Lượt xem: 176

Contents

Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

Bé gái sơ sinh có bề mặt da mỏng và nhạy cảm ở vùng kín, do đó, nếu không được vệ sinh sạch sẽ và đúng cách, chúng có thể dễ dàng bị nhiễm trùng và viêm nhiễm. Ngoài ra, việc vệ sinh vùng kín còn giúp bé cảm thấy thoải mái và sảng khoái, giảm thiểu khả năng bé khó chịu, quấy khóc, và giúp bé ngủ ngon hơn. Dưới đây Bluecare xin chia sẻ hướng dẫn vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh khi tắm, các bạn cùng tham khảo để chăm sóc con tốt hơn nhé.

Khám phá loạt bài về vệ sinh thân thể bé:

Mặt | Tai | Mắt |  Mũi | Rơ lưỡi | Chăm sóc rốn | Vùng kín bé gái | Vùng kín bé trai

Trong bài viết này

Tại sao mẹ phải chú ý vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh?

Vùng kín của bé gái sơ sinh cũng có thể bị viêm

Thông thường, chúng ta thường quan tâm đến vệ sinh vùng kín khi bắt đầu dậy thì và trưởng thành. Việc vệ sinh vùng kín cho các em bé ít được chú ý. Rất nhiều mẹ ngạc nhiên khi biết rằng vùng kín của trẻ cũng có thể bị viêm nhiễm. 

Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy – Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội, không chỉ người lớn bị viêm nhiễm mà trẻ nhỏ cũng nhiều bé bị viêm. Trong quá trình khám thực tế bác sĩ đã từng gặp trường hợp bé gái bị viêm nhiễm vùng kín. Có trẻ chỉ vài tháng tuổi cũng bị viêm nhiễm vùng kín. Ở trẻ em không hay bị viêm âm đạo mà chỉ bị viêm vùng âm hộ phía ngoài.

Nguyên nhân là vì mặc dù cơ quan sinh dục của các bé vẫn đang trên đà phát triển nhưng cũng gần tương tự như người trưởng thành và cũng có nguy cơ viêm nhiễm cao. Việc vệ sinh đúng cách vùng kín sẽ giúp khu vực này được bảo vệ tránh khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập – nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm khó chịu và nhiều hệ lụy.

Nguyên nhân bé gái sơ sinh bị viêm vùng kín

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm vùng kín ở các bé gái nhỏ:

Do mặc bỉm và vệ sinh không đúng cách:  Theo PGS. TS. BS. Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Sinh sản Giới tính Việt Nam cho biết, ở bé sơ sinh, nguyên nhân gây viêm vùng kín chủ yếu cho bé là việc đóng bỉm thường xuyên và không vệ sinh đúng cách khi thay bỉm.

Theo bác sĩ Tạ Việt Cường – Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội – cho biết, dù tỷ lệ trẻ bị viêm âm đạo không nhiều, nhưng các phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.

• Trẻ có thể bị viêm âm đạo do giun kim. Giun kim chui ra từ hậu môn (chủ yếu ban đêm) sẽ xâm nhập lên vùng âm đạo của trẻ và gây viêm âm đạo trẻ.

Việc vệ sinh hằng ngày cho trẻ không sạch sẽ. Điển hình như việc tay người lớn tiếp xúc với mầm bệnh. Trước khi vệ sinh vùng kín cho trẻ, người lớn không rửa tay bằng xà phòng. Từ đó, dễ lây nhiễm sang cho trẻ.

Để phòng bệnh viêm vùng kín cho trẻ, bác sĩ Cường khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm đến việc vệ sinh cá nhân hằng ngày cho con. Thường xuyên tuân thủ quy tắc vệ sinh. Khi vệ sinh, phải đặc biệt chú ý đến việc rửa tay của người lớn trước.

Từ đó, tránh lây vi khuẩn từ tay sang trẻ. Ngoài ra, các gia đình không nên giặt chung quần áo của người lớn với trẻ. Bởi, nhiều loại bệnh có thể lây nhiễm qua con đường này.

Trong quá trình nuôi con, cần chú ý tẩy giun định kỳ, tùy theo độ tuổi cho trẻ, dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Vệ sinh vùng kín ở bé gái cần được chú ý cẩn thận hơn so với bé trai

– Cấu tạo vùng kín của bé gái phức tạp và khó vệ sinh hơn bé trai. 

– Hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, hệ thống mạch máu thưa và da vùng kín lại mỏng, dễ tổn thương.

– Môi trường pH âm đạo trung tính và thiếu kháng thể bảo vệ. Nên các loại nấm, vi khuẩn, v.v dễ dàng xâm nhập.

– Cơ quan sinh dục vẫn đang phát triển nên bị thiếu các rào chắn sinh lý để ngăn ngừa sự viêm nhiễm như môi nhỏ, môi lớn chưa phát triển. Màng trinh và biểu mô âm đạo rất mỏng. Nên dễ dàng bị tác động. 

– Môi trường âm đạo lại thường xuyên ẩm ướt, tiếp xúc với nước tiểu, phân. Nên nguy cơ viêm nhiễm tương đối cao. Bé dễ dàng bị hăm và viêm. 

Thời điểm và nguyên tắc

Khi nào nên vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh ?

Việc vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh phải được thực hiện hàng ngày, sau khi thay bỉm và sau khi tắm. Trẻ rất nhạy cảm. Bé thường khóc để báo với cha mẹ về tình trạng ngứa ngáy, khó chịu của mình. 

Trung bình, một đứa trẻ cần được thay tã sau mỗi 4 tiếng 1 lần cho dù là tã có bị bẩn hay không, nghĩa là khi kiểm tra thấy tã của bé đang mặc vẫn cần “sạch trơn” thì mẹ vẫn cần phải thay cho bé 1 cái tã mới nếu như đã qua 4 tiếng đồng hồ, điều này sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn cho bé và tất nhiên, nếu bé “ị đùn” hoặc làm ướt tã thì mẹ cần phải thay ngay 1 cái tã khác cho bé, trước khi các chất bẩn kịp bám vào da của bé.

Đặc biệt, ở những tháng đầu đời, thời gian thay tã cho trẻ sơ sinh cần được rút ngắn lại hơn thế nữa, cụ thể sau 2-3 tiếng bé sẽ cần 1 chiếc tã mới.

Các nguyên tắc vệ sinh vùng kín cho bé:

– Luôn rửa tay sạch trước khi vệ sinh vùng kín cho con: nếu mẹ không làm điều này rất dễ khiến cho vi khuẩn từ tay mẹ lan sang bộ phận sinh dục của con.

– Thực hiện thao tác vệ sinh nhẹ nhàng từ phía trước ra phía sau: việc làm này sẽ hạn chế các vi khuẩn gây hại từ hậu môn đi lên bộ phận sinh dục khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm.

– Không thực hiện thao tác quá mạnh, không thụt rửa vào âm đạo của trẻ: mục đích để tránh khiến cho vùng kín của trẻ bị trầy xước hoặc tổn thương.

Hướng dẫn vệ sinh vùng kín cho bé gái

Các bước vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

Chuẩn bị dụng cụ:

  • Nước ấm.
  • Bông gòn cắt miếng.
  • Khăn mềm (khăn xô).
  • Tã bỉm.

Chuẩn bị không gian:

  • Đặt bé nằm trên nền tảng phẳng và ổn định.
  • Không nên làm bé cảm giác lạnh hoặc không thoải mái trong quá trình vệ sinh

Các bước vệ sinh vùng kín bé gái sơ sinh đúng cách:

Ở trẻ nhỏ vẫn còn đóng bỉm, mồ hôi và các chất khác có thể tích tụ trong và xung quanh môi âm hộ. Bạn chỉ cần làm sạch bên trong và xung quanh môi âm hộ để làm sạch cặn nước tiểu và chất thải của bé.

  • Bước 1: Trước khi vệ sinh vùng kín cho bé gái người mẹ lưu ý cần rửa tay thật sạch.
  • Bước 2: Một tay mở tã bẩn ra, tay còn lại cầm nhấc nâng 2 chân bé lên nhẹ nhàng để lấy tã bẩn ra ngoài.

Quy tắc trình tự vệ sinh vùng kín cho bé gái: từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, lau theo thứ tự bụng, mông, lưng, đùi, vùng kín.

  • Bước 3: Nhúng khăn mềm vào nước ấm, sau khi lau bụng thì đến mông, nên quan sát mông xem có bị lây bẩn ra ngoài không.
  • Bước 4: Quan sát da và vùng sinh dục của bé. Dùng khăn mềm lau khô nhẹ nhàng từ trên xuống dưới vùng kín của bé.Cẩn thận không dùng khăn quá sức, đặc biệt là ở vùng nhạy cảm như màng trinh hay vùng xương chậu của bé, để tránh làm tổn thương da.
  • Bước 5: Mặc tã mới cho bé. Theo PGS. TS. BS. Lưu Thị Hồng, mỗi lần thay bỉm cho con cần phải lau rửa thật sạch, thấm khô rồi mới đóng bỉm mới.
  • Bước 6: Rửa sạch tay với xà phòng và nước sạch sau khi vệ sinh xong.
Vệ sinh vùng kín bé gái đúng cách rất quan trọng

Các bước vệ sinh vùng kín cho bé gái từ 1-5 tuổi

Bước 1: Sát khuẩn, rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh cho bé. Dùng nước sạch vệ sinh khu vực mông và vùng kín. Hạn chế hoặc tốt nhất là không dùng hóa chất khi vệ sinh khu vực này.

Bước 2: Dùng nước sạch hoặc vòi hoa sen nhẹ nhàng vệ sinh từ trước ra sau, không thụt sâu vào âm đạo.

Bước 3: Dùng khăn mềm sạch thấm khô cho bé từ trước ra sau. Với các bé 1-2 tuổi nếu vẫn đóng bỉm (ví dụ bỉm đêm), có thể bôi thêm kem chống hăm.

Một số bé tự lập sớm, từ 4-5 tuổi đã có thể tự tắm, vệ sinh vùng kín. Mẹ nên hướng dẫn con tỉ mỉ, chu đáo, đảm bảo bé vệ sinh vùng kín đúng cách. Chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể tình trạng vùng kín của bé gái có mùi hôi.

Bước 4: Mặc quần lót cho bé. Mẹ lưu ý chọn quần có kích cỡ vừa với bé, không quá chặt hoặc quá lỏng, có chất liệu mềm mại, thoáng khí và thấm hút dễ dàng.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống, dinh dưỡng của bé cũng quan trọng và có thể ảnh hưởng đến việc vùng kín của bé gái có mùi. 

Những sai lầm thường gặp khi vệ sinh vùng kín cho bé gái

Vệ sinh vùng kín cho bé gái bằng xà bông hoặc sữa tắm

Sản phẩm sữa tắm thường có chất kiềm, tẩy rửa. Mục tiêu của sản phẩm này là diệt khuẩn nên nếu sử dụng cho vệ sinh vùng kín có thể tiêu diệt các lợi khuẩn cho khu vực này của bé. Từ đó khiến làn da của bé trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng.

Dùng dung dịch vệ sinh của người lớn vệ sinh vùng kín cho trẻ

Môi trường pH âm đạo của trẻ và của phụ nữ trưởng thành là khác nhau. Dung dịch vệ sinh được sản xuất phù hợp với lứa tuổi. Nên không thể tùy tiện dùng sản phẩm dành cho mẹ để sử dụng cho con. Chưa kể, trong sản phẩm của người lớn có thể có các chất tạo màu, tạo bọt, tính sát khuẩn cao, v.v vốn dễ gây kích ứng cho trẻ.  

Lạm dụng nước lá trầu không, lá chè để vệ sinh cho bé gái

Không thể phủ nhận hiệu quả thấy ngay của các loại nước này trong việc chữa hăm cho bé. Đây là kinh nghiệm dân gian mà ông bà áp dụng từ trước tới nay. Bởi các loại nước đun từ lá chè hay lá trầu không thường có tính sát khuẩn mạnh. Bé bị hăm, dùng loại nước này thấy vết viêm đỏ se lại rất nhanh.  

Tuy nhiên, các mẹ không nên lạm dụng các loại nước này trong vệ sinh cho bé gái hàng ngày. Bởi vì với tính sát khuẩn cao, rất khó xác định được nồng đồ phù hợp và dễ gây mất cân bằng pH âm đạo ở bé. 

Mặt khác, với tình trạng môi trường xuống cấp nghiêm trọng, sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu và diệt cỏ. Để tìm được lá sạch cũng là một vấn đề khó giải quyết.  

Sử dụng nước muối để vệ sinh vùng kín cho bé

Nhắc đến vệ sinh cho bé, nhiều mẹ liên tưởng ngay đến nước muối và nghĩ rằng vệ sinh bằng nước muối, chắc chắn sạch. Tuy nhiên đây lại là một sai lầm. Nước muối có tính kiềm, mà độ pH âm đạo của bé thường nghiêng về trung tính. Do đó, nước muối sẽ làm môi trường pH âm đạo của trẻ bị mất cân bằng. 

Những lưu ý khi vệ sinh vùng kín cho bé gái

• Tuyệt đối không được thụt rửa sâu vào vùng kín của bé. Kết cấu âm đạo của bé rất hẹp, vẫn chưa hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương. Mẹ chỉ nên vệ sinh bên ngoài và xung quanh theo hướng dẫn ở trên.

• Không tùy tiện sử dụng dung dịch vệ sinh để lau rửa vùng kín cho bé. 

• Không lạm dụng các loại nước lá theo kinh nghiệm dân gian. 

• Không sử dụng các gel, các loại kem bôi trực tiếp lên vùng kín của bé khi tắm. 

• Chú ý thay bỉm thường xuyên cho bé. Vệ sinh mỗi lần thay bỉm.

• Không nên đóng bỉm ngay sau khi vệ sinh cho bé.  Đợi vùng kín của bé khô, thoáng mới mặc bỉm mới. 

• Không tự ý sử dụng phấn rôm hay các loại mỹ phẩm để làm khô vùng bẹn, mông hay vùng kín của bé. 

• Không chà xát, kỳ cọ quá mạnh vùng nhạy cảm của bé. 

• Nếu âm đạo của bé có hiện tưởng lạ như mẩn đỏ, có màu lạ, có mùi hoặc dịch tiết âm đạo gây ngứa ngáy cho bé. Mẹ phải đưa bé đi bác sĩ khám. 

• Ngoài khăn vải, bông gòn. Mẹ có thể sử dụng các loại khăn giấy ướt không chứa hương liệu và cồn để vệ sinh cho bé. 

• Khi vệ sinh vùng kín cho trẻ, ngoài việc vệ sinh làn da xung quanh thì cũng cần rửa cả môi nhỏ. 

• Việc âm đạo của trẻ thường xuyên tiết dịch và không mùi là chuyện bình thường. Bố mẹ không cần quá lo lắng. 

 

Cha mẹ cần lưu ý khi vệ sinh vùng kín cho bé gái

Một số vấn đề liên quan đến vùng kín của bé gái sơ sinh mà mẹ cần biết

Hiện tượng tiết dịch có lẫn máu

Nhiều mẹ lo lắng khi thấy trên bỉm của con xuất hiện những vệt máu hồng nhỏ. Nhưng điều này là hiện tượng bình thường. Trong vài tuần đầu sau sinh, cơ thể trẻ vẫn còn chịu ảnh hưởng của nội tiết tố từ mẹ truyền qua nhau thai. Do đó, nếu thấy vùng kín của trẻ hơi sưng đỏ, âm đạo của trẻ tiết dịch hoặc có một chút máu thì ba mẹ không cần quá lo lắng. 

Dính môi âm hộ ở trẻ sơ sinh

Bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới gồm môi lớn và môi nhỏ chắn trước âm đạo và lỗ tiểu. Thông thường, hai môi này sẽ tách rời nhau. Tuy nhiên, một số bé gặp tình trạng dính môi âm hộ, gây ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu của trẻ, từ đó tích tụ dịch, tăng viêm nhiễm.

Nếu trẻ sơ sinh dính môi âm hộ ở mức độ nhẹ thì có thể khỏi khi đến tuổi dậy thì do nồng độ estrogen tăng lên. Còn với các bé thuộc mức độ nặng cần phẫu thuật để tách hai môi âm hộ ra.

Vùng kín của bé gái có mùi hôi và cách xử lý

Bước 1: Xác định nguyên nhân.

Vùng kín của trẻ có mùi hôi, có thể đến từ các nguyên nhân sau:

• Đóng bỉm cả ngày, không vệ sinh đúng và đủ.

• Trẻ bị kích ứng bỉm gây viêm.

• Trẻ bị mắc dị vật trong âm đạo.

• Trẻ bị viêm âm đạo do kích ứng hóa chất, hoặc lây bệnh từ nước bẩn.

• Bộ phận sinh dục của bé bị dính môi.

Bước 2: Xử lý dựa trên nguyên nhân

• Với trường hợp do đóng bỉm cả ngày, không vệ sinh đúng và đủ, có thể khắc phục ngay tại nhà. Vệ sinh ngay sau khi phát hiện bé đi đại tiện. Không để bé đóng bỉm bẩn quá lâu trên 4 tiếng. Sau mỗi lần thay bỉm, vệ sinh sạch sẽ và thấm khô để vùng kín không bị ẩm ướt lâu. Khuyến khích mọi người thả bỉm vào ban ngày nhiều nhất có thể giúp bé thoải mái. Hoặc thả bỉm cho con một lúc trước khi đóng bỉm mới.

• Trường hợp bé bị kích ứng bỉm, dẫn đến hăm, loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và khiến vùng kín của bé gái có mùi hôi thì mẹ nên thay bỉm mới kết hợp vệ sinh sạch sẽ. Mẹ nên lựa chọn bỉm thấm hút tốt, không quá dày vừa giúp con vận động dễ dàng vừa hạn chế vùng kín của bé gái có mùi hôi.

• Trường hợp mắc dị vật trong âm đạo: Các bé thường hiếu động, khi chơi đùa có thể vô tình làm các vật thể lạ mắc trong âm đạo. Điều này rất dễ khiến âm đạo bị tổn thương, nhiễm trùng. Nếu thấy bé khó chịu hoặc nghi ngờ vùng kín bị mắc dị vật cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để điều trị, can thiệp kịp thời.

• Bé bị viêm âm đạo do kích ứng hóa chất, lây bệnh từ nguồn nước bẩn… Có thể phát hiện bệnh khi thấy vùng kín của bé gái có mùi hôi; tiết dịch nhầy/bợn trắng, xanh, vàng; âm đạo sưng đỏ, ngứa ngáy. Lúc này cần đưa con đi điều trị sớm nhất có thể. 

• Bộ phận sinh dục của bé bị dính môi: Tình trạng này không quá phổ biến, có thể phát hiện khi bé mới chào đời. Nếu bị dính phần môi nhỏ sẽ gây hạn chế, tắc đường tiểu, nhiễm trùng đường tiểu.

Trên đây là toàn bộ nội dung về vệ sinh sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh đúng cách. Chúc ba mẹ và các con khỏe, vui và có những khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau. Nếu thấy bài viết hữu ích, bạn hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Follow by Email
Pinterest
LinkedIn
Share