Phục hồi chức năng hô hấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD (BPTNMT) phục hồi chức năng hô hấp giúp làm giảm triệu chứng khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tăng khả năng gắng sức, giúp ổn định hoặc cải thiện bệnh. Giảm số đợt kịch phát phải nhập viện điều trị, giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.

Song song với giáo dục sức khỏe và tư vấn giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Thì các biện pháp vật lý trị liệu hô hấp đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật cải thiện thông khí, ho khạc đờm, học các bài tập thể dục và vận động để tăng cường thể chất, khắc phục hậu quả căn bệnh. Các bài tập cần được thiết kế phù hợp với mỗi bệnh nhân.

Contents

Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

1. Phương pháp thông đờm làm sạch đường thở

Phục hồi chức năng hô hấp, trong đó đầu tiên là phương pháp thông đờm làm sạch đường thở. Mục đích giúp bệnh nhân biết cách loại bỏ đờm, dịch tiết phế quản làm cho đường thở thông thoáng.

Phục hồi chức năng hô hấp trong COPD

Áp dụng cho những bệnh nhân có nhiều đờm gây cản trở hô hấp hoặc gặp khó khăn khi khạc đờm.

  • Ho có kiểm soát: Ho thông thường là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống những vật “lạ” ra ngoài. Để thay thế những cơn ho thông thường dễ gây mệt, khó thở, cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng kỹ thuật ho có kiểm soát.
  • Ho có kiểm soát là động tác ho hữu ích giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở và không làm cho người bệnh mệt, khó thở… Mục đích của ho có kiểm soát không phải để tránh ho mà lợi dụng động tác ho để làm sạch đường thở.

Ở bệnh nhân BPTNMT cần có một luồng khí đủ mạnh tích lũy phía sau chỗ ứ đọng đờm để đẩy đờm di chuyển ra ngoài.

1.1 Kỹ thuật ho có kiểm soát.

  • Bước 1: Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái.
  • Bước 2: Hít vào chậm và thật sâu.
  • Bước 3: Nín thở trong vài giây.
  • Bước 4: Ho mạnh hai lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.
  • Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.

1.2 Bệnh nhân cần lưu ý 

-Khạc đờm vào lọ để xét nghiệm hoặc khạc vào khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác để tránh lây nhiễm.

Khi có cảm giác muốn ho, đừng cố gắng nín ho mà nên thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát để giúp tống đờm ra ngoài.

Tùy lực ho và sự thành thạo kỹ thuật của mỗi người, có khi phải lặp lại vài lần mới đẩy được đờm ra ngoài.

Một số người bệnh có lực ho yếu có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh.

Kỹ thuật thở ra mạnh: Nhằm thay thế động tác ho có kiểm soát trong những trường hợp người bệnh yếu mệt, không đủ lực để ho.

  • Bước 1: Hít vào chậm và sâu.
  • Bước 2: Nín thở trong vài giây.
  • Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài.
  • Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lập lại.

Bệnh nhân nên lưu ý: Để hỗ trợ thông đờm có hiệu quả người bệnh cần:

Uống đủ nước hàng ngày, trung bình từ 1 – 1,5 lít nước, nhất là những bệnh nhân có thở ôxy, hoặc trong điều kiện thời tiết nóng bức.

Chỉ nên dùng các loại thuốc long đờm, loãng đờm, không nên dùng các thuốc ức chế ho.

 

2. Bảo tồn và duy trì chức năng hô hấp

Mục đích bằng các bài tập thở để khắc phục sự ứ khí trong phổi, có các biện pháp đối phó với tình trạng khó thở.

Bài tập thở chúm môi: Khí bị nhốt trong phổi làm cho người bệnh khó thở; đẩy được lượng khí cặn ứ đọng trong phổi ra ngoài mới có thể hít được không khí trong lành.

Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

2.1 Kỹ thuật thở chúm môi

  • Tư thế ngồi thoải mái.
  • Thả lỏng cổ và vai.
  • Hít vào chậm qua mũi.
  • Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

2.2 Trong quá trình tập bệnh nhân nên lưu ý

  • Nên lặp lại động tác thở chúm môi nhiều lần cho đến khi hết khó thở.
  • Tập đi tập lại nhiều lần sao cho thật nhuần nhuyễn và trở thành thói quen.
  • Nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở, như khi leo cầu thang, tắm rửa, tập thể dục…

3. Bài thở hoành

Do tình trạng ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng làm hạn chế hoạt động của cơ hoành.

Cơ hoành là cơ hô hấp chính, nếu hoạt động kém sẽ làm thông khí ở phổi kém và các cơ hô hấp phụ phải tăng cường hoạt động.

Tập thở cơ hoành sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.

3.1 Kỹ thuật thở hoành

  • Ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai.
  • Đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
  • Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.
  • Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

3.2 Bệnh nhân nên chú ý

Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen.

Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi. Nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.

TS.BS. Vũ Văn Giáp (Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai)

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già tại nhà của Bluecare.vn

 

 

 

 

 

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare