ?

Trước tiên, chúng ta cần biết về sự khác biệt của ánh nắng giữa các thời điểm trong ngày. Ánh nắng mặt trời gồm nhiều loại tia khác nhau được phân theo bước sóng, bao gồm: tia nắng nhìn thấy được và tia cực tím (tia UV).

Tia nắng nhìn thấy được giúp chúng ta nhìn thấy màu sắc và giúp ích cho hiện tượng quang hợp trong khi tia UV ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tia UV lại gồm 3 loại khác nhau: Tia UVA, UVB, UVC trong đó tia UVC có bước sóng ngắn nhất (200-290nm) bị hấp thu hoàn toàn khi đi qua tầng ozon nên không chạm tới mặt đất nên không ảnh hưởng đến chúng ta.

Tia UVB có bước sóng 290-320nm là loại tia duy nhất giúp tổng hợp vitamin D ở da. Tuy nhiên, tia UVB bị hấp thu khoảng 95% khi đi qua tầng ozon.

Đường đi của tia càng ngắn thì tia càng mạnh, và hiện tượng hấp thu này càng nhiều khi đường đi của tia UV càng dài (tức ánh nắng chiếu xéo). Do đó, vào lúc giữa trưa, tia chiếu thẳng đứng xuống mặt đất là tia mạnh nhất nhưng cũng chỉ chiếm 5% của tia UV.

Vào lúc sáng sớm, tia UVB gần như bị hấp thu hoàn toàn bởi tầng ozon và không tới mặt đất. Tương tự, vào buổi chiều tia nắng đi xéo thì lúc này, trong tia nắng cũng không có tia UVB. Ngoài ra, UVB cũng bị ngăn cản bởi nước, mây, kính thủy tinh, quần áo.

Ngược lại, tia UVA với bước sóng 320-400nm có thể xuyên suốt nước, mây mù, thủy tinh, quần áo và chiếm tới 95% tia UV. Tia UVA có thể xuyên qua da đến lớp màng đáy khi tiếp xúc kéo dài, UVA gây tổn thương da là nguyên nhân chính của nhăn da, sạm da và ung thư.

Tia UVB dù giúp tổng hợp vitamin D là một chất quan trọng cho hệ xương khớp tuy nhiên nếu tiếp xúc lâu có thể gây cháy da do nắng, nám da và ngay cả ung thư.

Như vậy, để tốt cho hệ xương khớp chúng ta cần phơi nắng từ khoảng 9-10 giờ sáng và 3-4 giờ chiều, không nên phơi nắng từ 11-2 giờ do tia UVB mạnh nhất vào buổi trưa nhưng tia UVA cũng rất mạnh có thể gây tổn thương da. Đồng thời phơi nắng vào trước 9 giờ hoặc sau 4 giờ thì tia nắng chỉ có tia UVA, có thể gây nhăn da và teo da chứ không có ích cho sức khỏe.
6. Có phải nắng từ 10-15 giờ là có hại nhất và chúng ta nên che chắn kỹ, càng ít tiếp xúc càng tốt?

Như giải thích ở trên, trong khoảng từ 10-15 giờ là tia UVB mạnh nhất nên chúng ta chỉ cần ra nắng khoảng vài phút (dưới 5 phút) với tay trần, chân trần là đã có đủ lượng vitamin D đủ sử dụng trong cả tuần. Tuy nhiên, tia UVA cũng rất mạnh do đó nguy cơ teo da, sạm da và ung thư sẽ tăng lên.

Do vậy, tùy theo cân nhắc của mỗi cá nhân, nếu không sợ bị nám da và cần vitamin D từ ánh nắng mặt trời, bạn có thể phơi nắng trong khoảng thời gian này chứ không phải là càng ít tiếp xúc càng tốt. Tuy nhiên, chỉ phơi nắng trong thời gian ngắn, không nên kéo dài vì có thể gây nhiều tác hại.

7. Xin bác sĩ cho biết vào mùa đông như ở miền Bắc thì việc tắm nắng nên tiến hành vào lúc nào, kéo dài bao lâu?

Vào mùa đông ở miền Bắc thường có mưa và sương mù, thì như vậy tia UVB sẽ bị ngăn cản gần hết do đó chỉ có thể phơi nắng khi trời thoáng và có nắng đồng thời sẽ phơi vào khoảng sau 10 giờ hoặc trước 3 giờ để có thể đón nhận được tia UVB.

8. Ngồi trong nhà hay ngồi trong xe ôtô để tắm nắng thông qua cửa kính thì có ích lợi hơn so với tắm nắng ngoài trời không ạ?

Tia UVB bị ngăn cản bởi cửa kính trong khi tia UVA có thể xuyên qua được do đó nếu tắm nắng thông qua cửa kính khi ngồi trong nhà hoặc xe ô tô thì chỉ nhận được các tác hại của UVA và không có nhận được lợi ích từ tia UVB.

Ngoài giảng dạy và điều trị lâm sàng, ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan còn tham gia nghiên cứu khoa học. Công trình VOS do ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan chủ trì với sự chung sức của 4200 tình nguyện viên và 50 bác sĩ, sinh viên y khoa đã mang lại nhiều thông tin quý báu về sức khỏe của người Việt Nam. Ảnh: Viết Hưởng

9. Những ai không nên tắm nắng, thưa bác sĩ? Nếu tắm nắng sai cách gây ra những hậu quả gì ạ?

Tắm nắng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, do đó chỉ chống chỉ định trong một số trường hợp bệnh lý đặc biệt như ung thư da, lupus ban đỏ hệ thống; thận trọng ở những bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc làm tăng nhạy cảm ánh sáng như tetracycline, quinolone, qiunidine, xạ trị…

Nếu tắm nắng sai cách có thể gây ra một số hậu quả cấp như bỏng da do nắng hoặc mạn tính như nhăn da, lão hóa da, sạm da và tăng nguy cơ ung thư da.

10. Những việc không được làm ngay sau khi tắm nắng là gì ạ?

Tắm nắng là một hoạt động đơn giản và như là một sinh hoạt hằng ngày do đó không cần phải quan tâm không được làm gì hay cần làm gì sau khi tắm nắng.

11. Màu sắc đóng vai trò khá quan trọng trong việc lựa chọn trang phục chống nắng. Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách chọn màu sắc trang phục có tác dụng chống nắng ạ.

Màu tối sẽ có tác dụng hấp thu tia UV, đặc biệt tia UVB, và không chỉ màu sắc, loại vải, độ dày của vải cũng ảnh hưởng đến tia UV. Các loại vải dày và plastic sẽ hấp thụ tia UV nhiều hơn các loại vải mỏng, làm bằng chất liệu cotton, silk.

Như vậy, để tránh đen da, mình sẽ mặc các màu tối như là đen, xanh đen, tím đậm. Tuy nhiên, các trang phục này sẽ ngăn cản hoàn toàn tia UVB, chúng ta sẽ không có được tia UVB.
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan là một trong 3 nữ nhà khoa học nữ VN nhận giải thưởng L’Oréal – UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học năm 2015.

Kết quả hình ảnh cho TẮM NẮNG SAO CHO ĐÚNG CÁCH

bluecare
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare