Bong nhau thai là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở ba tháng cuối của thời kỳ thai nghén với diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi.
Bong nhau thai là gì
Bong nhau thai là một hiện tượng khá nguy hiểm khi nhau thai bị tách một phần hay hoàn toàn khỏi tử cung trước khi em bé ra đời.
Bánh rau bị bong ra sẽ cắt đứt nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng của mẹ cho thai nhi và có thể gây xuất huyết nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả hai. Bong nhau thai cũng làm gia tăng nguy cơ đối với sự phát triển của thai nhi (nếu nhau thai chỉ bị bong một phần nhỏ) như sinh non hay thai chết lưu.
Hiện tượng bong nhau thai xảy ra với tỷ lệ 1/150 bà mẹ mang thai, thường phổ biến trong giai đoạn cuối thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào sau tuần thai thứ 20.
Làm sao để biết được mình bị bong nhau thai
Trong hầu hết các trường hợp, bong nhau thai sẽ gây xuất huyết âm đạo từ ít đến nghiêm trọng. Đôi khi, có sự hình thành khối máu tụ sau nhau thai nên bạn có thể không thấy hiện tượng tượng xuất huyết.
Phần lớn các bà mẹ mắc chứng này sẽ bị đau tử cung hay đau lưng. Và trong gần 1/4 số trường hợp, các bà mẹ sẽ phải sinh con sớm hơn dự kiến.
Nếu bạn phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bong nhau thai, bạn cần tới bệnh viện để kiểm tra ngay. Các test kiểm tra bao gồm đo nhịp đập của tim thai và siêu âm (siêu âm thường không thể phát hiện ra nếu nhau thai bị bong một phần nhỏ, nhưng nó có thể giúp chẩn đoán hiện tượng “nhau thai tiền đạo” một nguyên nhân khác có khả năng gây xuất huyết tử cung.)
Nếu tử cung của bạn không bị xuất huyết, bác sỹ sẽ kiểm tra âm đạo và cổ tử cung để xác nhận xem hiện tượng xuất huyết có do nhiễm trùng, rách, polyp tử cung hay nguyên nhân nào khác hay không. Ngoài ra việc kiểm tra cũng giúp xác nhận nếu tử cung của bạn bị mỏng hay bị giãn nở quá mức cũng là nguyên nhân gây vỡ các mạch máu nhỏ và dẫn tới xuất huyết.
Nếu bạn thuộc nhóm máu Rh (-) và bị xuất huyết âm đạo trong 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối thai kỳ, bạn sẽ cần được tiêm globulin miễn dịch yếu tố Rh, trừ khi người cha của đứa trẻ cũng thuộc nhóm máu Rh (-).
Hãy tới bệnh viện ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu sau:
Xuất huyết âm đạo hay có đốm xuất huyết,
Bạn bị vỡ ối và trong nước ối có máu
Bị chuột rút, đau tử cung, đau bụng hoặc đau lưng
Thường xuyên bị co thắt tử cung hay cơn co thắt liên tục
Bạn không thấy đứa trẻ chuyển động trong dạ con nhiều như trước kia
Xuất huyết nặng và có dấu hiệu của shock – kiệt sức, ngất, da xanh tái, vã mồ hôi, mất định hướng, tim đập thình thịch.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bị chứng bong nhau thai
Nếu bạn gặp phải hiện tượng này khi gần đến ngày sinh, bạn sẽ cần phải sinh ngay lập tức ngay cả khi hiện tượng bong này nhỏ không đáng kể do nhau thai có thể bong nhiều hơn về sau. Trong trường hợp bạn bị xuất huyết nặng hay đứa trẻ có dấu hiệu thiếu oxy, bác sỹ sẽ chỉ định sinh mổ.
Tuy nhiên, nếu bác sỹ chẩn đoán bạn chỉ bị xuất huyết nhẹ do bong một phần nhỏ của nhau thai, cả người mẹ và đứa trẻ đều không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì bạn có thể được sinh thường, nhưng phải trong bệnh viện nơi có các dịch vụ cấp cứu sẵn sàng đề dự phòng bất cứ tai biến nào xảy ra.
Nếu bác sỹ nghi ngờ thai phụ bị bong nhau thai nhẹ và em bé chưa đủ tuần tuổi để ra đời, đồng thời cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, bác sỹ có thể cho phép trì hoãn việc sinh con lại một thời gian ngắn. Tại thời điểm này, cả bác sỹ và người mẹ sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa việc sinh sớm hay nguy cơ khi chứng bong nhau thai trở nên trầm trọng hơn.
Bạn có thể được kê đơn corticosteroid để thúc đẩy nhanh sự phát triển phổi của thai nhi và để phòng một số vấn đề liên quan đến đẻ non. Thường thì những phụ nữ mắc chứng bong nhau thai sẽ phải nhập viện và được theo dõi liên tục để sinh con ngay trong trường hợp chứng bong nhau thai trở nên trầm trọng hơn hay khi thai nhi gặp phải bất cứ vấn đề sức khỏe gì.
Những đối tượng có nguy cơ cao
Nguyên nhân gây chứng bong nhau thai hiện chưa được làm rõ, tuy nhiên những đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao bao gồm:
– Những người đã từng bị bong nhau thai ở lần mang thai trước (nếu bạn đã từng gặp phải trường hợp này trong hơn hai lần mang thai, nguy cơ thậm chí còn cao hơn nữa).
– Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính, tăng huyết áp thai kỳ hay tiền sản giật.
– Những người có rối loạn đông máu.
– Những thai phụ bị vỡ ối quá sớm.
– Những thai phụ có quá nhiều nước ối.
– Những người đã từng bị xuất huyết đầu thai kỳ.
– Những bà mẹ mang thai đa (hiện tượng bong nhau thai thường hay xảy ra ngay sau khi đứa trẻ đầu tiên được sinh ra).
– Những phụ nữ đã từng bị tai nạn xe (đặc biệt là xe hơi) và chấn thương vùng bụng.
– Những phụ nữ tiếp xúc với khói thuốc lá hay sử dụng methamphetamine hay cocaine hoặc uống quá nhiều rượu.
– Những bà mẹ mang thai khi đã cao tuổi (nguy cơ tăng theo độ tuổi của mẹ).
– Những phụ nữ bị bất thường trong tử cung hay u xơ tử cung (đặc biệt là u xơ ở sau vị trí bám của nhau thai.)
Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam
Xem thêm: dư ối đa ối và cách khắc phục hiệu quả
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare