VÌ SAO CON GÁI TÔI ĐƯỢC TIÊM PHÒNG DẠI
Dại là bệnh do virus gây ra và lây truyền qua đường động vật cắn. Các vật trung gian truyền bệnh thường gặp là: chó, mèo, khỉ, gấu mèo và dơi. Đây là căn bệnh chưa có thuốc chữa trị, và nạn nhân sẽ tử vong một khi đã nhiễm bệnh. Thời gian phát bệnh có thể từ vài ngày, vài tuần hay thậm chí vài năm sau khi bị cắn.
Cách duy nhất để ngừa bệnh dại là chủng ngừa. Có hai loại vaccine:
1. Vaccine trước phơi nhiễm, được tiêm phòng trước khi bị cắn. Loại vaccine này được khuyến nghị cho những đối tượng có nguy cơ cao (những người thường xuyên tiếp xúc với động vật như bác sĩ thú y, nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm, và những người đi du lịch đến các quốc gia đang có dịch như Ấn Độ, Việt Nam và Bali – Indonesia).
Trong trường hợp này cần tiêm 3 mũi (ngày 0,7,21) để kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể chống virus dại (RIG). Nếu chẳng may bị động vật cắn, nạn nhân chỉ cần tiêm thêm 2 mũi để đẩy hệ miễn dịch sản xuất lượng kháng thể bổ sung.
2. Vaccine sau phơi nhiễm, được tiêm lần đầu sau khi nạn nhân bị động vật nghi nhiễm bệnh dại cắn.
Trong trường hợp này, nạn nhân cần tiêm huyết thanh kháng dại (RIG) liều cao vì trong cơ thể chưa có sẵn kháng thể. RIG sẽ được tiêm trực tiếp và xung quanh vết thương (thường sẽ rất đau), sau đó còn phải tiêm thêm 4 mũi vaccine (ngày 0,3,7,14)
Theo ước tính tại Việt Nam có hơn 200 ca tử vong hàng năm vì bệnh Dại, phần lớn xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Nhiều trường hợp không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, nạn nhân không nhận được huyết thanh kháng dại cũng như vaccine ngừa bệnh. Một số người không nhận thức được mình cần phải điều trị. Trẻ em nằm ở nhóm nguy cơ cao hơn bởi trẻ thường thích chơi với động vật hoang nhưng lại không báo cho cha mẹ rằng mình bị động vật cắn.
Có 2 loại huyết thanh kháng Dại- Loại có nguồn gốc từ Người và một loại có nguồn gốc từ Ngựa. Cả hai đều có tác dụng điều trị cao, tuy nhiên huyết thanh từ Ngựa sẽ có nhiều tác dụng phụ hơn, còn huyết thanh từ Người có giá thành cao và số lượng hạn chế (chi phí cho một liệu trình điều trị có thể lên đến hàng ngàn Đô la).
Dù vaccine ngừa dại trước phơi nhiễm không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, tôi vẫn quyết định cho con gái tôi được tiêm ngừa để chắc chắn rằng con luôn được bảo vệ. Như vậy, nếu bị cắn, con sẽ không cần tiêm huyết thanh kháng dại RIG mà chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine sau phơi nhiễm.
Tôi khuyên các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc tiêm ngừa trước phơi nhiễm cho trẻ.
Chúc một ngày khỏe mạnh!
BS. Jonathan
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare