Phục hồi chức năng rách chóp xoay vai

Chóp xoay vai bị tổn thương

Rách chóp xoay là một bệnh lý thường gặp, gây đau và yếu khớp vai. Điều này có nghĩa là nhiều hoạt động hàng ngày như chải đầu, mặc áo, rữa mặt, sẽ trở nên rất đau đớn và khó thực hiện

Contents

1.Giải phẫu

Khớp vai là một khớp hình cầu được cấu tạo bởi 3 xương: xương cánh tay, xương vai và xương đòn. Chỏm xương cánh tay kết nối với ổ chảo của xương vai. Và được bao bọc bởi hệ thống dây chằng và bao khớp. Trong khớp có dịch khớp giúp cho khớp di chuyển dễ dàng.

Chỏm xương cánh tay được giữ vững trong ổ chảo xương vai nhờ có chóp xoay. Chóp xoay được cấu tạo bởi hệ thống gồm 4 gân cơ hội tụ lại ở đầu trên xương cánh tay: gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai, gân cơ dưới vai và gân cơ tròn bé. Chóp xoay giúp thực hiện động tác nâng và xoay khớp vai.

Giữa chóp xoay và mỏm cùng của xương vai có một “túi nhớt” giúp cho các gân cơ chóp xoay di chuyển dễ dàng. Khi chóp xoay bị tổn thương, túi nhớt này sẽ bị viêm dày và gây ra đau.

Chóp xoay vai

2.Mô tả

Khi một hoặc nhiều gân cơ chóp xoay bị rách có nghĩa là gân cơ này không còn bám vào đầu trên xương cánh tay nữa. Đa số các trường hợp rách chóp xoay là rách gân cơ trên gai. Tuy nhiên các gân cơ khác cũng có thể bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, lúc đầu chóp xoay chỉ bị tưa. Về sau khi bệnh tiến triển nặng hơn hoặc sau khi bệnh nhân mang vác nặng thì gân mới bị rách hoàn toàn.

3. Các mức độ

Có 2 mức độ rách chóp xoay

Rách một phần: gân bị rách một phần độ dày của gân.
Rách hoàn toàn: gân bị rách toàn bộ độ dày của gân.

4. Nguyên nhân

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến rách chóp xoay: do chấn thương và do thoái hoá.

4.1 Rách chóp xoay do chấn thương

Nếu bạn bị té ngã chống tay hoặc nhấc một vật quá nặng đột ngột, đập bóng chuyền không khởi động kỹ … bạn có thể bị rách chóp xoay. Rách chóp xoay do chấn thương có thể đi kèm với các tổn thương khớp vai khác như gãy xương đòn, trật khớp vai.

4.2 Rách chóp xoay do thoái hoá

Hầu hết các trường hợp rách chóp xoay đều diễn biến từ từ theo thời gian. Đây là quá trình thoái hoá xảy ra một cách tự nhiên khi chúng ta ngày càng lớn tuổi hơn. Rách chóp xoay cũng thường hay xảy ra ở tay thuận hơn. Nếu bạn đã bị rách chóp xoay một bên vai, bạn có nhiều nguy cơ cũng sẽ bị rách chóp xoay ở bên đối diện.

4.3 Có một số yếu tố có thể thúc đẩy rách chóp xoay do thoái hoá:

Chấn thương vi thể lặp đi lặp lại nhiều lần: Cử động khớp vai lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài có thể dẫn tới quá tải cho hệ thống gân cơ chóp xoay. Bóng chuyền, ten-nít, chèo thuyền, cử tạ là những môn thể thao dễ làm cho chóp xoay bị quá tải. Ngoài ra, một số nghề nghiệp và hoạt động khác cũng có thể gây quá tải cho chóp xoay.

Thiếu máu nuôi: Khi chúng ta lớn tuổi hơn, nguồn máu đến nuôi các gân cơ chóp xoay sẽ bị suy giảm đi. Nếu bị thiếu nguồn cung cấp máu, khả năng tự sửa chữa tổn thương của cơ thể sẽ bị suy yếu. Hậu quả cuối cùng là dẫn tới rách gân.

Gai xương: Khi chúng ta lớn tuổi hơn, gai xương có thể hình thành ở phía dưới mỏm cùng vai. Khi ta giơ tay lên cao, các gân cơ chóp xoay sẽ bị chèn ép bởi gai xương này. Tình trạng này được gọi là “hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai”, và theo thời gian các gân cơ chóp xoay bị chép ép lâu ngày sẽ bị mòn và rách.

5. Các yếu tố nguy cơ

Vì hầu hết các trường hợp rách chóp xoay là do bệnh lý thoái hoá xảy ra từ từ theo thời gian khi chúng ta lớn tuổi hơn. Nên những người trên 40 tuổi sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Những người thường xuyên làm các công việc giơ tay cao quá đầu hoặc nâng vật nặng cũng dễ có nguy cơ bị rách chóp xoay. Các vận động viên là những người đặc biệt dễ bị tổn thương chóp xoay, nhất là vận động viên ten-nít, bóng chuyền. Thợ sơn, thợ mộc và những người làm công việc phải giơ tay cao quá đầu cũng có nhiều nguy cơ bị rách chóp xoay hơn những người bình thường.

6.Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp nhất của rách chóp xoay bao gồm:

Đau khi nghỉ ngơi và đau vào ban đêm, nhất là khi nằm nghiêng về bên vai bệnh.
Đau khi nâng tay lên và hạ tay xuống.
Yếu cơ khi đưa tay lên cao hoặc xoay vai.
Cảm giác có tiếng kêu trong khớp vai khi vận động một tư thế nào đó.
Nếu rách chóp xoay do chấn thương, chẳng hạn bị té ngã thì có thể đau rất dữ dội kèm theo yếu tay ngay lập tức.

Rách chóp xoay do chấn thương có thể gây đau nhiều khi nạn nhân cố gắng dạng vai.

Rách chóp xoay xảy ra từ từ do bệnh lý thoái hoá cũng gây đau và yếu tay. Bệnh nhân thường thấy đau khi dạng vai, đau cũng có thể lan từ vai xuống cánh tay.

Lúc đầu đau có thể ít và chỉ xuất hiện khi bệnh nhân giơ tay cao quá đầu. Lúc này uống thuốc giảm đau thông thường cũng có thể giúp giảm đau. Dần dần, đau trở nên nhiều và thường xuyên hơn, đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Các thuốc giảm đau thông thường sẽ không còn hiệu quả nữa. Đau và yếu cơ sẽ khiến cho các hoạt động thông thường hàng ngày như mặc áo, chải đầu trở nên rất khó khăn.

7. Bác sĩ thăm khám

Thăm khám lâm sàng
Thăm khám tầm vận động của khớp vai

Sau khi hỏi triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám khớp vai của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có điểm đau hay biến dạng nào ở quanh khớp vai hay không. Để kiểm tra tầm vận động của khớp vai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các động tác khác nhau. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sức cơ của vai.

8. Chẩn đoán hình ảnh

X quang: vì X quang không cho thấy hình ảnh mô mềm của khớp vai nên kết quả có thể là bình thường hoặc có khi cho thấy hình ảnh vôi hoá, gai xương.
Cộng hưởng từ (MRI): cho biết có rách chóp xoay hay không cũng như vị trí và kích thước của vết rách.

9. Điều trị

Nếu bạn bị rách chóp xoay mà không được điều trị. Bạn có thể sẽ làm cho tổn thương trở nên nặng nề hơn.

Vết rách chóp xoay có thể lớn hơn theo thời gian. Do đó điều trị sớm có thể giúp ngăn chặn mọi việc trở nên xấu hơn và nó cũng giúp bạn trở lại với công việc hàng ngày nhanh hơn.

Mục tiêu điều trị là giảm đau và khôi phục chức năng khớp vai. Có nhiều phương pháp điều trị rách chóp xoay tuỳ thuộc vào tuổi tác, mức độ hoạt động, kiểu rách và sức khoẻ tổng trạng của bệnh nhân.

9.1 Điều trị không phẫu thuật

Có thể giúp giảm đau và cải thiện chức năng của khớp vai ở khoảng 50% các bệnh nhân. Tuy nhiên, sức cơ của vai sẽ không cải thiện được nếu không phẫu thuật.

=>> Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: bệnh nhân nên tăng cường nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động giơ tay cao quá đầu. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân đeo đai bất động khớp vai một thời gian
  • Thay đổi công việc: tránh các công việc gây đau cho khớp vai.
  • Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid: giúp giảm đau, giảm sưng khớp vai.
  • Vật lý trị liệu: các bài tập chuyên biệt sẽ giúp khôi phục tầm vận động và tăng cường sức mạnh cho khớp vai.
  • Tiêm corticoid: corticoid là một loại thuốc có tính kháng viêm mạnh, khi tiêm vào khớp vai sẽ giúp chống viêm tại chỗ. Tuy nhiên thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nên việc sử dụng phải được bác sĩ chỉ định chặt chẽ.

9.2 Điều trị phẫu thuật

Nếu đau vẫn kéo dài và không đáp ứng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phẫu thuật. Các chỉ định phẫu thuật thường gặp bao gồm:

  • Đau đã kéo dài trên 6 tháng
  • Yếu cơ và giảm chức năng khớp vai nhiều
  • Rách chóp xoay kích thước lớn hơn 3cm
  • Rách chóp xoay do chấn thương cấp tính

Phẫu thuật nhằm mục đích khâu đính lại gân cơ chóp xoay vào chỗ bám của nó ở đầu trên xương cánh tay. Có nhiều phương pháp khâu chóp xoay khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn áp dụng cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

9.3 Phục hồi chức năng

Sau mổ, bệnh nhân cần phải đeo đai bất động khớp vai trong vài tuần, sau đó sẽ bỏ đai để tập vận động khớp. Chế độ tập vật lý trị liệu tùy thuộc vào mức độ tổn thương thấy được trong lúc mổ. Thông thường phải mất thêm vài tuần đến vài tháng để bệnh nhân có thể hết đau và hồi phục hoàn toàn chức năng của khớp vai.

Theo BSCKI: NGUYỄN VĂN HƯNG
Khoa CTCH Bệnh Viện 115 Nghệ ăn

Tham khảo bài tập PHCN rách chóp xoay vai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare