Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ sơ sinh cần được tắm nắng để cung cấp vitamin D, đồng thời phòng tránh bệnh vàng da. Tuy nhiên, Các chuyên gia y tế, đã chỉ ra rằng Tắm nắng chữa vàng da cho trẻ là sai lầm nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ...
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
ThS.BS Nguyễn Thị Kim Anh – Khoa Sơ sinh, BV Nhi đồng 2 – cho biết: Bệnh vàng da là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh, do tăng bilirubin gián tiếp (sắc tố mật) trong máu. Vàng da có mức độ nhẹ là vàng da sinh lý (trẻ bị vàng da trong 2 tuần đầu sau sinh, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác, trẻ vẫn bú tốt, tăng cân, đi phân vàng…). Trẻ sẽ dần dần tự khỏi mà không cần chiếu đèn.
Đối với vàng da bệnh lý, trẻ thường có biểu hiện vàng da xuất hiện sớm sau sinh, mức độ vàng da đậm, toàn thân xuống tới lòng bàn chân, nếu ảnh hưởng thần kinh trẻ sẽ có triệu chứng bất thường: lừ đừ, bỏ bú, khóc thét, co gồng, ngưng thở. Trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý cần phải được chỉ định chiếu đèn và có thể phải thay máu nếu chỉ số bilirubin gián tiếp quá cao có khả năng ảnh hưởng não, đặc biệt xảy ra ở trẻ và mẹ bất đồng nhóm máu ABO hay Rhesus.
Xem thêm: Hướng dẫn chiếu đèn điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh
Tắm nắng chữa vàng da cho trẻ: Sai lầm nguy hiểm
BS Kim Anh nhấn mạnh: “Quan niệm tắm nắng cho trẻ có thể chữa được bệnh vàng da là sai lầm và có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì không được điều trị kịp thời. Bởi bản chất việc tắm nắng là để phụ huynh dễ dàng nhận thấy màu da của con có sự thay đổi, không có khả năng đẩy lùi bệnh. Nếu bệnh vàng da bệnh lý không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bị biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin gián tiếp thấm vào não, hậu quả trẻ sẽ tử vong hoặc bại não suốt đời. Do đó, để nhận biết trẻ bị vàng da sinh lý hay bệnh lý, cha mẹ cần đưa con đến BV có chuyên khoa nhi để được khám, kiểm tra và điều trị kịp thời”.
Tắm nắng bổ sung vitamin D – Sai lầm kinh điển
BS Nguyễn Trí Toàn – Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare – cho hay: Muốn bổ sung vitamin D cho trẻ thì trong ánh nắng mặt trời phải có tia cực tím loại B (tia UVB), trong khi đó ánh nắng vào buổi sáng trước 10 giờ và sau 3 giờ chiều không có tia UVB. Tức là việc tắm nắng, phơi nắng buổi sáng sớm là vô ích. Do đó, muốn cho con tắm nắng để tổng hợp vitamin D là phải cho trẻ tắm nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ trưa – 3 giờ chiều. Tuy nhiên mức độ tia UVB, UVA trong khung giờ trên rất độc cho da, có thể làm phỏng, tăng nguy cơ bị ung thư da, da nhăn nheo, lão hóa sau này. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, da rất mỏng, hệ thống bảo vệ da rất kém nên nguy cơ trên càng cao hơn nhiều lần. Do vậy, trên thế giới không có khuyến cáo tắm nắng hay phơi nắng cho trẻ. Bên cạnh đó, tia UVB còn có những nguy cơ gây các bệnh về mắt cho trẻ như đục thủy tinh thể. Ngoài ra, việc phơi nắng cho trẻ ở các TP lớn có thể khiến trẻ vô tình hít phải lượng khói bụi, ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bài viết cùng chủ đề, bổ sung thông tin:
Tổng quan các phương pháp điều trị vàng da cho bé
Con bị vàng da kéo dài – Mẹ phải làm gì?
Thời gian vàng để điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả.
Tắm nắng có chữa được vàng da không?
Tự chữa vàng da tại nhà – Bé sơ sinh phải nhập viện điều trị đặc biệt
9 Biện pháp chữa vàng da sơ sinh tại nhà.
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare