Tại sao nói “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”? Sữa mẹ rất quan trọng với trẻ sơ sinh, là nguồn dinh duỡng không thể thiếu được đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? Có rất nhiều câu hỏi như vậy và dưới đây Bluecare xin chia sẻ giải đáp cho “Các câu hỏi thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ” các mẹ cùng tham khảo nhé.
Contents
Sữa mẹ dễ tiêu hơn sữa bò
Đầu tiên, hãy khảo sát thành phần các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ để thấy vì sao sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho trẻ. Tất cả các loại sữa đều chứa chất béo; chất béo này cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể trẻ và động vật. Trong sữa mẹ có chứa những chất béo cần thiết và chất béo này không hề hiện diện trong sữa bò. Những chất béo này rất cần cho sự phát triển của não, mắt và sự vững bền của các mạch máu. Men lipase trong sữa mẹ giúp tiêu hóa chất béo được dễ dàng hơn so với việc tiêu hóa chất béo trong sữa bò. Phân của trẻ bú mẹ thường mềm, một số trẻ bú mẹ có thể không đi cầu nhiều ngày nhưng điều đó hoàn toàn bình thường.
Sữa động vật có nhiều đạm hơn sữa mẹ và chúng không thích hợp cho hai thận còn non nớt của trẻ. Đạm trong sữa bò vón cục đặc hơn nên sữa bò khó tiêu hơn so với sữa mẹ; tính không dung nạp (khó tiêu) với đạm trong sữa bò có thể làm trẻ bị tiêu chảy hoặc mắc các bệnh dị ứng khác.
Sữa mẹ giúp tạo kháng thể, nhiều các vitamin và khoáng chất hơn sữa bò
Trong sữa mẹ còn có protein kháng khuẩn, do đó, bú mẹ giúp cho trẻ có kháng thể chống lại sự nhiễm khuẩn trong những tháng đầu đời khi mà cơ thể trẻ chưa tự tạo ra kháng thể cho mình.
Sữa mẹ chứa các vitamin quan trọng nhiều hơn sữa bò, đặc biệt là vitamin A và vitamin C. Nếu bà mẹ được cung cấp đủ vitamin A trong thức ăn thì lượng vitamin A chứa trong sữa mẹ có thể cung cấp đủ cho trẻ cả đến năm thứ hai của cuộc đời. Vitamin A có thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh khô mắt.
Sắt đóng vai trò quan trọng để phòng chống thiếu máu, mỗi lượng sữa khác nhau đều chứa một lượng sắt rất nhỏ (khoảng 0.5 – 0.7mg/l) nhưng có một sự khác biệt quan trọng. Chỉ khoảng 10% sắt trong sữa bò được hấp thu nhưng có khoảng 50% sắt được hấp thu từ sữa mẹ; những đứa trẻ được nuôi từ sữa bò có thể không nhận đủ sắt và thường bị thiếu máu; trẻ được bú mẹ hoàn toàn thì nhận đủ sắt và được bảo vệ chống lại bệnh thiếu máu do thiếu sắt ít nhất đến sáu tháng tuổi.
Sữa mẹ không chỉ là thức ăn cho trẻ. Trong năm đầu tiên, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ và không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Trong sữa mẹ có chứa những kháng thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, trong sữa bò không hề có sự hiện diện của kháng thể.
Mẹ ăn gì, con bú nấy, điều này có đúng không – cụ thể ra sao?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, lượng sữa mẹ sẽ giảm hoặc sẽ bị ảnh hưởng ví dụ như ăn nhiều gia vị có thể làm giảm sự tiết sữa, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm sống có thể làm trẻ khó tiêu, đồ uống có chứa caffein hoặc trà, có thể kích thích làm trẻ khó ngủ. Để có nguồn sữa mẹ dồi dào, nên ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, uống nhiều nước.
Nuôi con bằng sữa mẹ có những lợi ích gì?
Lợi ích cho mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giữa mẹ và trẻ hình thành mối quan hệ gần gũi yêu thương, trẻ khóc ít hơn và có thể phát triển tốt hơn. Sự tiếp xúc sớm của trẻ với bà mẹ sẽ mang đến cho bà mẹ những giây phút đầu tiên hạnh phúc nhất đồng thời tình cảm mẹ con gắn bó sẽ tác động rất tốt đến việc giáo dục trẻ sau này.
Khi đứa trẻ nút vú, xung động cảm giác đi từ núm vú lên não tác động lên thùy trước tuyến yên ở não giúp bài tiết prolactin. Prolactin đi vào máu đến vú làm cho các tế bào bài tiết sữa sản xuất sữa, chính vì thế nó giúp cho vú tạo sữa cho bữa ăn tiếp theo. Prolactin làm cho bà mẹ cảm thấy thư giãn, đôi khi buồn ngủ; vì vậy bà mẹ có thể nghỉ ngơi tốt ngay cả khi cho bú vào ban đêm. Mặt khác, việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể trì hoãn việc phóng noãn và có kinh lại do prolactin ức chế sự phóng noãn nên nếu cho con bú mẹ hoàn toàn bà mẹ có thể chậm có thai lại.
Sau khi sanh, tử cung co chắc lại thành một khối cầu an toàn để thực hiện cầm máu, việc cho bú sớm nửa giờ đầu sau sanh sẽ giúp tử cung co lại tốt hơn, và giảm việc chảy máu sau sanh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy người mẹ cho con bú ít có nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng hơn người không cho con bú mẹ; mẹ cho con bú sẽ sớm lấy lại vóc dáng như mong muốn do sự tiêu thụ tích cực nguồn năng lượng.
Sữa mẹ luôn có sẵn với nhiệt độ thích hợp, mẹ có thể cho bé bú bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu mà không cần phải tiệt trùng bình sữa, pha sữa hay hâm nóng sữa.
Bất kỳ một loại sữa nhân tạo nào dù rẻ nhất được dùng cho trẻ cũng làm tốn một khoảng tiền không nhỏ trong ngân sách chi tiêu gia đình.
Lợi ích cho con
Khi cho con bú mẹ, trẻ sẽ được mẹ ủ ấm, chống mất nhiệt sau sanh. Trong sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, dễ hấp thu và hoàn toàn phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Sữa mẹ có chứa kháng thể, giúp trẻ chống lại bệnh tật và tình trạng dị ứng thức ăn của trẻ.
Mặt khác dù một số loại sữa đắt tiền có chất lượng gần giống sữa người nhưng chất lượng đạm và chất béo không bao giờ so sánh được với sữa mẹ và cũng không có bất kỳ hiệu sữa bột nào có chứa các chất kháng khuẩn.
Tại sao trẻ bú mẹ ít có nguy cơ mắc bệnh?
Sữa mẹ dành cho trẻ, là thức ăn thích hợp đối với trẻ. Trong sữa mẹ chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, nhiều đường lactose, đạm sữa mẹ dễ tiêu hơn đạm trong sữa bò do đó trẻ được bú mẹ ít bị các bệnh dị ứng. Trong sữa mẹ có nhiều taurine, chất rất cần cho sự phát triển của bộ não, và men lipase, giúp tiêu hóa toàn bộ chất béo và men này không hề hiện diện trong sữa hộp.
Hàm lượng các vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ rất cao, đặc biệt là vitamin A, C và chất sắt; có đến 50% lượng sắt trong sữa mẹ được hấp thu hết trong khi chỉ có 10% lượng sắt có trong sữa hộp là được hấp thu. Điều này cho thấy trẻ bú mẹ ít có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Một thành phần đặc biệt quan trọng mà không loại sữa hộp nào có thể bắt chước được đó là trong sữa mẹ có chứa các yếu tố gây miễn dịch, như một liều vắc cin tự nhiên giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ sẽ có thời gian gần gủi mẹ nhiều hơn, gắn kết với mẹ hơn và ít khóc hơn.
Các thành phần trong sữa mẹ có giống nhau không?
Thực chất các thành phần trong sữa mẹ thường không giống nhau; nó thay đổi theo tuổi của trẻ và thay đổi trong suốt một cử bú.
Sữa non có từ các ngày đầu sau sinh, sữa non có lượng ít, đặc và sáng màu. Sau vài ngày, sữa non chuyển thành sữa chuyển tiếp, lượng sữa nhiều hơn. Sữa đầu có màu hơi xanh được sản xuất vào đầu bữa bú, sữa cuối có màu trắng hơn được sản xuất vào cuối bữa bú. Sữa cuối chứa nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng và hàm lượng chất béo tăng dần vào cuối bữa bú. Sữa đầu được sản xuất với một lượng lớn, cung cấp nhiều protein, lactose và các chất dinh dưỡng khác và bởi vì trẻ bú một lượng lớn sữa đầu nên trẻ đã nhận được một lượng lớn nước, do đó khi bú mẹ trẻ không cần phải cho trẻ uống thêm nước. Sữa non tuy ít nhưng rất quan trọng. Sữa non cung cấp cho trẻ nhiều kháng thể và các protein kháng khuẩn giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng – đây chính là những nguy cơ đối với trẻ sơ sinh – như tiêu chảy nhiễm trùng, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp.
Sữa non dễ tiêu hóa giúp trẻ phòng chống các bệnh dị ứng tiến triển và bất dung nạp với các loại thức ăn khác. Sữa non còn có tác dụng xổ nhẹ, giúp tống phân su đồng thời giàu vitamin A hơn sữa chuyển tiếp. Sữa non tuy ít nhưng nhiều năng lượng, nói tóm lại sữa non là tất cả những gì trẻ cần trong những giờ đầu sau sanh.
Nhiều bà mẹ có suy nghĩ, sữa mẹ chỉ có dinh dưỡng trong 6 tháng đầu – càng về sau càng ít chất, điều này được hiểu như thế nào?
Theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cần cho bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu và có thể tiếp tục cho bé bú mẹ cùng với nguồn thức ăn bổ sung hợp lý cho đến khi bé được 2 tuổi để giúp trẻ phát triển toàn diện.
Hàm lượng vitamin A, C và sắt vẫn không giảm nhiều trong hai năm đầu tiên nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ đầy đủ vì vậy nếu vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ bên cạnh chế độ ăn dặm đúng cách, bà mẹ có thể đảm bảo một cách chắc chắn là đứa con thân yêu của mình đã nhận đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng có giá trị cao nhất cho đến năm thứ hai của cuộc đời; tiếp tục cho bú trong năm thứ hai có thể giúp trẻ tránh được tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt đối với những trẻ có nguy cơ cao.
Có nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ khi mẹ đi làm?
Sữa mẹ là nguồn dinh duỡng không thể thiếu được đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ trong hai năm đầu tiên rất quan trọng.
Khi bạn phải đi làm, việc duy trì cho bé bú mẹ hoàn toàn có thể thực hiện được dù sẽ khiến bạn khá vất vả. Nếu bạn sống gần nơi làm việc thì đó là một thuận lợi để bạn có thể tranh thủ thời gian nghỉ về cho con bú. Nếu bạn không có điều kiện về nhà cho con bú thì bạn cần chủ động hơn trong việc này. Điều quan trọng là bạn không nên nghĩ rằng phải tập cho bé bú bình trước khi đi làm vì không thể duy trì việc bú mẹ mà bạn hãy tin rằng bạn có thể vừa đi làm, vừa có thể tiếp tục cho bú mẹ được. Bạn có thể chuẩn bị cho hai mẹ con như sau:
Trước khi trở lại làm việc vài ngày, bạn hướng dẫn cho người nhà cách cho ăn và chăm sóc bé. Bạn cũng nên nhắc người nhà không nên cho bé ăn hoặc uống sữa trước khi bạn đi làm về khoảng 1-2 tiếng; để bé đói bạn có thể cho bé bú được ngay khi vừa về đến nhà.
Trong thời gian đi làm, bạn nên tranh thủ cho bé bú sữa mẹ vào ban đêm, lúc sáng sớm và bất cứ lúc nào ở nhà, điều này sẽ giúp duy trì lượng sữa mẹ. Như vậy bé sẽ nhận được thêm sữa mẹ ngay cả khi bắt đầu cho ăn dặm. Hàng ngày, bạn vắt sữa để lại trước khi đi làm và bảo quản trong tủ lạnh, người nhà sẽ cho bé uống bằng ly, muỗng.
Bạn nên thu xếp thời gian để vắt sữa, thức dậy sớm hơn nửa giờ mỗi sáng để kịp vắt sữa và cho bú. Việc vắt sữa ra trong khi đi làm giúp kích thích khả năng tiết sữa của bạn, giúp cho bạn được thoải mái và bớt chảy sữa khi đi làm và bé vẫn nhận được đầy đủ sữa mẹ dù mẹ không thể ở bên bé cả ngày.
Bạn hãy vắt càng nhiều sữa càng tốt. Sữa được vắt vào một ly sạch có miệng rộng, đậy lại và để vào ngăn mát tủ lạnh.
Làm ấm sữa trước khi cho bé ăn, không cần phải đun nóng hoặc làm nóng sữa trong lò vi sóng vì như thế sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng có trong sữa. Không cho bé sử dụng sữa đã được hâm nóng trở lại.
Khi cho bé uống sữa, bạn cần chú ý không rót sữa vào miệng bé mà chỉ đặt vào môi để bé tự dùng lưỡi đưa sữa vào miệng.
Bạn cũng có thể vắt sữa ở nơi làm việc, cho vào bình sạch có nắp đậy mang theo và đem về nhà cho bé bú. Nếu không thể bảo quản, bạn có thể tận dụng để uống hoặc bỏ đi, sữa sẽ lại tiết ra.
Một số lưu ý khi vắt sữa và bảo quản sử dụng sữa vắt
Vắt sữa đúng: Đầu tiên, bạn rửa tay sạch, dùng một ly có miệng rộng đã được rửa sạch bằng xà phòng và nước, tráng lại bằng nước sôi. Ngồi tựa lưng vào ghế một cách thoải mái, sau đó lau sạch vú bằng một khăn ấm. Sau đó, một tay nâng vú, một tay nhẹ nhàng xoa nắn vú từ trên xuống. Đặt ngón tay cái lên trên quầng vú và núm vú, ngón tay trỏ ở dưới quầng vú và núm vú đối diện ngón cái, các ngón khác đỡ vú. Ấn ngón cái, ngón trỏ nhiều lần để vắt sữa. Xoay các ngón tay quanh vú để vắt hết sữa.
Để có thể vắt được nhiều sữa nhất: bạn nên vắt sữa theo từng cữ bú trong ngày của bé, lý tưởng nhất là 3 tiếng vắt một lần, điều này giúp cho nguổn sữa mẹ vẫn được dồi dào mặc dù mẹ ít cho con bú trực tiếp. Bạn không nên “để dành” sữa trong vú vì làm như vậy có thể khiến bạn rất khó chịu vì cương tức sữa và vô tình làm cho sữa của mình ít dần đi. Hãy cố gắng thư giãn trước những áp lực từ công việc để có nguồn sữa tốt nhất cho bé. Đừng ngại chia sẻ và đề nghị sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp để bạn có thể vừa hoàn thành tốt công việc của mình, vừa có đủ thời gian và nguồn sữa dồi dào cho con. Ngoài ra, bạn nên duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng và uống 2 lít nước mỗi ngày bởi nước cũng là một trong những yếu tố giúp tăng lượng sữa mẹ.
Bảo quản và sử dụng: Mỗi lần vắt sữa, bạn nên cho sữa vào một túi hoặc bình riêng và đánh số để chú ý không cho bé bú sữa đã để quá lâu. Bạn cũng không nên đổ sữa cũ và sữa mới vào cùng một bình. Sữa để dành trong ngăn mát tủ lạnh. Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa bảo quản được khoảng 24h, và nếu để trong ngăn đá thì có thể giữ được vài tuần, thậm chí vài tháng nếu điều kiện vô trùng tốt. Sữa mẹ có thể bảo quản lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn.
Cho trẻ bú đến khi nào, và cần làm gì để duy trì nguồn sữa?
Nên cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 18 – 24 tháng, không nên cai sữa trước 12 tháng hoặc sau 3 tuổi. Việc cai sữa phải từ từ để trẻ làm quen dần với thức ăn mới.
Khi trẻ bị ốm hoặc tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ để bảo đảm dinh dưỡng.
Đôi khi bạn có cảm giác mình ít sữa, việc cho con bú nhiều lần sẽ giúp tăng tiết sữa. Bạn nên ăn đủ chất, uống nhiều nước và uống thêm sữa.
Cho trẻ bú mỗi lần một bên vú để trẻ nhận đủ các thành phần dinh dưỡng của sữa; nếu trẻ bú không hết, bạn nên vắt hết phần sữa thừa để giúp duy trì nguồn sữa.
Bạn cần phải có một tinh thần thoải mái, tránh làm việc quá sức và căng thẳng. Bạn cũng nên tránh sử dụng nhiều gia vị; rượu bia và thuốc lá sẽ làm giảm sự tiết sữa do đó bạn cũng nên tránh.
Khi cho con bú mẹ liên tục thì khả năng có thai lại sẽ giảm đi tuy nhiên bạn cũng nên thận trọng vì việc có thai sớm khi con còn bú sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc cũng như việc nuôi con của bạn rất nhiều.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giữa mẹ và trẻ hình thành mối quan hệ gần gũi yêu thương, trẻ khóc ít hơn và có thể phát triển tốt hơn. Sự tiếp xúc sớm của trẻ với bà mẹ sẽ mang đến cho bà mẹ những giây phút đầu tiên hạnh phúc nhất đồng thời tình cảm mẹ con gắn bó sẽ tác động rất tốt đến việc giáo dục trẻ sau này.
CN Điều dưỡng Đỗ Thu Cẩm
Bấm vào ảnh để tải App Bluecare