TRẺ BIẾNG ĂN – CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

TRẺ BIẾNG ĂN – CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Contents

Câu hỏi 1
Người hỏi: Giang Nguyen

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Con nhà em được 10 tháng 18 ngày. Cháu dạo này lười ăn. Em nghe mọi người bảo cho cháu ăn thêm B1 mỗi ngày 1 viên. Ăn 10 bữa lại ngưng, sau một thời gian lại ăn tiếp. Theo bác sĩ cháu bé như vậy đã ăn B1 được chưa ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp em. Em cám ơn các bác sĩ nhiều.

🎯#𝗕𝗟𝗨𝗘𝗖𝗔𝗥𝗘 – Ứng dụng đặt lịch, MASSAGE BẦUTẮM BÉTHÔNG TẮC TIA SỮACHĂM SÓC MẸ SAU SINH tại nhà và nhắc & đặt lịch TIÊM CHỦNG VẮC XIN🙆‍♀️👉Link cài đặt ứng dụng: https://bluecare.vn/app  ☎️ Hotline 0985768181.

Trả lời

Chào chị. Chỉ với dấu hiệu lười ăn là chưa đủ để nói cháu thiếu Vitamin B1 và bổ sung như vậy cũng sai! Chị nên cho cháu ăn dặm với các thực phẩm giàu vitamin:

Vitamin A có nhiều trong gan, cá, sữa…
Tiền tố vitamin A (Beta-Caroten) có nhiều trong cà rốt, rau xanh, quả mơ, dưa chột, quả đào có màu vàng, ngô…
Vitamin D có nhiều trong cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt lợn, chất béo của sữa.
Vitamin E có nhiều trong bột mì, quả hạnh nhân…
Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, bưởi, rau xanh, cải bắp, cải xoong, xoài, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, ổi…
Vitamin B1 có nhiều trong gạo, bột mì, bột đậu xanh, thịt gà, nấm.
Vitamin B6 có nhiều trong gan bê, ruốc thịt, thịt gà, ngô…
Vitamin B9 (hay còn gọi là axit Folic) có nhiều trong măng tây, rau xanh, đậu rau xanh, gan, thịt gà, trứng.
Vitamin B12 có nhiều trong pho mát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng.
Chế độ ăn hàng ngày của bé từ 9-11 tháng như sau:

Thời kỳ này có thể cho ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối.
Lượng thức ăn: tinh bột: 90g, rau, quả: 30gr, chất đạm 40~45g.
Cháo không cần nghiền nát nữa mà có thể để nguyên hạt gạo, đặc hơn dạng sột sệt một chút.
Thức ăn có thể không cần nghiền nữa mà để nguyên hình dạng nhưng phải cắt nhỏ, mỏng và ninh mềm.
Hầu hết có thể cho ăn các loại thực phẩm, trừ những loại quá cứng hoặc khó tiêu (đậu phụ rán, thịt bò, thịt lợn quá nhiều mỡ…), mật ong, các loại nước sốt bán sẵn, các loại hạt nêm… Có thể cho ăn gia vị như muối, xì-dầu, tuy nhiên vị thật nhạt.
Chị có thể tham khảo thêm thông tin bài viết “Dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 12 tháng” tại Y học cộng đồng.

Câu hỏi 2
Người hỏi: Ly Nguyễn

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Chào các bác sĩ của Nhi khoa, bé nhà mình hiện nay gần 10 tháng, nặng 7kg. Từ ngày bé bắt đầu ăn dặm (6 tháng) bé không chịu ăn gì, kể cả bột hay cháo. Bé chỉ đồng ý ăn bằng cách tự tay bốc đút vào miệng hoặc người lớn bốc đút, nhưng bé ăn cách này ăn rất ít ạ, chỉ được 3-4 miếng là bé thôi không ăn nữa. Có ngày bé không ăn một miếng nào. Sữa thì bé chỉ ti 300-450 ml, có ngày còn chưa được 300ml, mà mình chỉ cho bé ti được lúc bé mới bắt đầu ngủ, còn lúc thức bé không chịu ti. Mình đang rất lo lắng, bé như vậy liệu có vấn đề gì về dinh dưỡng không? Bé không lên kí 5 tháng rồi, cứ đà này mình sợ bé sẽ bị suy dinh dưỡng mất, mong các bác sĩ nhi khoa tư vấn giúp. Cảm ơn rất nhiều ạ!

Bé nhà mình là bé gái, hiện nay đang tập bò, bé chơi ngoan, vui vẻ, ngủ bình thường.

Trả lời

Chào chị, bé nhà chị đang có vấn đề về dinh dưỡng. Chị nên cho cháu đi khám tổng quát và tư vấn dinh dưỡng nhé!

Các chị lưu ý: trẻ không tăng cân liên tục trong 5 tháng là trẻ đang có vấn đề về sức khỏe cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi. Ngoài ra trẻ đang phát triển không đạt mức bình thường như: giai đoạn gần 10 tháng trẻ đã bò được và bắt đầu tập đi. Vì là tư vấn online có giới hạn là không khám trực tiếp nên khi phát hiện điều bất thường dù nhỏ tôi vẫn phải khuyên đi khám bác sỹ chuyên khoa Nhi.

Chúc cháu chóng khỏe.

Câu hỏi 3
Người hỏi: Tùng Anh

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức và BS. Lâm Đại Phong

Câu hỏi

Các bác sĩ cho em hỏi mấy vấn đề với ạ. Bé nhà em 5 ngày nữa thì được 11 tháng. Nhưng rất lười ăn. Hầu như bé chỉ ti mẹ. Bây giờ có biện pháp gì hay có thuốc gì để bé uống cho kích thích ăn không ạ?

Bé mọc răng từ rất sớm, 4 tháng là mọc rồi ạ. Nhưng khi vệ sinh răng cho bé bé lại không hợp tác. Hay ngậm miệng lại và la hét không cho mẹ vệ sinh. Khi nhìn vào bên trong thì thấy lớp men răng của bé hơi đen. Có cách nào khắc phục không ạ?

Rất mong các bác sĩ tư vấn hộ em.

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Chào chị. Cháu 11 tháng cần được ăn dặm vì sữa mẹ giai đoạn này không cung cấp đủ chất cần thiết cho trẻ ví dụ Sắt, Kẽm… Do vậy, chị cần cho trẻ ăn dặm hợp lý.

Có nhiều nguyên nhân làm trẻ biếng ăn như: thực đơn ăn dặm lặp lại không có món mới, cho ăn không hợp lý như ép trẻ ăn, cho trẻ ăn vặt, ăn không đúng bữa, trẻ đang mắc một số bênh như nhiễm giun, có vấn đề về sức khỏe…

BS. Lâm Đại Phong

Về răng của bé, chị phải kiên nhẫn tập cho bé quen dần. Ban đầu trước khi mọc răng, cha mẹ nên dùng gạc hay vải sạch chà vào nướu để thuận lợi cho việc tập chải răng về sau.

Trong trường hợp này, bé đã có răng và được 11 tháng, chị nên chọn loại bàn chải mềm loại cho trẻ em, đầu tròn để tránh gây đau nướu. Mỗi ngày ba mẹ nên làm gương, làm mẫu để bé cảm thấy thích thú và muốn làm theo. Ở thời điểm trước 3-4 tuổi không cho nên bé sử dụng kem đánh răng vì tránh bé nuốt kem đánh răng vào bụng, chỉ cần chải với nước sạch sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ là được.

Về đốm đen, thật khó để tư vấn nếu không được nhìn thấy hình ảnh. Nhưng nếu chỉ là đốm nhỏ, nông, bóng thì có thể chỉ là đốm sâu nhỏ đã được tái khoáng hoá, “lành thương”.

Chúc chị và bé hợp tác tốt để có 1 hàm răng khoẻ mạnh và đẹp.

Câu hỏi 4
Người hỏi: Nguyễn Thị Hồng Vân

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi. Gần 1 tuần nay con em rất lười ăn, bỏ bữa nhiều, có ngày 3 bữa, ngày 2 bữa. Vì em không có sữa nên con ăn sữa ngoài hoàn toàn, chỉ thỉnh thoảng cho ti mẹ mút mát tí thôi ạ. Giờ con chỉ thích ti mẹ, cho ti bình là khóc kêu và không ăn. Con không sốt gì cả. Theo bác sĩ thì con em có bị sao không? Em có phải đưa con đi khám không ạ? (con em được hơn 2 tháng rưỡi, trước bé ngày ăn 6 bữa, 4h/cữ, bé có ho nhẹ, em đã cho con uống siro ho. Bé còn hay trớ khi ợ nên em đi khám và bác sĩ kê cho thuốc lau miệng chống trớ và thuốc Hidilac cho con giúp ăn ngon, ngủ tốt, đỡ giật mình). Liệu thuốc này có ảnh hưởng gì tới bé không ạ? Bác sĩ giúp em với ạ?

Trả lời

Chào chị, cháu 2,5 tháng tuổi cần được bú mẹ. Bên cạnh cho bú mẹ, chị có thể dùng sữa công thức thêm cho cháu đảm bảo mỗi bữa bú, ăn cách nhau mỗi 3- 4h. Nếu cháu không chịu bú bình thì chị nên đút bằng thìa cho bé hoặc dùng cốc đựng sữa dành cho trẻ nhỏ. Lưu ý khi dùng cốc sữa:

Bé phải tỉnh táo.
Đặt vành cốc chạm vào nướu hàm dưới của bé.
Nghiêng cốc cho đến khi sữa chạm vành cốc.
Không nôn nóng, KHÔNG RÓT SỮA vào miệng bé (vì rót vào là dễ làm bé bị sặc).
Bé sẽ nhanh chóng học được cách hớp sữa từ cốc.
Nếu bé dừng thì lấy cốc ra (bé có thể nghỉ giữa chừng rồi uống tiếp, mẹ cứ quan sát dấu hiệu đòi bú).
Trường hợp dùng thuốc HIDILAC (cho bé ăn ngon, ngủ tốt, đỡ giật mình) theo tôi không nên.
Tham khảo thêm các bài viết về chăm sóc trẻ và sữa mẹ tại Y học cộng đồng

Nuôi con bằng sữa mẹ.
Hãy cho trẻ bú mẹ.
Lựa chọn cốc uống sữa thích hợp với bé.
Chúc cháu luôn khỏe!

Câu hỏi 5
Người hỏi: Kiều Trinh Hồ Điệp

Tham gia tư vấn: Ths. Trần Thanh Thỏa và Chị Đào Thị Mỹ Lương

Câu hỏi

Chào bác sĩ! Cho em hỏi. Bé trai nhà em hôm nay được 8 tháng-8kg. Lúc sanh 2.6kg. 2 tháng trở lại đây từ khi đi chích ngừa 5 trong 1 về bé không chịu ăn dặm nữa. Làm cách nào cũng không chịu ăn. Phun ra, khóc la. Đút được vào miệng thì ngậm làm sao cũng không chịu nuốt 1 chập lại lè ra hết. Bú sữa ngoài từ lúc mới sinh vì mẹ không có sữa. Bây giờ không ăn mà 1 ngày chỉ bú khoảng 500ml sữa thôi ạ. Bác sĩ giúp em với.

Trả lời

Chào bạn! Bạn có thể cho biết trước khi bé chích ngừa thì tình hình ăn uống của bé thế nào ạ? Bạn cho bé ăn theo phương pháp truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật hay Baby led weaning? Sau khi chích ngừa bé có bị sốt, sút cân hay biểu hiện gì không?

Trao đổi thêm

Dạ. Trước khi chích ngừa bé ăn bột Redielac 100ml, 2 muỗng bột, ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi trưa. bú cũng khoảng 500ml thôi ạ. Chích ngừa về bé sốt 39 độ, sút 7 lạng.

Trả lời

Ths. Trần Thanh Thỏa

Với cân nặng 8kg khi 8 tháng thì con bạn hoàn toàn bình thường (6.8-10kg là tiêu chuẩn tại Nhật cho trẻ trai 8 tháng). Trong một số trường hợp, sau khi tiêm vaccine về đúng là bé có bị mệt và biếng ăn đi, việc này có thể diễn ra trong một thời gian ngắn, sau đó bé khoẻ hơn và việc ăn uống trở lại bình thường. Do con bạn đã kéo dài đến 2 tháng nên tình hình có vẻ trở nên căng thẳng.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh

Việc con sút cân đến 700 gram trong 2 tháng chứng tỏ cháu ăn và tiêu hoá không tốt, còn theo mình vaccine không gây đến mức đấy. Rút kinh nghiệm sau khi tiêm xong nếu cháu mệt bạn có thể chia nhỏ bữa ăn/cữ bú trong ngày và tính toán vẫn đủ lượng năng lượng nạp vào. Bạn cứ tính đại khái lượng năng lượng cho trẻ là tầm 100kcalo/kg (con bạn tầm 600- 800kcal), và quy đổi 200ml sữa là 150kcal. Cháu đã 8 tháng nên bạn có thể tham khảo để thay đổi loại thức ăn và cách thức cho ăn cho con. Theo mình bạn đừng ép con gây con ức chế sẽ biếng ăn hơn.

Trước mắt bạn có thể bổ sung sinh tố hoa quả chín, kiểm tra xem bé có bị táo bón không thì khắc phục kịp thời. Đồng thời bạn thử bắt đầu cho bé chủ động ăn theo phương pháp tự làm quen và bốc thức ăn theo phương pháp Baby led weaning – bạn gõ “ăn theo Baby led weaning” là có thể tìm thấy, cách này để cháu tránh “sợ” thức ăn do thời gian qua bị ép ăn đã. Việc cần làm nhất là bạn đừng quá căng thẳng và ép con ăn nhé!

Trao đổi thêm

Dạ. Hiện tại bé đang bị tiêu chảy. 1 ngày đi 7-8 lần. Nên em không dám cho ăn hoa quả. Thở thì khò khè nữa.

Chị Đào Thị Mỹ Lương

Em nên ngưng cho cháu ăn bột ăn liền. Mua gạo lứt, xay nhuyễn. Hầm súp rau củ (hành tây, cà rốt, củ cải trắng, cải thảo…), chắt lấy nước súp, để nguội, bỏ vào khay đá làm đông, mỗi khi nấu cháo hay canh rau thì dùng súp này. Không dùng dầu ăn, không bỏ thịt cá… nấu bột với muối. Em cho cháu ăn khoảng vài ngày xem sao.

Cho cháu ăn bột gạo lứt nấu súp rau củ, nêm vị muối. Ngoài ra, không cho cháu ăn những thức ăn khó tiêu như: sữa, thịt, cá, trứng… (thực phẩm có nguồn gốc động vật), dầu mỡ… Hệ thống tiêu hóa của trẻ và người già thường yếu nên ăn những thứ đơn giản như cháo trắng thôi. Bởi khi hệ tiêu hóa yếu, có ăn những thức ăn giàu chất béo, giàu Calor… thì chúng cũng không thể được chuyển hóa thành năng lượng nuôi sống cơ thể. Hiện tượng ăn vào nôn ra tức là dạ dày yếu không thể tiêu hóa thức ăn được, thứ không thể tiêu hóa được tức là độc tố (chất độc hại cho cơ thể) nên theo phản xạ bản năng thì dạ dày đẩy chúng ra ngoài bằng miệng hoặc hậu môn.

Em thử làm xem sao nhé. Vài bữa không ăn thịt cá trứng sữa, không dùng dầu ăn… cũng không ảnh hưởng gì đến sinh mạng. Khi nào hệ tiêu hóa hồi phục lại có thể ăn uống bình thường được. Chúc bé mau bình phục!

Câu hỏi 6
Người hỏi: Tho May

Tham gia tư vấn: Chị Đào Thị Mỹ Lương

Câu hỏi

Con của em được 17 tháng, cân nặng đc 8.5kg mà không có nhu cầu ăn uống, cả ngày bé có thể không đòi ăn, chỉ uống tí nữa chứ sữa cũng không uống nhưng cháu vẫn vui vẻ, chơi, mọc răng, nói sớm. Đút cháo, hồ, cơm bé đều nhả ra, khóc thét, dãy dụa cho nôn ra. Em phải xay cháo đổ vào bình, rạch chữ thập núm bình sữa và kẹp cứng thì con mới chịu ăn mà mỗi lần ăn cũng phải mất trung bình 1-2 tiếng. Cứ thấy mẹ cầm bát cháo hay bình sữa là bỏ đi hoặc khóc. Em rất mệt mỏi và lo cho con. Mong các bác sĩ giúp đỡ ạ.

Trả lời

Chào em.

1) Bé vẫn bú mẹ phải không? Nếu bé hay ti mẹ, bụng lúc nào cũng ở trạng thái lưng lửng thì cũng không muốn đòi ăn uống gì. Cháo hồ em tự làm hay cho bé ăn cháo hồ ăn liền (đóng hộp, bán sẵn)?

2) Cải thiện: cho bé vận động nhiều hơn như đi dạo, chạy nhảy, nô đùa 1 ngày 2 giấc, sáng chiều, mỗi lần chơi đùa khoảng 30p. Khi bé chơi xong bổ sung nước đun sôi để nguội, không cho uống nước ngọt/nước hoa quả/nước trái cây tươi, không cho ti mẹ… vì những thứ nước uống này đều chứa nhiệt lượng khiến trẻ lửng dạ, không muốn ăn. Theo bản năng tự nhiên, khi đói bụng trẻ sẽ tự đòi ăn.

Mấy bà mẹ nuôi con nhỏ mà chị biết, hầu như cho con ăn uống vặt liên tục và mấy bé đó cũng đều biếng ăn cả. Các bà mẹ thường sợ con ăn không đủ, ăn thiếu… nhưng thói quen này không tốt, làm mất đi phản xạ ăn uống tự nhiên (đói ăn, no không ăn), làm hệ tiêu hóa & các cơ quan nội tạng tham gia vào quá trình tiêu hóa (gan, thận, tụy tạng, mật…) làm việc quá sức. Khi hệ tiêu hóa suy yếu dẫn đến hệ miễn dịch (hệ thống bảo vệ phòng vệ cơ thể) suy yếu nên dễ bị cảm, viêm nhiễm, lây nhiễm… Chỉ cho ti mẹ sau khi bé đã ăn cơm. Đây là cách giúp bé chuyển cơm, cháo là thức ăn chính, ti mẹ là phần bổ sung.

Trao đổi thêm

Con em bú sữa ngoài hoàn toàn, không bú mẹ. Con em thuộc dạng lười ăn đến mức không hề ăn vặt cái gì, phô mai, sữa chua, bánh kẹo, nước trái cây,… Nói chung là không hề có khái niệm ăn vặt ạ. Còn chơi thì con em chơi rất nhiều, chạy nhảy, nói năng liên tục. Nhiều hôm chỉ chơi không chứ không chịu ăn gì, sữa không uống. Chơi mệt lại lăn ra nằm chứ không đòi ăn. Đòi ăn cái gì cũng cho vào miệng nhai rồi nhả ra hoặc cắn rồi nhả, không nuốt vào.

Mỗi ngày đến lúc ăn em đều phải kẹp bắt ăn mới ăn được một ít mà cháu khóc và vật vã ghê lắm, vật càng mạnh, khóc càng lớn thì dễ bị sặc và nôn hết ra. Em bó tay luôn rồi ạ.

Trả lời

Vậy là bé uống sữa ngoài cũng đủ dinh dưỡng. Em muốn con ăn thêm thứ khác thì phải giảm lượng sữa thôi. Không nhất thiết bắt trẻ ăn ngày 3 bữa, bởi tùy theo căn địa mà có sự tiêu hóa & hấp thụ dinh dưỡng khác nhau. Kể cả người lớn, có người ăn 1 ngày 1 bữa, bản thân chị ăn chay 1 ngày 2 bữa (sáng chiều)… lấy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, thì vẫn khỏe mạnh.

Theo chị, em đừng ép bé ăn, hãy để bé thật đói, tự bé đòi ăn, đừng suy nghĩ nhiều, hãy chiều theo trẻ, đừng ép trẻ theo mình. Làm vậy, mẹ cũng thoải mái tâm lý, con cũng không phải chịu “cực hình”. Thôi tha cho con và tha cho mình đi em. Bé cần sẽ tự ăn. Để con tự do vài ngày xem sao nhé! Mỗi lần sặc và nôn thức ăn là 1 lần niêm mạc thực quản, khí quản bị tổn thương đấy. Luôn để sẵn những thứ có thể cho bé ăn ngay được khi đói như: ngô/khoai luộc, cháo trắng (nêm chút muối), nắm những nắm cơm nho nhỏ trẻ có thể tự bốc ăn, xôi hay bánh chưng (nhỏ)… Phô mai, sữa chua, bánh kẹo, nước trái cây… là những thực phẩm không tốt cho trẻ vì nó là thức ăn khó tiêu, qua gia đoạn chế biến nên chứa rất nhiều chất phụ gia như: đường hóa học, chất chống mốc, chống thối, phẩm màu…

Trao đổi thêm

Vậy con em 17 tháng mà cân nặng 8.5 kg thì có bình thường không chị?

Trả lời

Theo chị, cân nặng là tiêu chuẩn để mình tham khảo thôi. Cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ lắm chứ. Ít người đạt “chuẩn”, đó là sự thực. Không thể đánh giá trẻ là bình thường hay không bình thường qua cân nặng được. Trẻ vẫn ngoan, nhanh nhẹn, hoạt bát, lanh lợi, biết nói biết cười, biết khóc, khỏe mạnh, không có bệnh tật… là bình thường rồi (theo quan điểm cá nhân chị). Đừng lo lắng quá! Đủ ngày đủ tháng đủ tuổi, đủ các điều kiện… rồi trẻ sẽ lớn thôi. Làm tròn bổn phận của người mẹ, cho con ăn khi đói, ủ ấm khi con lạnh, quạt mát khi con nóng, vỗ về an ủi khi con lo sợ hoảng loạn, lau rửa khi con bị bẩn giúp con tránh khỏi các nguy hiểm, dạy con điều hay lẽ phải/đạo lý làm người… là việc làm của cha mẹ. Còn việc tăng cân, cao lên, béo ra… là do cơ thể của trẻ quyết định 1 cách tự nhiên, ta không nên can thiệp. Em nghĩ con bình thường thì bé sẽ bình thường. Em nghĩ con không bình thường thì bé sẽ trở thành không bình thường. Cân nặng không phải là yếu tố quyết định tất cả em à.

Bệnh viện Nhi Đồng 1

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare