PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH NHÂN TỔN THƯƠNG NÃO

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH NHÂN TỔN THƯƠNG NÃO
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thu Hương – Bác sĩ Phục hồi chức năng


Người bệnh đột quỵ não, viêm não, chấn thương sọ não… là các bệnh lý gây tổn thương não nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể bị liệt, hôn mê, thậm chí tử vong và đó cũng là những bệnh lý để lại những di chứng lâu dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bản thân người bệnh và gia đình, cũng như xã hội. Chính vì vậy, người bị tổn thương não cần được thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng não càng sớm càng tốt, tránh di chứng lâu dài.

1. Các di chứng để lại sau khi não bộ bị tổn thương
Não bộ là bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống thần kinh trung ương của con người. Tất cả các hoạt động của cơ thể, như vận động của toàn bộ cơ thể, ngôn ngữ, ăn uống, nhận thức, trí nhớ, tâm lý, cảm xúc và các giác quan khác…đều được chi phối bởi não bộ. Não bộ được phân chia thành các vùng khác nhau với các chức năng khác nhau. Những vùng này liên kết chặt chẽ với nhau, gửi thông tin qua lại thông qua các mạch kết nối, từ đó tạo nên sự phối hợp đồng bộ giữa các chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Các bệnh lý tổn thương não, như tai biến mạch máu não (đột quỵ), chấn thương sọ não, viêm não và các bệnh lý thoái hóa não là các bệnh lý làm tổn thương đến các hệ thống não bộ, dẫn đến suy giảm, mất chức năng của các phần não bị tổn thương và thường để lại di chứng. Các di chứng thường gặp do tổn thương não bao gồm

Liệt hoặc yếu vận động
Mất khả năng phối hợp động tác
Run tay chân, kèm thăng bằng
Rối loạn cảm giác: tê bì, đau thần kinh, mất cảm giác
Méo miệng, nói khó, nói ngọng, mất ngôn ngữ
Khó nuốt, ăn uống hay sặc, có khi mất khả năng nhai nuốt, phải đặt thông dạ dày
Nhìn kém, nhìn đôi, mất thị lực
Giảm, mất thính lực
Đại tiểu tiện không tự chủ
Rối loạn nhận thức: Giảm hoặc mất nhận thức, giảm trí nhớ
Tâm lý: Rối loạn cảm xúc như vui vẻ quá mức, hung hãn hoặc trầm cảm, rối loạn giấc ngủ
Các vấn đề khác: Teo cơ, cứng khớp do hậu quả của yếu, liệt vận động, đau vai, trật khớp vai, sưng đau bàn tay (Hội chứng Sudeck), loét, tắc mạch do bất động lâu, viêm phổi do hít sặc, do hệ hô hấp yếu hoặc do nằm lâu.
2. Các phương pháp phục hồi chức năng não
Thời điểm được coi là giai đoạn “vàng” giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất và hiệu quả nhất là trong vòng 1 tháng từ khi bị tổn thương hay sang chấn não, sau đó, não bộ vẫn tiếp tục hồi phục dần nhưng giảm dần khả năng tiến bộ trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau tổn thương. Sau đó, các tổn thương gần như ổn định và rất khó thay đổi, cải thiện. Để khắc phục các di chứng do tổn thương não, người bệnh cần khôi phục lại những mạch kết nối đã bị hư hại hoặc tạo ra những mạch kết nối mới. Quá trình phục hồi sau tổn thương não để tránh các di chứng cần tuân thủ những phương pháp sau để người bệnh có cơ hội khôi phục toàn diện khả năng vận động, ngôn ngữ, nhận thức và cảm giác.
Phương pháp điều trị bằng thuốc
Điều này rất quan trọng để giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe và phòng tránh tái phát bệnh đối với tai biến mạch máu não hay đột quỵ. Kiểm soát huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý liên quan tốt là một yếu tố rất quan trọng để chống các cơn đột quỵ tái diễn. Với các tổn thương não do các nguyên nhân khác, người bệnh phải uống thuốc theo toa được kê, tái khám đúng lịch hẹn để được kiểm tra sức khỏe cũng như để bác sĩ có hướng điều chỉnh thuốc đúng với tình trạng bệnh.

Tập phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau các tổn thương não cần sớm được thực hiện và nên thực hiện trong môi trường phong phú để giúp bệnh nhân cải thiện được tối đa chức năng cơ thể sau tổn thương não và có thể độc lập nhất trong sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay, các mô hình điều trị trên thế giới đã bắt đầu tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân ngay trong giai đoạn điều trị ở các đơn vị hồi sức – cấp cứu để hạn chế tối đa nhất các di chứng có thể gặp sau tổn thương não. Trong phục hồi chức năng, người bệnh có cơ hội phục hồi toàn diện chức năng cơ thể thông qua các phương pháp sau:

Vận động trị liệu
Tập vận động trị liệu sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát co cứng tứ chi, cải thiện tầm vận động khớp, tăng cường khả năng vận động tay chân, cải thiện khả năng di chuyển, đi lại, chống teo cơ, cứng khớp, giảm đau vai, chống loãng xương, chống loét và viêm phổi do nằm lâu

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, chức năng vận động và sức khỏe của người bệnh, các bác sỹ và kỹ thuật viên sẽ đưa ra chương trình tập khác nhau. Các bài tập sẽ được tăng dần độ khó và phức tạp như các bài tập vận động theo tầm vận động khớp, ức chế mẫu co cứng để tránh cứng khớp, dính khớp, và giảm co cứng cơ, các bài tập mạnh cơ để giảm tình trạng yếu liệt, các bài tập dịch chuyển để bệnh nhân có thể tự lăn trở người, tự ngồi dậy.., các bài tập thăng bằng, tập đứng, tập đi lại.

Ở đơn vị vận động trị liệu, các bác sỹ và KTV có thể phát hiện ra các vấn đề vận động chi và chỉ định nẹp chân giúp người bệnh đi lại được tốt hơn

Bên cạnh đó, trong vận động trị liệu còn có các bài tập chức năng hô hấp và phục hồi chức năng tim mạch để cải thiện chức năng tim, phổi của bạn, đặc biệt ở các bệnh nhân viêm phổi và có bệnh lý tim mạch

Ngôn ngữ trị liệu
Ở đơn vị này, người bệnh sẽ được hồi phục chức năng ngôn ngữ và chức năng nuốt

Người bệnh sẽ được tập các bài tập vận động miệng, lưỡi, các bài tập nhận thức ngôn ngữ, tập phát âm, và tập sử dụng lại ngôn ngữ như: gọi tên các đồ vật, tập đếm, xem ngày tháng năm, miêu tả tranh ảnh, nghe nhạc, nghe hoặc đọc các thông tin ngắn qua báo đài, tập nói từ câu ngắn cho đến câu dài,…

Với các người bệnh rối loạn nuốt: Các bài tập vận động miệng, lưỡi tiếp tục được duy trì, bài tập kích thích cảm giác hầu họng. Tập nuốt các loại thực phẩm có độ đặc – lỏng khác nhau. Bác sỹ và KTV ngôn ngữ có thể chỉ định sử dụng các chất làm đặc nước để hạn chế uống sặc ở các bệnh nhân có rối loạn nuốt

Hoạt động trị liệu
Tại đơn vị hoạt động trị liệu, người bệnh sẽ được tập chức năng bàn tay (như tập cầm, nắm các đồ vật có kích thước khác nhau, từ to đến nhỏ, từ nhẹ đến nặng, tập cầm thìa, đũa), các phương thức độc lập hóa trong các vấn đề sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, chải răng, rửa mặt, thay quần áo và tập nhận thức để tăng cường trí nhớ, cải thiện khả năng tư duy, đã bị ảnh hưởng sau tổn thương não

Người bệnh có thể sẽ được làm các nẹp và các dụng cụ trợ giúp thông minh để dễ dàng thực hiện các chức năng bàn tay trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong công việc, ví dụ như nẹp trợ giúp cầm bút thông minh, nẹp hỗ trợ cầm chuột máy tính,…

Phục hồi chức năng đại tiểu tiện
Người bệnh sau tổn thương não có thể bị đại tiểu tiện không tự chủ, một phần do rối loạn nhận thức, một phần do vùng não bị tổn thương là vùng kiểm soát đại tiểu tiện. Các rối loạn này có khả năng tự hồi phục nhưng cần thời gian. Các bài tập chức năng đại tiểu tiện, kích thích điện hậu môn và thần kinh vùng thắt lưng cùng sẽ hỗ trợ phục hồi chức năng đại tiểu tiện của người bệnh

Chế độ sinh hoạt
Bệnh nhân mắc di chứng sau các tổn thương não cần duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh: ăn, ngủ, nghỉ, tập luyện đúng giờ và khoa học, tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… Gia đình nên để người bệnh chủ động trong mọi việc nhiều nhất có thể dù những thao tác của họ còn vụng về.

Dinh dưỡng đủ chất và sử dụng các chất bổ não đúng cách
Việc duy trì một chế độ ăn phù hợp, cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể đặc biệt là bổ sung các chất có ích cho não bộ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau tổn thương não

Lưu ý những món ăn cho người bệnh cần có đủ các nhóm chất như đạm, tinh bột, chất xơ và cá

https://bluecare.vn/app
Click ngay để tải app miễn phí Bluecare
bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*