Hầu như các trạm tiêm chủng hiện nay đều có tờ rơi hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng. Nhưng mình thấy nhiều bố mẹ quên mang theo về để rồi khi về nhà thì bé sốt lên và lúng túng chẳng biết làm sao.
Là một bác sĩ thường tư vấn tiêm chủng cho các bé, mình luôn cố gắng giải thích thật kỹ để bố mẹ hiểu rõ bản chất vaccine, cách vaccine tương tác với cơ thể con và những điều cần theo dõi sau tiêm chủng…
Contents
Vậy nên: HIỂU RÕ BẢN CHẤT VACCINE VÀ CƠ CHẾ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT!
Đầu tiên, các bố mẹ cứ hiểu nôm na tiêm chủng là đưa “quân xanh” vào cơ thể con để con đánh trận giả. Các “quân xanh” đã được dùng kỹ thuật xử lý khiến chúng không thể gây bệnh nhưng vẫn khiến cơ thể lầm tưởng đó là vi khuẩn “xịn” và tạo miễn dịch chống lại nó. Cho nên, dù là đánh trận giả nhưng kết quả thu lại đó là cơ thể có kháng thể chống với vi sinh vật đó. Một số loại vaccine tiêm chỉ 01 lần duy nhất suốt đời được bảo vệ. Một số loại vaccine cần tiêm nhắc lại.
Cho nên, khi đưa vào cơ thể con, việc con mệt mỏi, quấy khóc, sốt…là dấu hiệu chứng tỏ cơ thể đang “đánh trận giả”. Dù là dấu hiệu của đánh trận giả nhưng khoản 0.5-0.7% số bé có phản ứng nặng nề, thậm chí nguy kịch tính mạng.
Việc của bố mẹ là ở bên cạnh con trong thời gian đó, giúp con giảm khó chịu nhưng đồng thời đưa con đi khi có những dấu hiệu nặng.
CÁC PHẢN ỨNG SAU TIÊM CHỦNG
1.Phản ứng tại chỗ : vị trí tiêm sưng to, đỏ, đau. Thường xuất hiện vài giờ sau tiêm chủng và kéo dài đến 3-5 ngày. Riêng với DtaP (bạch hầu – ho gà – uốn ván) thì triệu chứng kéo dài 7-10 ngày.
2.Sốt : xin mời đọc phần tiếp theo.
3.Phản ứng muộn: các mũi MMR (sởi – quai bị – rubella), thủy đậu có thể xuất hiện phát ban ở da. Các triệu chứng này thậm chí có thể tồn tại 1-4 tuần.
4.Quá mẫn: chỉ <0.1% số trẻ em tiêm chủng có phản ứng quá mẫn do cơ địa đặc biệt của bé. Tuy nhiên khi xuất hiện phản ứng dị ứng nặng thì tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 50% ở một số nghiên cứu) và xuất hiện cao nhất trong vòng 2 giờ. Cho nên lời khuyên mình dành cho bố mẹ sau tiêm chủng của bé nên ở lại chỗ tiêm chủng ít nhất 2 giờ để theo dõi dù hiện nay khuyến cáo 30-60 phút.
ĐƯA BÉ ĐI CẤP CỨU NẾU:
1. Không tỉnh táo, ngủ li bì, gọi không dậy
2. Biểu hiện khó thở, thở nhanh, thở khò khè
3. Nôn nhiều, liên tục, tất cả mọi thứ
4. Sốt cao dù đã dùng 1-2 liều hạ sốt cho bé
5. Bản thân mẹ cảm nhận rằng con mình không ổn.
ĐƯA QUAY LẠI NGAY NƠI TIÊM CHỦNG/ BỆNH VIỆN NẾU:
1. Trẻ < 12 tuần tuổi có sốt.
2. Sốt >40°C
3. Khóc nhiều không ngưng ≥ 60 phút.
4. Ăn ít hoặc bú ít >24 giờ kể từ lúc tiêm chủng.
5. Bản thân mẹ cảm nhận rằng con mình không ổn.
ĐƯA BÉ QUAY LẠI NƠI TIÊM CHỦNG NẾU:
1. Nốt tiêm đỏ >2.5 cm hoặc sưng to đau >3 ngày.
2. Bé quấy nhiều, trằn trọc >3 ngày.
3. Bố mẹ có thắc mắc dành cho vấn đề tiêm chủng của bé.
HƯỚNG DẪN XỬ TRÍ CÁC PHẢN ỨNG
1/ VỊ TRÍ TIÊM SƯNG ĐỎ
Bạn có thể chườm đá hoặc chườm mát lên vị trí tiêm.
Sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau (khuyến cáo nên hỏi ý kiến BS trước)
Nếu nặng, có thể tiêm Hydrocortisol 1% tại trung tâm Y tế hoặc BV
2/ SỐT
Sốt chưa hẳn là xấu (câu này nghe xong chắc biết bài nào của mình từng viết rồi đúng không )
Một số nghiên cứu ghi nhận ở trẻ em, sau tiêm chủng thủy đậu, nếu cho uống acetaminophen để hạ sốt nhẹ ~38°C thì thời gian bé quấy khóc và mệt mỏi kéo dài hơn bé chỉ để tự nhiên, mặc thoáng, uống nhiều nước.
Người lớn bị cúm lạm dụng hạ sốt acetaminophen thì thời gian “hành” của cúm kéo dài hơn và tình trạng sổ mũi nặng nề hơn nhóm để tự nhiên.
Định nghĩa sốt ? [Nelson 2016]
Nhiệt độ cơ thể trẻ em [bình thường] từ 36.5 – 37.5°C. Khi nhiệt độ từ 37.6 – 38.5°C gọi là [tăng thân nhiệt].
Bé được định nghĩa là [sốt] khi nhiệt độ trực tràng ≥ 38°C (101.3°F) trở lên (NẾU ĐO Ở NÁCH LÀ ≥37.5°C)
Trẻ dưới 03 tháng thì chỉ cần trực tràng ≥37.5°C là được định nghĩa là [sốt].
Nhiệt độ cơ thể bé có thể dao động trong ngày khoảng 0.5°C và thường thì chiều tối sẽ cao nhất và thấp hơn vào buổi sáng, do cơ chế hormone và nồng độ cortisol…
Lưu ý: Một nghiên cứu năm 2000 chỉ ra rằng: hơn một nửa (57%) bố/mẹ HIỂU và ÁP DỤNG SAI phương pháp hạ sốt cho con. Vì vậy, điều này thường dẫn đến những biến chứng đáng tiếc và không đáng có cho con. Đặc biệt để con sốt quá cao có thể gây co giật ở một số bé.
Khi phát hiện bé tăng thân nhiệt, việc đầu tiên không phải là tìm thuốc hạ sốt cho con uống mà là phải check lại nhiệt độ cho con. Dùng nhiệt kế thủy tinh đo ở nách >37.5 °C là sốt, ở hậu môn là >38°C ( các thiết bị khác thì xem bảng hướng dẫn, nhiều loại lắm nên hỏi ở đây mình cũng không biết).
1. Cho con uống nhiều nước một chút hoặc bé đang bú mẹ thì cho bé bú ngay.
2. Kiểm tra quần áo, nên mặc quần áo mỏng, tránh quấn, ủ bé vì gây tăng nhiệt độ giả tạo hoặc khi con sốt thì quá trình thoát nhiệt cơ thể bị chậm.
3. Liều khuyến cáo thuốc hạ sốt an toàn là:
+ Acetaminophen 10-15mg/kg/lần – mỗi 4-6 tiếng một lần (thường khuyến cáo không quá 5 lần/ngày)
+ Ibuprofen 10mg/kg/lần – tối đa 4 lần/ngày.
4. Xin lưu ý là KHÔNG có chuyện sử dụng xen kẽ acetaminophen và ibuprofen để hạ sốt tốt hơn mà là nếu không hạ sốt được bằng acetaminophen thì một số nghiên cứu khuyến cáo đổi qua ibuprofen với hy vọng hạ được sốt. Đó là quan niệm hiện nay một số người còn giữ.
5. ĐỪNG BAO GIỜ lau mát cho con nếu chưa sốt >40 độ vì lý do <40 độ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát bằng thuốc hạ sốt. Chỉ khi nào >40 độ thì trung tâm điều hòa thân nhiệt bị ức chế thì chúng ta mới lau mát để đưa nhiệt độ bé xuống <40 độ, khi đó, dùng thuốc hạ sốt mới được.
CON TÔI TỪNG CÓ TIỀN CĂN SỐT CO GIẬT ?
Nếu bé con bạn từng có tiền căn sốt co giật thì lời khuyên là nên uống NGAY 1 LIỀU THUỐC HẠ SỐT ACETAMINOPHEN HOẶC IBUPROFEN theo cân nặng và đưa đến ngay trung tâm Y tế hoặc Bệnh viện gần nhất.
Xem thêm:
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare
Be the first to comment