Kỹ thuật tiêm nội khớp gối huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân điều trị bệnh thoái hóa khớp

I.      ĐẠI CƯƠNG

Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Bệnh rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa khi bệnh ở giai đoạn muộn. Nhìn chung, các biện pháp điều trị nội khoa thoái hóa khớp gối chủ yếu nhằm hai mục đích: giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp, tức là vẫn điều trị triệu chứng bệnh chứ chưa đạt tới đích cải thiện được chất lượng sụn khớp hay làm ngừng quá trình thoái hóa.

Như vậy rõ  ràng có nhu cầu cấp thiết cần tìm ra một kỹ thuật điều trị mới, thực sự tác động tới sự phục hồi sụn, độc lập hoặc phối hợp tốt với các phương pháp điều trị hiện tại nhằm đem lại kết quả cao trong điều trị bệnh, hạn chế các biến chứng và nhu cầu thay khớp nhân tạo. Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP- Platelet Rich Plasma) tự thân đã mở ra một hướng mới để điều trị thoái khớp: điều trị bảo tồn. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ tiêm PRP tự thân vào khớp gối thoái hóa- với đích tác động là cải thiện, tăng sinh tế bào sụn khớp- cho kết quả có tác dụng tốt hơn, lâu dài hơn tiêm chất nhờn acid hyalorunic (vốn được coi là điều trị chuẩn trong bệnh thoái hóa khớp gối) trong khi hầu như không có biến chứng đáng kể [6,7,9,10].

II.   CHỈ ĐỊNH

–   Bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ  năm 1991 (ACR- American College of Rheumatology 1991) [2] gồm:

1. Đau khớp gối

2. Có gai xương ở rìa xương (Xquang)

3. Dịch khớp là dịch thoái hoá (dịch khớp trong, độ nhớt giảm hoặc bạch cầu dịch khớp dưới 2000 tế bào/ mm3

4. Tuổi trên 40­

5. Cứng khớp dưới 30 phút

6. Lạo xạo khi cử động .

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1, 2 hoặc 1, 3, 5, 6 hoặc 1, 4, 5, 6.

Tiêu chuẩn này đạt độ nhậy 94%, độ đặc hiệu 88%

–        Thoái hóa khớp gối từ giai đoạn 1-4 theo phân độ của Kellgren và Lawrence [8] gồm:

+ Giai đoạn 1: nghi ngờ có hẹp khe khớp và có chồi xương.

+ Giai đoạn 2: có chồi xương và có hẹp khe khớp rõ ràng.

+ Giai đoạn 3: có nhiều chồi xương kích thước vừa, hẹp khe khớp rõ, có xơ xương dưới sụn và nghi ngờ có biến dạng bề mặt diện khớp.

+ Giai đoạn 4: có chồi xương lớn, hẹp nhiều khe khớp, có xơ xương dưới sụn rõ và có biến dạng bề mặt diện khớp rõ.

Tuy nhiên khuyến cáo nên tiêm PRP cho bệnh nhân ở giai đoạn 1-3, trường hợp ở giai đoạn 4 chỉ tiêm khi bệnh nhân chưa có điều kiện thay khớp ngay.

III.     CHỐNG CHỈ ĐỊNH

–    Nồng độ Hemoglobin máu dưới 110g/l.

–         Tiểu cầu máu dưới 150.000 /mm3.

–         Thai nghén.

–    Thoái hóa khớp gối chưa loại trừ được các bệnh kèm theo như viêm khớp gối nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ, lao khớp).

–    Nhiễm khuẩn ngoài da vùng quanh khớp gối, nhiễm nấm… khi tiêm có nguy cơ đưa vi khuẩn, nấm vào trong khớp gối.

–         Tiêm corticoid/ acid hyaluronic tại khớp gối tổn thương với mũi tiêm gần nhất trong vòng 6 tuần trước.

Lưu ý:

+ Thận trọng với bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp dạng thấp, bệnh máu trong đó có các bệnh lý rối loạn chức năng tiểu cầu, bệnh lý tim mạch nặng, nhiễm khuẩn toàn thân, bệnh lý ác tính, suy giảm miễn dịch, đang dùng liệu pháp chống đông… Chỉ thực hiện thủ thuật tiêm PRP khi các bệnh lý trên đã được kiểm soát tốt.

+ Trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống viêm không steroid thì phải ngừng trong vòng 1 tuần trước điều trị tiêm PRP hoặc acid hyalorunic.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu điều trị dứt điểm thoái hóa khớp gối

IV.     CHUẨN BỊ

1.     Cán bộ chuyên khoa

–         01 bác sỹ: là bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp đã được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên ngành cơ xương khớp và chứng chỉ tiêm khớp, tách PRP theo kỹ thuật ACP (Autologous Conditioned Plasma) của hãng Arthrex- CHLB Đức [4].

–         01 điều dưỡng.

2.     Phương tiện

–    Phòng tiêm khớp đạt tiêu chuẩn chuyên môn.

–    Bộ dụng cụ tách PRP theo kỹ thuật của hãng Arthrex- CHLB Đức [4]:

–    Hộp thuốc chống sốc theo quy định.­

–    Hộp đựng dụng cụ vô trùng (săng có lỗ, kẹp có mấu, bông băng gạc…).

–    Kim tiêm đường kính 20G dài 3,8 cm.

–    Cồn 70o, dung dịch sát khuẩn Betadin hoặc cồn iốt, bông, băng dính y tế/ băng dính Urgo.

3.     Người bệnh

–   Cần được kiểm tra chẩn đoán xác định, các chỉ định, chống chỉ định

–   Được giải thích: mục đích, tai biến của thủ thuật; ký giấy cam đoan làm thủ thuật

4.     Hồ sơ bệnh án

–   Theo mẫu quy định

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH.

Thực hiện tại phòng thủ thuật xương khớp vô khuẩn theo quy định, thời gian tiến hành khoảng 20 phút (cả lấy máu, tách PRP và tiêm PRP vào khớp gối).

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án hoặc đơn về chỉ định, chống chỉ định

2. Bệnh nhân nằm, điều dưỡng lấy 20 ml máu tĩnh mạch vào 2 bơm chuyên dụng (bơm 2 nòng) của hãng Arthrex, mỗi bơm sẽ lấy 10 ml để bác sỹ ly tâm tách  lấy PRP theo kỹ thuật ACP của hãng Arthrex

3. Tách PRP theo quy trình kỹ thuật tách chiết PRP theo hãng Arthrex- CHLB Đức [4]:

Đây là một quy trình tách PRP kín, tự thân, đã được tổ chức Thuốc và Thực phẩm Hòa Kỳ (FDA) công nhận [5], quy trình tiến hành tách PRP và tiêm khớp trong môi trường phòng vô khuẩn nên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Quá trình tách sẽ lấy được tổng cộng khoảng 8 ml PRP/ 20 ml máu.

4. Tiêm 6 ml PRP vào mỗi một khớp gối bệnh nhân với liệu trình 1 mũi/ tuần trong 3 tuần liền. Các bước bao gồm [1,3]:

4.1. Điều dưỡng hướng dẫn vị trí bệnh nhân, tùy thuộc vào 2 tư thế tiêm:

+    Tư thế bệnh nhân ngồi: gấp gối 90­0.

+    Tư thế bệnh nhân nằm: kê gối dưới khoeo.

4.2. Bác sỹ rửa sạch tay, sát khuẩn lại bằng cồn 70­0, đi găng vô khuẩn  theo quy trình rửa tay, đi găng

4.3. Điều dưỡng sát trùng vị trí tiêm, phụ giúp bác sỹ trải săng có lỗ.

4.4. Bác sỹ tiêm 6 ml PRP vừa tách được vào mỗi một khớp gối.

+    Tư thế bệnh nhân ngồi: gấp gối 90­0, vị trí tiêm là hõm dưới xương bánh chè 1-1,5 cm, ở phía trong hoặc ngoài gân bánh chè, kim tiêm vuông góc với mặt da, đưa kim vào sâu khoảng 2 cm, hút ra không có máu, tiêm PRP từ từ vào trong khớp, nếu đẩy nhẹ là được. Trường hợp đẩy bơm thấy nặng tay thì rút kim ra hoặc đưa vào một ít , khi thấy bơm nhẹ thì tiêm tiếp.

+    Tư thế bệnh nhân nằm: kê gối dưới khoeo, vị trí tiêm ngay sát dưới bờ ngoài xương bánh chè, luồn kim bên dưới xương bánh chè, sâu khoảng 2,5- 3cm bơm thuốc vào nhẹ tay là được.

Lưu ý nếu có dịch khớp gối  thì hút hết dịch trước khi tiêm.

5.  Chăm sóc bệnh nhân ngay sau tiêm

–     Băng chỗ tiêm, hướng dẫn bệnh nhân gấp duỗi thụ động khớp gối ngay sau tiêm 3 lần.

–    Dặn bệnh nhân giữ khô vị trí tiêm trong 24 giờ, sau 24 h mới bỏ băng dính, có thể rửa nước bình thường vào chỗ tiêm.

–     Dặn bệnh nhân theo dõi các tai biến, tác dụng phụ (mục VII).

VI.     THEO DÕI

–     Chỉ số: mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu  tại  chỗ, tình trạng viêm  trong 24 h

–     Theo dõi các tai biến và tác dụng phụ có thể xảy ra (mục VII) sau 24 h

VII.   TAI BIẾN VÀ XỬ LÝ

–    Hội chứng kích thích phó giao cảm (hiếm gặp): tai biến do bệnh nhân quá sợ hãi- biểu hiện: choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn… Xử lý: đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử lý cấp cứu khi cần thiết. Trường hợp nhịp tim chậm dưới 60 chu kỳ/ phút cho Atropin 0,5- 1mg tiêm dưới da.

–    Đau tăng sau khi tiêm 12-24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với PRP, thường khỏi sau một ngày, không phải can thiệp, có thể bổ sung giảm đau paracetamol 1-3 g/ ngày, mỗi lần uống 0,5 g cách nhau 4-6 h.

–    Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp do thủ thuật tiêm (viêm mủ): biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch; hút dịch khớp, làm xét nghiệm tế bào, nuôi cấy vi khuẩn và điều trị kháng sinh đường toàn thân (theo protocol hướng dẫn điều trị bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn).

Xem thêm:

Quy trình tiêm khớp và phần mềm quanh khớp

Contents

Hướng dẫn kỹ thuật tiêm Insulin cho bệnh nhân tiểu đường

Bất lợi của việc tiêm corticoid

đuổi bọt khí trong tiêm truyền

Một số kỹ thuật tiêm chích cơ bản

Kỹ thuật chọc hút dịch điều trị u nang tuyến giáp

bluecare https://bluecare.vn/app

Bấm vào ảnh để tải App Bluecare

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*