Những thay đổi trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh diễn ra khá phức tạp và liên tục, vì thế nó sẽ trở thành thách thức trong việc chăm sóc đối với cha mẹ. Và một trong những vấn đề mà cha mẹ đặc biệt quan tâm trong các cột mốc phát triển của trẻ là: Khi nào thì con tôi có thể ngủ xuyên đêm?
Ngủ xuyên đêm có nghĩa là ngủ từ 8 đến 12 giờ mà không cần ăn vào ban đêm, bởi một trong những lý do khiến trẻ không thể ngủ xuyên đêm là vì trẻ hay bị đói. Vậy làm thế nào để nhận biết rằng bé nhà bạn đã sẵn sàng ngủ xuyên đêm. Thông thường, trước khi bé có thể ngủ qua đêm, bé sẽ đạt được một vài cột mốc phát triển và tăng trưởng sau:
1. Giảm phản xạ giật mình
Phản xạ giật mình hay còn được gọi là phản xạ Moro, đây là phản ứng không tự chủ của em bé khi bị giật mình bởi tiếng động lớn bất ngờ hoặc chuyển động đột ngột trong khi ngủ. Đứa trẻ có thể đột nhiên giật cơ thể, mở rộng cánh tay, chân, vòm lưng, và sau đó lặp lại những phản xạ đó một lần nữa. Các phản xạ thường sẽ giảm đáng kể và biến mất sau vài tháng khi bé lớn hơn.
2. Tăng khối lượng cơ thể
Hầu hết các chuyên gia đều chỉ ra rằng em bé trên 3 tháng tuổi và nặng hơn 6kg có thể bắt đầu ngủ xuyên đêm với một giấc dài khoảng 7-8 tiếng.
3. Ít ăn đêm hơn
Các chuyên gia về giấc ngủ ở trẻ em lưu ý rằng, đối với trẻ sơ sinh từ 3 đến 6 tháng tuổi, ngủ xuyên đêm có nghĩa là đi ngủ từ 7 hoặc 8 giờ tối cho đến 6 hoặc 7 giờ sáng hôm sau (11 đến 12 giờ đồng hồ) với một hoặc hai lần bú sữa vào lúc 11 hoặc 12 giờ đêm. Tuy nhiên khi các em bé đã đạt từ 6 tháng tuổi trở lên thì đã có thể bắt đầu ăn đầy đủ vào ban ngày và chúng có thể ngủ suốt 11 đến 12 tiếng vào ban đêm mà không lo thức dậy vì đói.
4. Tăng khả năng tự điều chỉnh
Khi một em bé bắt đầu có thể tự mình ngủ lại khi thức giấc giữa chừng vào ban đêm thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng cho việc ngủ xuyên đêm mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Những điều cha mẹ nên và không nên làm để hình thành cho bé thói quen ngủ xuyên đêm:
Nên:
– Thiết lập cho bé một thói quen ngay từ đầu theo chu kỳ EASY (ăn – chơi – ngủ và mẹ thư giãn) để con bạn biết điều gì bé sẽ cần làm tiếp theo trong ngày.
– Dạy cho trẻ cách tự đi ngủ khi buồn ngủ.
– Đặt bé lên giường ngủ sớm, nên đặt khi bé đã buồn ngủ nhưng chưa ngủ hẳn.
– Nhất quán trong việc đưa con vào giấc ngủ (cách ru ngủ, khung giờ ngủ,…).
– Cho bé ngủ trong một không gian thoải mái và an toàn.
– Ưu tiên giấc ngủ cho trẻ là trên hết.
– Tìm kiếm đến sự trợ giúp của các chuyên gia về giấc ngủ ở trẻ để được tư vấn.
Không nên:
– Bỏ qua những thói quen xấu của trẻ khi ngủ như ngủ trễ, hay thức giấc và chơi vào ban đêm,…
– Cho bé đi ngủ quá trễ. Đối với trẻ sơ sinh, việc cho trẻ ngủ sau 9 giờ tối có thể khiến trẻ dễ mệt mỏi và cáu kỉnh.
– Cho trẻ xem tivi hay các trò chơi kích thích hoạt động trước khi ngủ.
– Bỏ qua thời gian ngủ của trẻ: Thông thường sau một ngày dài với quá nhiều trải nghiệm thì trẻ sơ sinh cần phải được nghỉ ngơi bằng một giấc ngủ sâu và dài vào buổi tối. Vì vậy dù vì bất cứ lý do gì cũng đừng bỏ qua giấc ngủ vào ban đêm của con bạn.
– Sử dụng những phương tiện hỗ trợ như võng đưa, núm vú giả… để bé chìm vào giấc ngủ.
Việc sử dụng những vật dụng này có thể hình thành cho bé thói quen phụ thuộc vào chúng và khi không có những phương tiện trên hỗ trợ bé sẽ khó khăn hơn trong việc chìm vào giấc ngủ.
Các chuyên gia khuyên rằng, nếu em bé từ 4 đến 6 tháng tuổi vẫn thức dậy nhiều lần vào ban đêm, cha mẹ nên bắt đầu tìm ra lý do đằng sau việc bé thức dậy là gì. Nếu em bé không thức dậy do đói hoặc khó chịu, thì rất có thể lý do là bé nhà bạn mắc phải một số hội chứng mất ngủ. Cha mẹ có thể giải quyết những vấn đề này bằng cách tạo cho em bé nhà mình một thói quen ngủ lành mạnh.
Nguồn: Parent
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare